Kỷ niệm 62 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2016):

Kỳ tích những đôi chân trần

  • Cập nhật: Thứ sáu, 6/5/2016 | 3:39:44 PM

YênBái - YBĐT - Những con đèo mà dân công gánh gạo đi qua, ai cũng khiếp. Nhưng cực nhất vẫn là những bác xe thồ. Vai ai cũng bị loét vì tỳ vào cắng thồ, tay phồng rộp vì nắm đòn tre tay lái, chân tứa máu vì bám đá tai mèo.

Đoàn xe đạp thồ đang tải hàng lên chiến trường Điện Biên Phủ.(Sưu tầm)
Đoàn xe đạp thồ đang tải hàng lên chiến trường Điện Biên Phủ.(Sưu tầm)

Đầu năm 1954, cán bộ về làng vận động ủng hộ lương thực, thực phẩm và đi dân công hỏa tuyến phục vụ một chiến dịch lớn đánh đuổi giặc Pháp giành lại giang sơn, thế là dân làng lại bừng bừng khí thế ra trận, chứ biết đâu là đi chiến dịch Điện Biên.

Bây giờ đường tốt, xe tốt, nên khởi hành từ Việt Trì hay thành phố Yên Bái lúc sáng sớm qua đèo Lũng Lô sang huyện Phù Yên, Bắc Yên... thuộc tỉnh Sơn La, ta vẫn kịp ăn trưa ở thành phố Sơn La. Đi tiếp đến thành phố Điện Biên, mặt trời vẫn chưa gác núi. Độ đường chừng trên 5 trăm cây số, ta đi chưa hết một ngày. Vậy mà trước đây, ông bà, cha, mẹ chúng ta “chị gánh, anh thồ” tiếp viện cho chiến trường Điện Biên đã phải đi bộ bằng chân trần ròng rã cả tháng trời.

Thế hệ cha mẹ tôi, hầu như nhà nào cũng có người đi dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên. Thành thử, mỗi khi có dịp tề tựu, bà con lại mang ký ức một thời gian lao, anh dũng, kiên cường kể lại với tinh thần rất đỗi tự hào. Bọn trẻ chúng tôi ngồi nghe những câu chuyện thời chiến mà lòng vô cùng thích thú.

Mọi người kể rằng, vùng đất trung du Phú Thọ quê tôi nằm ở vị trí cửa ngõ vùng Tây Bắc, cho nên, chuyện đi làm dân công hỏa tuyến đã bắt đầu từ chiến dịch sông Thao (1949); chiến dịch Hòa Bình (1951-1952), rồi chiến dịch Tây Bắc (1952). Lần nào dân công đi cũng mang về niềm vui quân ta chiến thắng.

Bởi vậy, đầu năm 1954, cán bộ về làng vận động ủng hộ lương thực, thực phẩm và đi dân công hỏa tuyến phục vụ một chiến dịch lớn đánh đuổi giặc Pháp giành lại giang sơn, thế là dân làng lại bừng bừng khí thế ra trận, chứ biết đâu là đi chiến dịch Điện Biên.

Thóc gạo dù không nhiều nhưng dân đều tự nguyện bớt đi một phần mang ra xay giã nộp đủ theo quy định. Có nhà còn mang cả lợn, trâu ủng hộ. Người cao tuổi giúp con cháu đan bồ, đẽo đòn gánh thật chắc, nhặt những chiếc bẹ măng bương, lột mo cau lót quanh bồ để gạo không bị rơi, bị ướt.

Xe đạp là của hiếm và là thứ tài sản vô giá nhưng dân sẵn sàng mang ra phục vụ kháng chiến. Mỗi dân công chỉ gánh chừng 25 cân gạo, cộng với 5 cân bỏ vào tay nải để ăn đường. Mới đi, ai cũng nghĩ chỉ đi vài ngày, một tuần như những lần trước đó. Ai ngờ, những đôi chân trần ấy cứ gánh gạo đi miết.

Con đường mà dân công đi qua, ai cũng khiếp. Những địa danh như Kẽm Hem (lối đi khoét vào vách đá trơn lỳ chỉ đủ lọt một người và một bên là vực sâu thăm thẳm, khiến có người đã không may phải bỏ mạng), đèo Cón, đèo Lũng Lô, đèo Bắc Yên, Pha Đin... vừa dốc đứng vừa dài, hay ngã ba Cò Nòi (túi bom của Pháp). Những con đèo như thế, đi bộ đã khó lại còn gánh gồng ngược dốc thì cực khổ biết chừng nào.

Thêm nữa, đường mới làm nên gốc cây, đá nhọn lởm chởm khiến cho bàn chân phồng rộp, tóe máu hết lớp này, lớp khác. Vai tím bầm vì gánh nặng lâu ngày.

Nhưng cực nhất vẫn là những bác xe thồ. Xe chở nặng nên khi lên dốc phải gồng mình ì ạch đẩy xe, lúc xuống dốc phải căng mình cùng nhau kìm xe lại. Thế nên, vai ai cũng bị loét vì tỳ vào cắng thồ, tay phồng rộp vì nắm đòn tre tay lái, chân tứa máu vì bám đá tai mèo.

Đã vậy, năm ấy lại mưa nhiều, lũ sớm, rét mướt, trơn trượt và cơ man là muỗi vắt khi nghỉ hoặc đi xuyên rừng rậm. Không ít người chỉ đi được vài ngày, gặp cảnh rừng thiêng nước độc đã mắc sốt rét nhưng vẫn không bỏ cuộc. Cơm ăn chỉ có muối với rau rừng.

Mới đầu, dân công còn đi ban ngày, nhưng sau đó, địch phát hiện ra những con đường tiếp viện của ta, nên chúng cho máy bày dò tìm nã đạn, ném bom. Bởi vậy, dân công phải chuyển sang nghỉ ngày đi đêm trong ánh đuốc lờ mờ, mưa rét.

Gian nan như thế nhưng người làng tôi vẫn nói với nhau rằng “khổ mà vui”. Vui vì trên đường, dân công từng đoàn vào ra nườm nượp như trảy hội. Người đi hò hát vang rừng. Vui vì nhiều dân công trên đường về báo tin: “Cố lên anh em ơi! Ngoài chiến trường, bộ đội ta đang thắng lớn rồi!”.

Được nghe những lời thăm hỏi: “Có ai ở Thanh Hóa không?”; “Có ai ở Ninh Bình không?”; “Có ai ở Hưng Yên không?”... mới biết rằng, rất nhiều tỉnh lúc này cùng đi hỏa tuyến. Nghe những câu chuyện các đoàn dặn nhau, kể cho nhau nghe mới thấy dân công tuyến nào cũng phải chịu bao gian khổ, hy sinh. Đoàn Thanh Hóa phải đi qua rừng thẳm, suối sâu của các huyện miền Tây qua Hòa Bình lên Sơn La.

Họ dặn những người trở về rằng: “Qua suối Rút mà gặp lũ nhớ đi cẩn thận nhé! Dân công ta có người bị lũ cuốn rồi đấy. Hoặc là “Đi qua Quan Hóa cẩn thận đấy! Đã có người bị hổ vồ rồi!”. Đoàn từ Phú Thọ lên kể, họ có hơn trăm người đêm ngủ trong nhà sàn của một gia đình người Mường ở Hòa Bình. Nửa ngủ trên sàn thì ngon giấc, người trải áo tơi ngủ dưới gầm sàn thì mùi phân gia súc, bọ chó ngứa ngáy không ngủ được đành kéo nhau ra đồi ngủ.

Mờ sáng, máy bay địch ném bom trúng nhà sàn khiến không còn ai sống sót. Đoàn Yên Bái kể sợ nhất bom bươm bướm địch thả dày đặc ven đường. Loại bom này nhỏ, giống con bướm màu xanh lẫn vào lá cây. Hễ ai giẫm phải, khi nhấc chân lên, bom bật tung ngang ống chân và phát nổ...

Gian khổ, hy sinh, đạn bom rình rập như thế mà dân công vẫn hiên ngang vững bước. Những đợt đầu, dân công chỉ vận chuyển lương thực, thực phẩm lên bàn giao ở gần trung tâm tỉnh lỵ Sơn La bây giờ. Những đợt sau, khi chiến trận đang dồn dập tin chiến thắng, nhiều đoàn được lệnh lên thẳng Điện Biên tham gia vận chuyển vũ khí và đưa thương binh về tuyến sau. Có người đã đưa ra phép tính, một người đi bộ đường bằng không mang vác, chỉ đi được khoảng 5,5 cây số/giờ.

Ngược lại, người dân công chiến dịch Điện Biên đi trong mưa gió, gánh gồng, đèo dốc, khe suối, đêm hôm thì chỉ đi được chừng hơn 2 cây số/giờ. Vậy mà, hàng vạn dân công từ các tỉnh đã vận chuyển ra chiến trường được hàng chục nghìn tấn lương thực, thực phẩm và vũ khí, quân trang.

Chúng ta làm được điều đó là bởi những người dân công ra trận luôn hừng hực tinh thần yêu nước quật cường và khát khao chiến thắng quân thù giành độc lập cho đất nước. Họ ra chiến trường với khí thế thi đua cùng bộ đội lập công đánh giặc. Cho nên, chiến thắng Điện Biên Phủ oai hùng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" luôn gắn với chiến công của những đoàn dân công chân đất. Và kỳ tích này có lẽ, chỉ có ở Việt Nam.

Hoàng Nhâm

Các tin khác

Sáng nay - 17/5, nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Bác (19/5/1890-19/5/2024), đoàn đại biểu đại diện Đảng bộ, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh do đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích lịch sử quốc gia Lễ đài Sân vận động thành phố Yên Bái.

Đồng chí Hoàng Quốc Hưng - Bí thư Đảng ủy xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn phát biểu chỉ đạo tại buổi sinh hoạt của Chi bộ thôn Làng Mảnh.

Thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Văn Chấn đặc biệt quan tâm thực hiện Quy định số 07 của Tỉnh ủy về luân chuyển cán bộ, công tác điều động, luân chuyển cán bộ. Đặc biệt, trong công tác cán bộ, huyện đã mạnh dạn đào tạo tại chỗ bằng cách giao việc khó để thử thách cán bộ trẻ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ chín, khóa XIII.

Sáng 16/5, tại Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương cho ý kiến về công tác nhân sự và xem xét, kỷ luật cán bộ.

Đại tướng Lương Cường giữ chức vụ Thường trực Ban Bí thư

Bộ Chính trị báo cáo Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc Bộ Chính trị đã quyết định phân công đồng chí Đại tướng Lương Cường, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia Ban Bí thư và giữ chức vụ Thường trực Ban Bí thư.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục