Hướng tới mục tiêu giảm sinh nhanh ở vùng cao, duy trì bền vững mức sinh thay thế, nâng cao chất lượng dân số

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/7/2016 | 9:52:27 AM

YBĐT- Bên cạnh những thành tựu đạt được trong nhiều năm qua, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) tỉnh Yên Bái hiện đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức mà giảm sinh nhanh ở vùng cao, duy trì bền vững mức sinh thay thế ở vùng thấp, nâng cao chất lượng DS là mục tiêu trọng tâm mà ngành DS Yên Bái đang nỗ lực thực hiện.

Cán bộ Trung tâm Dân số - KHHGĐ thành phố Yên Bái tổ chức hoạt động tuyên truyền DS/KHHGĐ theo nhóm đối tượng tại xã Phúc Lộc. (Ảnh: Vũ Đồng)
Cán bộ Trung tâm Dân số - KHHGĐ thành phố Yên Bái tổ chức hoạt động tuyên truyền DS/KHHGĐ theo nhóm đối tượng tại xã Phúc Lộc. (Ảnh: Vũ Đồng)

Nhân kỷ niệm Ngày DS Thế giới 11/7/2016, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lương Kim Đức - Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh xung quanh vấn đề này.

P.V: Từ một tỉnh có mức sinh cao so với cả nước, năm 2012, tỉnh Yên Bái đã đạt được mức sinh thay thế và duy trì cho đến nay. Yên Bái cũng đã khống chế tỷ lệ tăng DS tự nhiên duy trì ở mức 1,2%. Đây là sự nỗ lực rất lớn của tỉnh và của ngành DS. Đồng chí có đánh giá gì về kết quả thực hiện công tác DS/KHHGĐ thời gian qua?

Đồng chí Lương Kim Đức - Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục DS/KHHGĐ.

Đồng chí Lương Kim Đức: Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp có hiệu quả của các cấp, các sở, ban, ngành, các đoàn thể, các tổ chức xã hội và sự nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ những người làm công tác DS/KHHGĐ từ tỉnh tới cơ sở, công tác DS/KHHGĐ tỉnh Yên Bái đã đạt được mục tiêu đề ra, góp phần không nhỏ thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Nhận thức và hành động của đại bộ phận người dân về chính sách DS/KHHGĐ đã có những chuyển biến tích cực. Số cặp vợ chồng thực hiện KHHGĐ tăng hàng năm trên 2%, quy mô gia đình có 2 con được chấp nhận ngày càng rộng rãi.

Tỉnh Yên Bái duy trì mức giảm sinh hàng năm 0,3%o, tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên năm 2015 là 1,086 %. Vùng thấp đã tiệm cận mức sinh thay thế từ năm 2012 (số con trung bình của một bà mẹ là 2,08 con); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm từ 19,6% năm 2009 xuống còn 9,2% năm 2015. Đã khống chế và bước đầu kiểm soát được tình trạng mất cân bằng giới tính ở mức 111,8 bé trai/100 bé gái. Chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) từng bước được nâng lên, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu thực hiện CSSKSS/KHHGĐ của người dân. Chất lượng cuộc sống, nhất là chất lượng DS về thể chất, tinh thần từng bước được cải thiện.

P.V: Mặc dù đã đạt được mức sinh thay thế, nhưng kết quả thực hiện mục tiêu giảm sinh chưa bền vững và còn có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng, miền. Đồng chí có thể cho biết, Đề án công tác DS/KHHGĐ tại 72 xã đặc biệt khó khăn đã được tỉnh phê duyệt và đang được triển khai thực hiện như thế nào?

Đồng chí Lương Kim Đức: Mặc dù đã đạt được mức sinh thay thế, nhưng kết quả thực hiện mục tiêu giảm sinh chưa bền vững và còn chênh lệch khá lớn giữa các vùng, miền. Những địa bàn vùng cao, vùng khó khăn tỷ suất sinh thô còn trên 25%o, đặc biệt là hai huyện vùng cao Mù Cang Chải (khoảng 25%o), huyện Trạm Tấu (khoảng 27%o), tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên  cao. Đứng trước tình hình đó, ngành y tế đã tham mưu với tỉnh xây dựng Đề án “Một số chính sách hỗ trợ  DS/KHHGĐ tại 72 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020”. Đề án này đã được tỉnh phê duyệt và đang triển khai thực hiện nhằm giảm sinh nhanh, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại 72 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), góp phần duy trì mức sinh hợp lý, cải thiện chất lượng DS trên địa bàn toàn tỉnh, thực hiện hoàn thành mục tiêu kế hoạch chương trình DS/KHHGĐ giai đoạn 2016 - 2020.

Ngay sau khi Đề án được phê duyệt, Thường trực Ban Chỉ đạo Công tác DS/KHHGĐ đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 26/4/2016 thực hiện công tác DS/KHHGĐ tỉnh Yên Bái năm 2016, trong đó chú trọng đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu về giảm mức sinh, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các xã ĐBKK theo tinh thần Nghị quyết số 25/2015/NQ của HĐND tỉnh. Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh đã tham mưu với Sở Y tế ban hành Công văn số 374 ngày 27/4/2016 hướng dẫn tổ chức Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ tại 72 xã ĐBKK của tỉnh.

Theo đó, nhiều hoạt động thiết thực được triển khai như: mua thuốc thiết yếu, vật tư tiêu hao và chi phí dịch vụ KHHGĐ; bồi dưỡng đối tượng thực hiện đặt dụng cụ tử cung, triệt sản; hỗ trợ người vận động đối tượng đặt dụng cụ tử cung, triệt sản; hỗ trợ tổ chức chiến dịch truyền thông; hỗ trợ thù lao cho cộng tác viên DS/KHHGĐ và các cô đỡ thôn, bản; hỗ trợ trang bị phương tiện phục vụ truyền thông; chính sách thưởng xã không sinh con thứ 3 trở lên và xã giảm trên 50% tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên so với năm trước, xã không có tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; hỗ trợ hoạt động tuyên truyền làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải...

P.V: Công tác DS/KHHGĐ của tỉnh đang đứng trước những khó khăn, thách thức gì và đâu là những giải pháp và mục tiêu công tác DS/KHHGĐ được tỉnh đặt ra trong giai đoạn tới, thưa đồng chí?

Đồng chí Lương Kim Đức: Là tỉnh miền núi, phân bố dân cư có sự chênh lệch giữa các vùng, mức sống của người dân còn thấp so với nhiều tỉnh thành trong cả nước; thêm vào đó điều kiện thông tin, cơ sở hạ tầng của tỉnh còn nhiều hạn chế. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện nay công tác DS/KHHGĐ của tỉnh đang gặp phải những khó khăn, thách thức, đó là: Trình độ dân trí không đồng đều, phong tục tập quán đa dạng, còn nhiều hủ tục. Nhận thức của người dân, đặc biệt là ở vùng cao về CSSKSS, DS/KHHGĐ còn hạn chế. Mức sinh có giảm nhưng còn chênh lệch khá lớn giữa các vùng và chưa bền vững.

Với những địa bàn vùng cao, vùng khó khăn, tỷ suất sinh thô còn ở mức trên 25%o; tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên cao; tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn tồn tại và diễn ra khá phổ biến. Chất lượng DS mặc dù đã được cải thiện hơn, song vẫn còn thấp. Mất cân bằng giới tính khi sinh mặc dù đã được kiểm soát nhưng vẫn ở mức cao. Chất lượng dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ ở các  xã vùng cao, vùng sâu còn hạn chế. Hệ thống cung cấp dịch vụ cho nhóm vị thành niên, thanh niên chưa phát triển...

Để đạt được mục tiêu tiếp tục giảm sinh nhanh ở vùng cao, duy trì bền vững mức sinh thay thế vùng thấp; giảm tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; kiểm soát, khống chế và tiến tới giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh nhằm nâng cao chất lượng DS, công tác DS/KHHGĐ của tỉnh thời gian tới cần tập trung làm tốt một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nâng cao trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; đồng thời, huy động các tổ chức xã hội và các thành phần kinh tế tích cực tham gia công tác DS. Tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho mỗi gia đình, mỗi người dân thực hiện chính sách DS/KHHGĐ.

Hai là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, đặc biệt đối với cấp xã, cần có lộ trình đưa cán bộ chuyên trách DS/KHHGĐ của xã vào viên chức trạm y tế xã. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ DS/KHHGĐ, đào tạo nghiệp vụ dân số cơ bản cho cán bộ DS cơ sở.

Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nghị quyết, chương trình hành động, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác DS/KHHGĐ đến mọi người dân. Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động toàn xã hội thực hiện chính sách DS/KHHGĐ, nhằm làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức, tâm lý, tập quán sinh đẻ trong nhân dân. Tăng cường chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ đối với vùng khó khăn, vùng đông dân có mức sinh cao và vùng có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao.

Bốn là, nâng cao chất lượng dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ, thực hiện đa dạng các biện pháp tránh thai và kênh cung cấp, nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân; chú trọng cung cấp dịch vụ cho vùng khó khăn, nhóm đối tượng vị thành niên, thanh niên.

Năm là, tiếp tục triển khai và mở rộng các mô hình nâng cao chất lượng DS phù hợp với điều kiện, đặc thù của tỉnh miền núi, tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như: mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyêt thống; mô hình giảm sinh con thứ 3 trở lên; chương trình sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh phát hiện sớm các dị tật, khuyết tật..., đảm bảo hiệu quả và bền vững.

Sáu là, tiếp tục đầu tư kinh phí cho công tác CSSKSS, DS/KHHGĐ, huy động đầu tư kinh phí từ nhiều nguồn, có chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương.

Bảy là, tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện chủ trương, chính sách DS; động viên khen thưởng, khuyến khích và xử lý kịp thời; đề cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc gương mẫu đi đầu thực hiện chính sách DS/KHHGĐ.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Minh Thúy (Thực hiện)

Các tin khác
Phiên khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 9, khóa XIII.

Ngày 17/5, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại tổ thảo luận về Đề cương Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng.

Chiều 17/5, tại Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào Dự án Luật Di sản văn hoá (Sửa đổi); chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025 - 2035; khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quản lý bảo vệ và phát huy di sản văn hóa giai đoạn 2010 - 2023 trên địa bàn tỉnh Yên Bái để trình tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Bộ đội Trường Sơn có đóng góp to lớn trong các chiến dịch của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giai đoạn 1971-1975. (Ảnh tư liệu)

Bộ đội Trường Sơn vừa đảm bảo cho công tác chi viện các chiến trường vừa chiến đấu chống ngăn chặn của địch, góp phần làm nên thắng lợi của những chiến dịch quan trọng.

Sáng 17/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) tỉnh Yên Bái (Liên hiệp Hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội thảo khoa học đổi mới phương thức hoạt động của Liên hiệp Hội và các tổ chức Hội thành viên theo tinh thần Nghị quyết số 45 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và kỷ niệm Ngày Khoa học - công nghệ Việt Nam, 18/5/2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục