Về với dân nơi lưng trời Chế Tạo
- Cập nhật: Thứ tư, 6/1/2016 | 3:05:31 PM
YBĐT - Chế Tạo - xã xa nhất tỉnh Yên Bái cách trung tâm tỉnh lỵ gần 250 km với những đỉnh đèo dốc cao ngất của huyện Mù Cang Chải. Có đến mới thấu hiểu người Mông nơi này sống thế nào, cần gì ở Chính phủ và cả tình cảm của bà con người Mông luôn hướng về các đại diện của mình ở Quốc hội.
Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái tặng máy phô tô cho UBND xã Chế Tạo.
|
Nhìn trời gió thổi mạnh, mưa lạnh, Bí thư Huyện ủy Giàng A Tông bảo: “Mưa thế này không vào Chế Tạo được đâu! Nguy hiểm lắm!”. Song, với lời hứa trước cử tri sáng nay về gặp gỡ, đã mời đại biểu các bản xa như: Pú Vá, Tà Xung, Háng Tày về xã từ chiều hôm trước, nên Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khoá XIII của tỉnh Dương Văn Thống vẫn quyết tâm lên đường.
Được Chương trình 135 của Chính phủ đầu tư khiến tuyến đường vào xã Chế Tạo như gần hơn. Toàn tuyến được bê tông hóa 27 km, đường êm thuận. Qua trảng thung lũng Háng Giàng cỡ 10 km, người bạn cùng xe chỉ tấm tôn hộ lan lượn sóng văng ra trượt dài xuống núi và bảo: “Hôm trước, một dân Tây "phượt" khi trở ra từ Chế Tạo đi xe ô tô qua đây, gặp khúc cua gấp, không làm chủ được tốc độ, va vào tấm tôn lượn sóng văng xuống khe núi sâu cỡ trăm mét. Dân địa phương đi đường thấy cảnh đó tưởng chết, khoảng gần một giờ sau mới lần xuống được khe núi tìm kiếm, hóa ra chỉ gẫy chân và chấn thương đầu. Nhờ bộ đàm vệ tinh gọi máy bay trực thăng cấp cứu, nhưng nơi đây làm gì có chỗ đậu, nên phải "tăng bo" mấy lần mới chuyển về Hà Nội cấp cứu”.
Mưa dài, đi hết đường bê tông khiến đoạn đường đất gần xã nhão nhoét, bánh xe trượt kéo lê dài không theo điều khiển của vô lăng. Chị Bích Nhiệm đại biểu Quốc hội khoá XIII của tỉnh, vốn là giáo viên quen nơi phố thị, trời lạnh mà vẫn vã mồ hôi.
Một số người trong đoàn xuống ô tô, đi bộ và tăng bo bằng xe máy do dân quân xã ra đón. Sau cái nắm tay thật chặt giữa chủ và khách, mọi người vội tìm nước để rửa bùn đất trước khi gặp nhân dân.
Xin Chính phủ kéo điện lưới về 4 thôn ở khu 2, đầu tư thêm 6 km đường bê tông cho hoàn thiện toàn tuyến; đề nghị tỉnh bố trí việc cho số con em trong xã học xong cao đẳng chưa có việc; xin thêm giáo viên dạy đủ 32 lớp học trong xã... là những nguyện vọng thiết thực nhất đồng bào gửi đến Đoàn ĐBQH.
Nhớ lại cách đây hơn 12 năm, đồng bào Mông 3 thôn: Pú Vá, Tà Xung, Háng Tày đã nhất quyết đòi "ly khai" xin về tỉnh Sơn La, bởi ở Yên Bái bao năm vẫn cảnh bốn không (không trường lớp học, không đường, không trạm xá, không điện), sống như cách biệt với thế giới hiện tại.
Trước thực tại này, Tỉnh ủy Yên Bái cử đoàn công tác do Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy - Phùng Quốc Hiển (nay là Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội) đi bộ trọn một ngày để đến với đồng bào. Tận mắt thấu hiểu sự khó khăn, những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của dân đã báo cáo trước cán bộ chủ chốt tỉnh và kịp thời có những quyết sách trúng, đúng, sát thực, nhằm ổn định tình hình đời sống của đồng bào.
Giờ thì đời sống đã khác xưa nhiều. Hơn 340 hộ dân của xã biết cấy lúa nước một vụ trên diện tích 158 ha, nên cơ bản khắc phục thiếu đói lương thực, nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm 62%. Ba điểm trường thu hút hơn 500 học sinh từ mẫu giáo đến THCS, một số học bán trú ngoài huyện. Nhờ hiếu học mà dòng họ Giàng trong xã có đến 17 người trình độ đại học, 12 cao đẳng, 15 trung cấp, được Trung ương Hội Khuyến học khen thưởng, tôn vinh, là niềm tự hào của dân vùng cao này.
Cô giáo Hoàng Thị Thanh Chỉ, người Tày quê ở xã Kiên Thành (Trấn Yên) là nữ giáo viên duy nhất, đầu tiên trụ ở Chế Tạo đã bốn năm, để đưa cái chữ cho con em người Mông. Cô trăn trở: “Năm 2010 ra trường về trường xã Chế Tạo để giảng dạy và có biên chế. Đến giờ, thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng, nhà thuê 600 ngàn đồng/tháng và muốn chuyển trường theo qui định của Chính phủ cũng thấy khó khăn”.
Ấy cũng là nỗi niềm của rất nhiều cô giáo vùng cao Yên Bái đã hiến cả tuổi trẻ cho sự nghiệp trồng người, nhưng để "hạ sơn" sau ba năm phục vụ vùng 135 theo qui định là chuyện dài, không dễ.
Học sinh bán trú xã Chế Tạo trồng rau để chủ động nguồn thực phẩm.
Lại chuyện đưa điện về bản, Công ty Điện lực Yên Bái đầu tư 13,75 tỷ đồng dựng cột, kéo dây, lập trạm biến áp, dự kiến cung cấp điện lưới quốc gia cho 174 hộ dân. Nhưng đến nay, mới có 94 hộ đăng ký mua điện, nhưng sản lượng điện tiêu thụ của các hộ chỉ từ 10 - 15 Kw/hộ/tháng.
Như vậy, suất đầu tư đối với mỗi hộ kể trên là 79 triệu đồng, khả năng thu hồi vốn đầu tư là rất thấp. Sóng điện thoại phập phù từ mạng Viettel, bởi dân thưa, đất toàn xã rộng đến 23.538 ha, khó mà sóng di động nào phủ kín.
Ngay như nhà làm việc của xã, trước là nhà gỗ ở kéo dài mấy chục năm rất chật hẹp, sau được Sở Giao thông -Vận tải là đơn vị phụ trách xã dựng một nhà khung sắt, lợp tôn, trị giá 200 triệu đồng. Năm nay, xã được đầu tư xây mới trụ sở hai tầng, khang trang trên nền cũ, đẹp nhất xã.
Anh Sùng A Trống - Chủ tịch UBND xã khoe với chúng tôi: “Cái được nhất của dân trong xã là việc bảo vệ rừng nguyên sinh khu bảo tồn Chế Tạo rộng hơn 20.000 ha. Qua chi trả dịch vụ môi trường rừng mà dân xã mình mỗi năm được hơn 7 tỷ đồng. Đây cũng là rừng đầu nguồn của các thủy điện: Bản Chát, Mường Kim, Hòa Bình, nên dân hưởng lợi lớn”.
Thủy điện Chế Tạo đang được khảo sát, thi công với tổng công suất 200 MW, mở ra một hướng mới cho Chế Tạo.
Tuy vậy, đại biểu Giàng A Chu - Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, một người trưởng thành từ vùng núi cao này phản biện: “Cái gì vùng xuôi có, dân mình đòi phải có, là khó cho Chính phủ lắm. Việc cốt nguồn nước, mất đồng cỏ chăn nuôi, mất nguồn nước thì không có thủy điện, mất luôn tán che trồng thảo quả và táo mèo, là những sản vật đang ngày một đem lại nguồn thu cho dân mình. Còn nghĩ xa hơn, thì người Mông mình cần vươn lên, làm chủ các tiến bộ kỹ thuật trong nông lâm nghiệp để làm giàu, trước mắt đáp ứng nguồn nhân lực cho các dự án thủy điện tại xã.
Gặp lại Giàng A Sầu - Phó trưởng Công an xã nắm thêm tình hình an ninh trong khu vực, nhất là việc chuẩn bị gọi thanh niên nhập ngũ, quản lý người nghiện hút thuốc phiện, quản lý nhân khẩu...
Giàng A Sầu không quên khoe: “Nhà báo à, thấy xã mình đổi thay nhiều không? Rừng tốt nhiều rồi đấy, bởi vì mấy năm nay thủy điện Sơn La tích nước nên độ ẩm cao, sương mù phủ cả mùa đông, không lo cháy rừng mùa khô nữa. Cả xã trồng hơn 150 ha thảo quả, mỗi năm bán được cỡ 500 tấn quả, nên có nhiều nhà mua được xe máy”.
Trao tấm ảnh Bác Hồ từ chất liệu đá quí cho xã, đồng chí Dương Văn Thống động viên bà con: “Nhà nước mình còn nghèo, đã đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho xã như thế này là ưu tiên lắm. Cái gì mình làm được thì nên cố gắng, không ỷ lại vào Nhà nước. Mong đồng bào thực hiện tốt chính sách pháp luật, cán bộ gương mẫu, giữ rừng, giữ ổn định chính trị, để lần sau về thăm có nhiều niềm vui mới”.
Thanh Sơn
Các tin khác
Sáng 6-1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và có bài diễn văn quan trọng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Sáng 6/1, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946-6/1/2016).
YBĐT - Theo quy định của pháp luật, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; phổ biến và vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật.
YBĐT - Hoạt động lập pháp là một trong những chức năng chủ yếu và quan trọng của Quốc hội. Trong nhiệm kỳ qua, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Yên Bái đã xác định công tác xây dựng pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đoàn và đã tập trung làm tốt công tác này thông qua nhiều hình thức.