Thông cáo phiên họp thứ Ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV
- Cập nhật: Thứ sáu, 23/9/2016 | 1:15:32 PM
Từ ngày 12 đến ngày 22 tháng 9 năm 2016, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã họp phiên thứ 3 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và điều hành của các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội. Tham dự phiên họp có đại diện lãnh đạo một số cơ quan, tổ chức hữu quan.
1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.
Trên cơ sở Báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp. Kỳ họp thứ 2 sẽ khai mạc vào ngày 20 tháng 10 và dự kiến kết thúc ngày 22 tháng 11 năm 2016. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 04 dự án luật, một số nghị quyết; cho ý kiến 14 dự án luật khác; xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017; giám sát chuyên đề; xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội và một số vấn đề quan trọng khác…
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 3 dự án luật, 01 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 2, gồm: Luật đấu giá tài sản; Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật về hội; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan tiếp thu ý kiến tại phiên họp, khẩn trương hoàn thiện các tờ trình, báo cáo, dự thảo luật để gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10-2016).
3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 10 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, gồm: Luật thủy lợi; Luật đường sắt (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ; Luật quản lý ngoại thương; Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật quy hoạch; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật du lịch (sửa đổi); Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao công tác chuẩn bị các dự án luật để trình Quốc hội, tuy nhiên, trên cơ sở các ý kiến bước đầu tại phiên họp, đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu, hoàn chỉnh các báo cáo, tờ trình, dự thảo các luật nêu trên theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phù hợp với Hiến pháp và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật để kịp trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2.
Đối với dự án Luật quy hoạch, do còn nhiều ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp các cơ quan hữu quan tiếp thu đầy đủ ý kiến tại phiên họp, rà soát kỹ nội dung, hoàn thiện dự thảo luật để bảo đảm sự thống nhất cao trong Chính phủ. Đồng thời, khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật và gửi xin ý kiến các cơ quan hữu quan đúng quy định pháp luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại phiên họp thứ 4 (tháng 10-2015).
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiến hành sửa đổi toàn diện Luật chuyển giao công nghệ năm 2006 theo hướng nâng lên thành Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại 2 kỳ họp.
4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị các báo cáo công phu, chu đáo; đồng thời, đề nghị các cơ quan hữu quan khẩn trương tiếp thu, hoàn chỉnh các báo cáo để gửi đại biểu Quốc hội đúng quy định pháp luật.
5. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia, dự toán ngân sách, phương án phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm (thay thế Nghị quyết số 387/2003/NQ-UBTVQH11).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết nêu trên để khắc phục những quy định không còn phù hợp của Nghị quyết số 387/2003/NQ-UBTVQH11 và bảo đảm thống nhất với Luật ngân sách nhà nước năm 2015. Đồng thời, đề nghị Chính phủ bổ sung đầy đủ đối tượng tham gia lập, quyết định ngân sách nhà nước; rà soát kỹ căn cứ lập dự toán, quy trình lập, thẩm tra và quyết định ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương và quyết toán ngân sách nhà nước bảo đảm tính cụ thể, chặt chẽ và khả thi; đề nghị Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội phối hợp với cơ quan soạn thảo, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội hoàn chỉnh Báo cáo tiếp thu, giải trình và dự thảo Nghị quyết để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên họp thứ 4 (tháng 10-2016).
6. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên và Nghị quyết về việc cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán Quốc gia.
(Theo Dangcongsan.vn
Các tin khác
Phát biểu tại phiên họp cấp cao kỷ niệm 30 năm Liên hợp quốc (LHQ) thông qua Tuyên bố Quyền phát triển, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh Việt Nam đã và đang nỗ lực cao nhất nhằm bảo đảm quyền phát triển cho mọi người dân, luôn đặt con người ở vị trí trung tâm của quá trình phát triển.
YBĐT - Bác Hồ lên thăm Yên Bái là sự kiện to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Nhưng đối với người dân thị xã Yên Bái trước đây và các huyện lân cận được đi dự buổi mít tinh, được nghe Bác nói chuyện thì đây là kỷ niệm không thể nào quên.
Sau 8 ngày rưỡi làm việc, sáng 22/9, Phiên họp thứ ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã bế mạc sau khi các đại biểu cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật về hội.
Đây là lần đầu tiên Sách Xanh về Ngoại giao Việt Nam được công bố nhằm giới thiệu chính sách đối ngoại của Việt Nam.