Đổi mới, phát triển phải đồng hành với giải quyết hiệu quả những vấn đề xã hội

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/7/2016 | 9:02:10 AM

YBĐT - Một trong tám đặc trưng về xây dựng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam được Đảng ta xác định là con người được giải phóng khỏi áp bức, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, phát triển toàn diện.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Yên Bái, đồng bào vùng cao đã chuyến biến căn bản về phương thức sản xuất.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Yên Bái, đồng bào vùng cao đã chuyến biến căn bản về phương thức sản xuất.

 Văn kiện và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng (gọi tắt là Nghị quyết Đại hội XII) chỉ rõ: một trong năm bài học kinh nghiệm được Đảng ta tổng kết sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước là: đổi mới phải toàn diện, đồng bộ, có bước đi phù hợp; tôn trọng quy luật khách quan, xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Mặc dù vậy, Nghị quyết Đại hội XII cũng thừa nhận, một trong những hạn chế ở Việt Nam hiện nay chính là việc giải quyết một số vấn đề xã hội chưa hiệu quả.

Tuy nhiên, khi chúng ta đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế thị trường; xây dựng nhà nước pháp quyền; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; xây dựng nông thôn mới; tiến hành đô thị hóa; thực hành dân chủ hóa xã hội… sẽ dẫn đến những hệ quả xã hội không mong muốn. Chẳng hạn, phát triển kinh tế thị trường, một mặt vừa tạo nên động lực phát triển, tạo điều kiện để mọi người có cơ hội vươn lên, nhưng cũng tạo nên hố sâu ngăn cách về phân hóa giàu nghèo. Khi chúng ta hội nhập sâu rộng với thế giới, đồng nghĩa với việc phải chấp nhận thực hiện các giá trị, chuẩn mực xã hội của quốc tế hiện hành.

Theo đó, trong xã hội có thể gia tăng hoặc xuất hiện các vấn đề xã hội mới… Các vấn đề xã hội nảy sinh từ những quan hệ kinh tế, tư tưởng, chính trị, văn hóa, xã hội, hội nhập quốc tế, có ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của con người và cộng đồng cũng như chất lượng cuộc sống của họ. Bởi vậy, tập trung giải quyết các vấn đề xã hội là một trong những nét đặc trưng của con đường phát triển dựa vào con người và hướng đến con người.

Sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, xã hội, từng bước xóa dần khoảng cách phát triển so với thế giới.

Tuy đạt nhiều thành tựu về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… nhưng thực tế cũng cho thấy, nước ta đang phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội cũ có cơ hội trỗi dậy và gia tăng; nhiều vấn đề xã hội mới, chưa từng có cũng xuất hiện. Do đó, những thành tựu của đổi mới và phát triển đất nước rất có thể bị lu mờ bởi sự gia tăng của các vấn đề xã hội. Vì vậy, đổi mới và phát triển đất nước, phải đồng hành với quá trình giải quyết hiệu quả những vấn đề xã hội.

Đứng trước tình trạng gia tăng vấn đề xã hội ở Việt Nam hiện nay, không ít người cho rằng, đó là mặt trái của phát triển kinh tế thị trường. Tuy nhiên, cách giải thích này chưa đầy đủ. Bởi vì, vấn đề xã hội có thể xuất phát từ lòng tham và sự bất nhân của con người. Lòng tham có thể là một tính xấu phổ biến của con người, nhất là trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, nhưng sự bất nhân không có tính phổ quát trong xã hội.

Một số người thì cho rằng, nhiều vấn đề xã hội, đặc biệt liên quan đến tội phạm, tệ nạn xã hội đơn giản chỉ là “bần cùng sinh đạo tặc” như cách giải thích mang tính kinh nghiệm truyền thống của người Việt Nam. Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2008 - 2013, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn tăng trung bình gần 10%/năm theo tỷ giá cố định. Như vậy, nếu “bần cùng sinh đạo tặc” thì vấn đề không phải là do mức sống chung của xã hội thấp đi, mà là do kết quả của phát triển kinh tế đã bị phân bổ không công bằng giữa các nhóm xã hội.

Trong khi đó, một số người khác lại cho rằng, vấn đề xã hội bắt nguồn từ hệ thống thể chế, như các quy tắc thành văn (Hiến pháp, luật và các văn bản dưới luật…), các quy tắc bất thành văn (phong tục, tập quán, dư luận xã hội…), cũng như tính hiệu lực, hiệu quả trong thi hành các quy tắc này… Rất tiếc là cho đến nay, ở Việt Nam còn quá ít điều tra, nghiên cứu khoa học để có thể chỉ ra ngọn nguồn của các vấn đề xã hội, cùng những hệ lụy xã hội của chúng. Tình trạng này càng trở nên trầm trọng hơn khi xã hội có xu hướng quá nhấn mạnh vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nhất là các vấn đề có tính tình thế, kỹ thuật và không thực chất.

Xuất phát từ nguyên lý cách mạng là “cuộc thay cũ, đổi mới toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội”, vì vậy, Đảng ta đã sớm nhận thức và giải quyết vấn đề xã hội thông qua hệ thống chính sách xã hội; xác định hệ thống chính sách xã hội là một mục tiêu quan trọng của cách mạng. Tuy nhiên, vấn đề xã hội thời kỳ trước đổi mới (1986) chỉ được nhìn nhận và giải quyết trong khuôn khổ có giới hạn, đó là thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, bảo hiểm xã hội, nhóm xã hội yếu thế.

Đồng thời, các nguồn lực chủ yếu phụ thuộc vào hệ thống chính trị, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo và thực hiện theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp. Trong 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, vấn đề xã hội không ngừng được Đảng, Nhà nước quan tâm và hoàn thiện về tư duy lý luận. Chẳng hạn, Văn kiện Đại hội Đảng VI (1986) nhấn mạnh tầm quan trọng của giải quyết các vấn đề xã hội; đến Đại hội Đảng VII (1991) thì nhấn mạnh mục tiêu thực hiện công bằng xã hội trong kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Tại Đại hội Đảng XI, Đảng ta xác định: định hướng XHCN gắn với giải quyết vấn đề xã hội; trong đó, nhấn mạnh thực hiện mục tiêu quan trọng là phát triển kinh tế đi đôi với giải quyết vấn đề xã hội; giải quyết vấn đề xã hội, thực hiện chính sách xã hội nhằm tạo động lực cho sự phát triển xã hội.

Kế thừa quan điểm, tư tưởng qua các kỳ đại hội, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: thực hiện có hiệu quả tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm an sinh xã hội trong từng bước đi và từng chính sách phát triển; chính sách xã hội phải xuất phát từ thực tiễn và hướng vào phục vụ cho từng giai tầng xã hội…

Văn kiện các kỳ đại hội, Đảng đề cập khá rõ nhiều vấn đề xã hội nổi cộm như: tình trạng tham nhũng và suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; suy giảm niềm tin, tệ nạn xã hội như: ma túy, mại dâm; tai nạn giao thông và thương tích; chất lượng nền giáo dục và đào tạo; chất lượng hệ thống khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân...

Đặc biệt, từ năm 1986 đến nay, tư duy của Đảng ta về giải quyết các vấn đề xã hội đã có những bước phát triển mới: từ chỗ không đặt đúng tầm quan trọng của chính sách xã hội trong mối quan hệ tương tác với chính sách kinh tế đã đi đến thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội; tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển. Từ chỗ Nhà nước bao cấp toàn bộ việc giải quyết vấn đề xã hội sang nhấn mạnh việc phát huy quá trình xã hội hóa trong giải quyết vấn đề xã hội.

Từ chỗ không chấp nhận vấn đề xã hội trong quá trình xây dựng đất nước sang chấp nhận các vấn đề xã hội như là hệ quả không mong muốn song hành với sự biến đổi xã hội. Từ chỗ coi việc giải quyết vấn đề xã hội là vấn đề thuần túy có tính chất chi phí nguồn lực sang vấn đề đầu tư cho phát triển bền vững. Từ chỗ giải quyết vấn đề xã hội mang tính bị động sang phương châm chủ động, tích cực hơn. Đặc biệt, trong việc giải quyết vấn đề xã hội đã từng bước lấy con người làm trung tâm, mục tiêu và động lực trong hoạch định và thực thi hệ thống chính sách an sinh xã hội nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề xã hội…

Từ những phân tích như vừa nêu, có thể thấy, khái niệm và thực tiễn của vấn đề xã hội được hiểu và nhìn nhận khá đa dạng. Vì thế, việc tiếp cận và giải quyết vấn đề xã hội luôn là một thách thức trong nhận thức và hành động ở Việt Nam hiện nay.

Các vấn đề xã hội không bao giờ tách rời với các vấn đề phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa... Đây là nội dung xuyên suốt trong phát triển nhận thức lý luận sau 30 năm đổi mới ở Việt Nam. Do vậy, trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, các vấn đề xã hội đang ngày càng giữ vị trí quan trọng. Nhận định này trở nên xác đáng hơn khi xuất phát từ vai trò ngày càng tăng của con người như là mục tiêu và động lực phát triển của xã hội hiện đại.

Một xã hội lành mạnh sẽ có sức đề kháng tốt đối với các “vấn đề xã hội”. Kinh nghiệm thực tiễn và khoa học đã chứng minh, khi kinh tế đi xuống, có thể chỉ cần vài năm để hồi phục.

Song, một khi những vấn đề xã hội gia tăng đến mức không thể kiểm soát, hệ quả xã hội rất khôn lường và sẽ mất nhiều thập kỷ để khôi phục. Như vậy, vấn đề xã hội là hệ quả xã hội của quá trình phát triển kinh tế, xã hội quá nhanh chóng, mất cân bằng, thiếu bền vững. Do vậy, giải quyết vấn đề xã hội, chính là nhằm bảo đảm sự ổn định cho quá trình chuyển hóa tăng trưởng kinh tế thành phát triển bền vững theo hướng tiến bộ và công bằng xã hội. Tăng trưởng kinh tế, dù mạnh mẽ đến đâu cũng không thể tự động và trực tiếp giải quyết được các vấn đề xã hội.

Sự gia tăng các tác động tiêu cực của các vấn đề xã hội đang là những thách thức cản trở việc thực hiện đường lối, chủ trương, của Đảng, chính sách của Nhà nước, làm chậm lại quá trình phát triển của xã hội. Chính vì vậy, công tác phòng, chống các vấn đề xã hội phải luôn được Đảng, Nhà nước và xã hội chủ động quan tâm giải quyết. Vấn đề xã hội cần phải được dự báo một cách kịp thời, chính xác và đưa vào chương trình nghị sự chung của quốc gia. Muốn vậy, vấn đề xã hội cần được đặt vào đúng vị trí của chúng trong chương trình nghị sự của Đảng và Nhà nước.

B.T

Các tin khác
Đại tướng Tô Lâm.

Quốc hội đã quyết định bổ sung công tác nhân sự, thực hiện quy trình phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an với Đại tướng Tô Lâm.

Thiếu tướng Trần Anh Du - Phó Tư lệnh Quân khu 2 tặng hoa chúc mừng các chiến sĩ đạt loại giỏi bắn súng tiểu liên AK.

Sáng 21/5, Thiếu tướng Trần Anh Du – Phó Tư lệnh Quân khu 2 cùng đoàn công tác Quân khu 2 đã kiểm tra nội dung “3 tiếng nổ” đối với chiến sĩ mới tại Trung đoàn 121, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Yên Bái.

Một hội nghị TTPBGDPL, trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Văn Yên vừa tổ chức.

Thời gian qua, huyện Văn Yên đã quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) về phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực với nội dung, hình thức đa dạng.

Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, ngày 20/5/2024.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 21/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục