Phát huy truyền thống vẻ vang 65 năm ngành Công thương

  • Cập nhật: Thứ năm, 12/5/2016 | 8:33:53 AM

YBĐT - Cách đây 65 năm, ngày 14/5/1951 Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 21/SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công thương, đánh dấu sự ra đời của ngành công thương Việt Nam.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà cùng lãnh đạo Sở Công thương Yên Bái trao đổi với các doanh nghiệp về sản phẩm công nghiệp chế biến của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà cùng lãnh đạo Sở Công thương Yên Bái trao đổi với các doanh nghiệp về sản phẩm công nghiệp chế biến của tỉnh.

Trải qua 65 năm, ngành Công thương luôn tự hào với những thành tích, bước đi của mình. Đó là, những đóng góp cho công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế sau kháng chiến chống Pháp và duy trì sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, đánh thắng chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc và chi viện cho tiền tuyến miền Nam chống Mỹ cứu nước; là những đóng góp cho công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, đổi mới và phát triển kinh tế, xã hội trên cả nước, góp phần đưa đất nước ta vững bước vào thế kỷ 21.

Nhìn lại hoạt động công nghiệp tỉnh Yên Bái trước năm 1951 còn rất yếu kém. Trong đó, năm 1913 chỉ có 1 xưởng phát điện, năm 1938 thêm xưởng đề - pô xe lửa và cả hai xưởng đều ở thị xã Yên Bái. Hoạt động thăm dò, khai thác mỏ do người Pháp tiến hành ở một số mỏ như: mỏ đa kim, mỏ bạc Tú Lệ, mỏ sắt ở làng Mỵ xã Hưng Khánh, mỏ than ở Minh Tiến, Quy Mông, mỏ Grafit Minh Bảo, mỏ Kaolin Bách Lẫm, mỏ đá vôi Bảo Hà, Trái Hút.

Hoạt động thương mại trước năm 1931 rất sơ khai. Mọi việc buôn bán đều thông qua thương nhân người Kinh, người Hoa. Giai đoạn từ 1935 -1940, thương mại và buôn bán phát triển hơn, thu hút nhiều thương lái ở đồng bằng và đã hình thành tuyến vận tải Trấn Yên bằng đường sắt, đường thủy, đường bộ Hà Nội - Yên Bái; tuyến hàng hóa từ Văn Chấn về thị xã Yên Bái; từ Lục Yên đến Yên Bái bằng đường thủy, đường bộ. Công nghiệp mới chỉ sản xuất công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt cho dân địa phương và giao lưu hàng hóa phục vụ nhu cầu thường nhật.

Thời kỳ sau khi thành lập ngành và tham gia kháng chiến chống Pháp, sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN) được chú trọng. Tỉnh đã thành lập một số xưởng sản xuất công cụ, khuyến khích lò rèn tư nhân phát triển. Mậu dịch quốc doanh được thành lập, phát triển, góp phần cung ứng đủ các mặt hàng thiết yếu như: gạo, muối, vải, dầu…; tổ chức thu mua lâm thổ sản; cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ Chiến dịch giải phóng Tây Bắc (1952 -1953), Chiến dịch Điện Điện Phủ 1954, cùng cả nước đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khôi phục, phát triển kinh tế, năm 1955 các công ty: Công ty Bách hóa, Công ty Lâm sản, Công ty Lương thực và Xưởng sản xuất chè đã được thành lập.

Đến tháng 4/1958, Ty Công thương được tổ chức lại để thành lập Ty Thương nghiệp và Ty Công nghiệp Yên Bái. Hệ thống thương nghiệp từng bước được kiện toàn, phát triển, duy trì hoạt động có hiệu quả; xây dựng được mạng lưới mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã (HTX) mua bán rộng khắp, với hai thành phần chủ yếu là thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp HTX mua bán. Đến năm 1961, Ty Thương nghiệp Yên Bái trực tiếp quản lý Công ty Bách hóa, Công ty Thực phẩm, Công ty Nông sản, Công ty Vật liệu kiến thiết, Công ty Mậu dịch Thủy điện Thác Bà, các xí nghiệp thương nghiệp tổng hợp huyện, trạm chăn nuôi, xưởng sản xuất bánh kẹo...

Công nghiệp địa phương và TTCN có bước phát triển hướng vào phục vụ nông lâm nghiệp, xây dựng cơ bản và đời sống nhân dân. Năm 1960, tỉnh có 485 cơ sở, HTX và 87 tổ sản xuất TTCN. Năm 1970, xây dựng và hoàn thành đưa vào vận hành phát điện Nhà máy Thủy điện Thác Bà công suất 120MW. Năm 1975, có Nhà máy Chè Trần Phú công suất 43 tấn búp tươi/ngày; Nhà máy Chè Yên Ninh công suất 13 tấn búp tươi/ngày; các xí nghiệp cơ khí, bánh kẹo, đường rượu, giấy; các cơ sở sản xuất thủ công mộc xẻ, mây tre đan được xây dựng.

Thời kỳ 1976 - 1991, là thời kỳ hợp nhất các tỉnh: Lào Cai - Yên Bái - Nghĩa Lộ thành tỉnh Hoàng Liên Sơn. Hệ thống kinh doanh từng bước được sắp xếp lại, hình thành một hệ thống các công ty chuyên doanh: Công ty Thực phẩm nông sản, Công ty Bách hóa vải sợi, Công ty Ăn uống - phục vụ, Công ty Điện máy - Chất đốt. Các công ty này có các cửa hàng, kho, trạm, trực thuộc nằm trên địa bàn tất cả các huyện, thị của tỉnh và đến năm 1977 tổ chức kinh doanh mới ổn định. Tại thời điểm này, thương nghiệp quốc doanh có trên 100 cửa hàng bán lẻ, thu mua và giao hàng đại lý và có trên 200 HTX mua bán làm nhiệm vụ bán lẻ hàng đại lý và thu mua ủy thác nông sản thực phẩm cho thương nghiệp quốc doanh.

Đến năm 1980, có 60 cơ sở sản xuất quốc doanh và 51 HTX thủ công nghiệp, tham gia sản xuất ở các ngành: cơ khí, hóa chất, sành sứ, thủy tinh, vật liệu xây dựng, chế biến lâm sản, lương thực thực phẩm, dệt da, may nhuộm, văn hóa phẩm. Cuối năm 1985, một số mặt hàng của địa phương trở thành những sản phẩm có giá trị và uy tín trên thị trường như sứ cách điện, xi măng trắng, hoa quả hộp xuất khẩu, chè...

Năm 1990, các cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp chế biến chè, gỗ, khoáng sản, vật liệu xây dựng phát triển khá, có sự tăng trưởng và chất lượng sản phẩm cao hơn. Tỉnh đã xây dựng thêm nhà máy chè công suất 16 tấn búp tươi/ngày. Một số ngành nghề truyền thống được khôi phục và phát triển như: dệt vải, đệm bông lau, thủy tinh (thổi chai, lọ, đèn, bóng đèn), nuôi tằm. Bước đầu đã hình thành các vùng nguyên liệu tập trung cho sản xuất công nghiệp như: chè 8.163 ha, quế 8.900 ha, sắn 8.925 ha.

Thời kỳ tái lập tỉnh Yên Bái và tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, trong 5 năm từ 1991 - 1995, sản xuất công nghiệp - TTCN tăng bình quân 24,5%/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng 12,8%/năm; sản xuất công nghiệp tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất sứ, xi măng, gạch ngói, xây dựng nhà máy bia. Công nghiệp, TTCN được điều chỉnh hướng vào các ngành công nghiệp chế biến mà tỉnh có tiềm năng, thế mạnh như nông, lâm, khoáng sản; số lượng cơ sở đã là 4.574 cơ sở, lao động công nghiệp là 15.385 người.

Từ năm 1986, ngành thương mại của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung thực hiện chính sách đổi mới về hoạt động thương mại như: xóa bỏ hoàn toàn hình thức phân phối bằng tem phiếu; toàn bộ hàng hóa tiêu dùng được mua bán theo giá cả thị trường, nên các cơ sở thương nghiệp quốc doanh giảm dần. Công nghiệp đã có đầu tư chiều sâu, có nhiều cơ sở mới hiện đại như: sứ cách điện, tinh bột sắn, gạch tuy nel, chế biến đá vôi xuất khẩu, chế biến khoáng sản quy mô lớn. Các thành phần kinh tế khác nhau tham gia hoạt động thương mại, xuất khẩu bắt đầu tăng.

Giai đoạn 2001 - 2005, sản xuất công nghiệp có 6.017 cơ sở; giá trị sản xuất công nghiệp 2005 đạt 1.061,687 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,45%/năm; lao động 19.953 người. Nhiều thủy điện nhỏ được xây dựng như: Văn Chấn, Hưng Khánh, Nậm Đông, nhiều mỏ sắt đi vào khai thác, tinh tuyển...

Trong giai đoạn này, cơ bản xóa bỏ được cơ chế lưu thông cũ, chuyển sang cơ chế lưu thông mới, cung cấp được nhiều hàng hóa, đa dạng về chủng loại, chất lượng ngày càng cao. Thương nghiệp Nhà nước và thương nghiệp HTX mua bán đã có sự điều chỉnh sắp xếp lại tổ chức, mạng lưới và phạm vi kinh doanh. Một hệ thống các công ty TNHH, công ty cổ phần phát triển khá phong phú ở tất cả các địa bàn trong tỉnh. Năm 2005, có 9.270 cơ sở kinh doanh thương mại, trong đó, 17 cơ sở thương nghiệp quốc doanh, kim ngạch xuất khẩu đạt 9,228 triệu USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 1.539,091 tỷ đồng; các sản phẩm xuất khẩu trực tiếp như: giấy đế, ván ghép thanh, đá hạt, bột đá, giấy vàng mã, sứ điện và tinh bột sắn.

Giai đoạn 2006 - 2010, số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp là 7.379 cơ sở, tăng 10% so với năm 2005 và giá trị sản xuất công nghiệp 2010 đạt 2.850 tỷ đồng, tăng 22,8% so với 2005, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 21,85%/năm; lao động 29.200 người, chiếm 7,2% lao động của tỉnh. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển biến mạnh theo hướng tăng dần khu vực kinh tế ngoài Nhà nước; cơ cấu nội ngành đã có sự chuyển biến tích cực, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác; tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến.

Năm 2010 có 13.903 cơ sở thương mại, trong đó có 22 cơ sở thương nghiệp quốc doanh trung ương, 13.881 cơ sở do địa phương quản lý, với 20.366 lao động. Kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt 28,477 triệu USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 5.398 tỷ đồng; các sản phẩm xuất khẩu trực tiếp chủ yếu giấy đế, giấy vàng mã, ván ghép thanh, ván ép, đá hạt, bột đá, đá Blook, sứ điện, tinh bột sắn. Đây là thời kỳ chuẩn bị chuyển sở hữu từ Nhà nước sang các sở hữu khác, trong công nghiệp có nhiều thành phần tham gia, trong thương mại các cơ sở Nhà nước thu nhỏ lại, đã xuất hiện nhiều cơ sở thương mại tư nhân quy mô lớn.

Thời kỳ 2011 - 2015, ngành công nghiệp tập trung vào việc đầu tư các khu, cụm công nghiệp, tập trung phát triển nhân lực có tay nghề cho công nghiệp, xây dựng các cơ sở khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, thủy điện và chế biến nông, lâm sản thực phẩm, giá trị tăng bình quân 11%. Năm 2015, giá trị sản lượng đạt 7.600 tỷ đồng; toàn ngành có trên 500 doanh nghiệp và hàng vạn hộ cá thể; đã hình thành 4 khu và 13 cụm công nghiệp; có 95 % hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia; đã hình thành ngành khai thác, chế biến khoáng sản và hàng năm sản xuất được 1 triệu tấn đá vôi, 200.000 tấn Felpat, 400.000 m2 đá xẻ, 1.000.000 tấn quặng sắt.

Ngành thủy điện với 14 nhà máy và hàng năm phát được 1,2 tỷ KWh điện. Ngành chế biến nông, lâm sản thực phẩm hàng năm  sản xuất được 30.000 tấn chè khô, 30.000 tấn tinh bột sắn. 200.000 m3 gỗ, 600 tấn tinh đầu quế, 30.000 tấn giấy vàng mã. Ngành sản xuất vật liệu xây dựng  hàng năm sản xuất 1,2 triệu tấn xi măng, 300 triệu viên gạch, 3.000 tấn sứ điện. 400.000 m3 đá xây dựng các loại.

Về thương mại, chuyển hẳn sang kinh doanh theo cơ chế thị trường, tăng dần sản phẩm xuất khẩu. Năm 2015, tổng mức bán lẻ tăng bình quân 16%, đạt 11.000 tỷ đồng; xuất khẩu tăng bình quân 15,4%, đạt 65 triệu USD. Các sản phẩm xuất khẩu đã tìm được chỗ đứng trên thị trường quốc tế.
Để ghi nhận thành tích xuất sắc của ngành,  ngày 27/4/2011 Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho ngành Công thương tỉnh Yên Bái. Đây là thời kỳ tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để phát triển công nghiệp như: xây dựng hạ tầng công nghiệp, đào tạo nhân lực, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước sản xuất công nghiệp và kinh doanh thương mại.

Nhìn lại  65 năm qua, cùng với sự phát triển của cách mạng qua từng thời kỳ, ngành Công thương luôn xứng đáng là ngành mũi nhọn, đầu tàu trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Mọi nhiệm vụ về công nghiệp, thương mại được tỉnh giao đều hoàn thành xuất sắc. Ngành Công thương Yên Bái luôn đứng trong tốp đầu của 14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Nhiều đồng chí cán bộ của ngành đã trưởng thành và được đề bạt giữ những chức vụ quan trọng, chủ chốt của tỉnh.

Nhìn lại chặng đường 65 năm xây dựng và trưởng thành của ngành Công thương tỉnh Yên Bái, vinh dự và tự hào trước những thành tích toàn ngành đã đạt được 65 năm qua, cán bộ, công nhân, viên chức, lao động ngành Công thương càng ý thức được trách nhiệm hết sức nặng nề của mình trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài. Ngành Công thương tỉnh Yên Bái quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển công thương trong giai đoạn 2015 - 2020; phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2020 đạt 13.000 tỷ đồng; tổng mức hàng hóa bán lẻ 19.000 tỷ đồng; xuất khẩu đạt  200 triệu USD; tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 là 11%.

Nhân ngày truyền thống ngành Công thương, thay mặt lãnh đạo ngành, xin cảm ơn Đảng và Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Công thương, các đồng chí lãnh đạo và người lao động qua các thời kỳ của ngành, đã tham gia đóng góp và giúp đỡ ngành Công thương Yên Bái hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trương Ngọc Biên -Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Công thương

Các tin khác

Sáng 17/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) tỉnh Yên Bái (Liên hiệp Hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội thảo khoa học đổi mới phương thức hoạt động của Liên hiệp Hội và các tổ chức Hội thành viên theo tinh thần Nghị quyết số 45 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và kỷ niệm Ngày Khoa học - công nghệ Việt Nam, 18/5/2024.

Quang cảnh Đại hội.

Ngày 16/5, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) huyện Lục Yên tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2024-2029 với 171 đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tham dự.

Sáng nay - 17/5, nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Bác (19/5/1890-19/5/2024), đoàn đại biểu đại diện Đảng bộ, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh do đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích lịch sử quốc gia Lễ đài Sân vận động thành phố Yên Bái.

Đồng chí Hoàng Quốc Hưng - Bí thư Đảng ủy xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn phát biểu chỉ đạo tại buổi sinh hoạt của Chi bộ thôn Làng Mảnh.

Thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Văn Chấn đặc biệt quan tâm thực hiện Quy định số 07 của Tỉnh ủy về luân chuyển cán bộ, công tác điều động, luân chuyển cán bộ. Đặc biệt, trong công tác cán bộ, huyện đã mạnh dạn đào tạo tại chỗ bằng cách giao việc khó để thử thách cán bộ trẻ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục