Bỏ tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông trong Bộ luật Hình sự 2015
- Cập nhật: Thứ sáu, 21/10/2016 | 1:26:12 PM
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, sáng 21/10, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 sáng 21/10.
|
Mở đầu phiên họp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.
Bổ sung chất ma túy, cây có chứa chất ma túy mới xuất hiện vào Bộ luật hình sự
Theo Tờ trình, Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2016. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các cơ quan hữu quan đã phát hiện và phản ánh về một số sai sót kỹ thuật, một số quy định chưa hợp lý hoặc khó áp dụng trong Bộ luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và cơ quan hữu quan tiến hành rà soát tổng thể các quy định của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (BLHS năm 2015) để phát hiện những sai sót và đề xuất phương án khắc phục nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất BLHS năm 2015 trong thực tiễn.
Ngày 29/6/2016, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 144/2016/QH13 về việc lùi hiệu lực thi hành của BLHS năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; đồng thời bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 100/2015/QH13 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 để trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ hai.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 lần này liên quan đến 141 điều của Bộ luật, gồm 18 điều thuộc Phần Những quy định chung và 123 điều thuộc Phần Các tội phạm, trong đó có 38 điều sửa đổi về kỹ thuật, 102 điều sửa đổi về nội dung quy định trong điều luật và bãi bỏ 01 điều.
Trong quá trình soạn thảo, góp ý, đa số ý kiến thể hiện sự tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật. Tuy nhiên, còn có ý kiến khác nhau về một số vấn đề quan trọng.
Về việc bổ sung chất ma túy, cây có chứa chất ma túy mới xuất hiện vào BLHS năm 2015, hiện vẫn còn 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, để góp phần đấu tranh chống tội phạm ma túy có hiệu quả thì cần bổ sung chất XLR-11 (được tẩm ướp trong cỏ Mỹ) và lá cây KHAT - một loại lá đã xuất hiện ở nước ta, đồng thời bổ sung quy định mang tính bao quát là “cây khác có chứa chất ma túy” để tạo điều kiện linh hoạt, thuận lợi trong việc xử lý tội phạm khi phát hiện một loại cây mới có chứa chất ma túy.
Theo loại ý kiến thứ hai thì trước mắt, chỉ nên bổ sung những chất ma túy mà chúng ta đã biết rõ tên, nguồn gốc. Đó là chất XLR-11 (được tẩm ướp trong cỏ Mỹ) và lá cây KHAT. Còn những cây khác có chứa chất ma túy mà chúng ta chưa biết được thì chưa nên bổ sung vào BLHS. Trên tinh thần đó, không nên có quy định mang tính bao quát "cây khác có chứa chất ma túy" trong các điều luật của BLHS quy định các tội phạm về ma túy.
Về vấn đề này, Chính phủ nhận thấy, việc sử dụng quy định mang tính dự báo liên quan đến chất ma túy và cây có chứa chất ma túy vào các điều khoản của BLHS có ưu điểm là bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời trong xử lý tội phạm ma túy, nhưng có nhược điểm là không bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch trong quy định cũng như tiềm ẩn nguy cơ lạm dụng, tùy tiện. Vì vậy, vấn đề sử dụng hay không sử dụng cũng như phạm vi sử dụng loại quy định này đến đâu cần được cân nhắc kỹ. Qua rà soát thì thấy rằng, BLHS năm 2015 cũng đã có sử dụng quy định mang tính dự báo "các chất ma túy khác" tại các điều quy định về các tội: Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (từ Điều 248 đến Điều 252). Riêng quy định "loại cây khác có chứa chất ma túy" thì mới chỉ được sử dụng tại 01 điều luật (Điều 247) về tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy mà chưa được sử dụng để quy định đối với các tội phạm khác về ma túy.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, trong bối cảnh tình hình tội phạm về ma túy diễn biến phức tạp với những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; các loại ma túy và cây có chứa chất ma túy xuất hiện ở nước ta ngày càng đa dạng, nếu không có biện pháp đấu tranh, xử lý mạnh mẽ, linh hoạt, kịp thời đối với các hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép các chất ma túy hoặc các loại cây có chứa chất ma túy này thì sẽ hạn chế hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội ma túy. Vì vậy, để góp phần tăng cường công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới, tạo thuận lợi và chủ động hơn trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy thì việc sử dụng quy định mang tính dự báo đối với các chất ma túy và cây có chứa chất ma túy là cần thiết, nhưng phải quy định chặt chẽ để tránh tùy tiện trong áp dụng.
Trên tinh thần đó, dự thảo Luật được thể hiện theo loại ý kiến thứ nhất theo hướng bổ sung quy định mang tính dự báo "loại cây khác có chứa chất ma túy thuộc Danh mục do Chính phủ ban hành" vào 15 điểm của 15 khoản thuộc 04 điều của BLHS năm 2015, quy định về các tội: Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (các điều từ Điều 249 đến Điều 252) .
Danh mục các chất ma túy và tiền chất đã được Chính phủ ban hành từ năm 2001 trên cơ sở Luật Phòng, chống ma túy năm 2000. Danh mục các chất ma túy và tiền chất đã được cập nhật, bổ sung liên tục vào các năm 2003, 2007, 2011 và gần đây nhất là vào năm 2013 , gồm có 45 chất ma túy thuộc Danh mục I; 121 chất ma túy thuộc Danh mục II; 69 chất hướng thần thuộc Danh mục III và 41 tiền chất thuộc Danh mục IV . Các Danh mục này sẽ được tiếp tục cập nhật, bổ sung những chất ma túy mới nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống ma túy.
Bỏ tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông
Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày nêu rõ, Ủy ban Tư pháp (UBTP) cơ bản tán thành với các quan điểm sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật của Chính phủ là: Sửa đổi, bổ sung tối đa các sai sót đã được phát hiện; không làm thay đổi các chính sách lớn của BLHS đã được Quốc hội thông qua; bảo đảm góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đồng thời, trong một chừng mực nhất định, một số quy định của BLHS chưa thể cụ thể hóa ngay được thì vẫn phải có văn bản quy định chi tiết của Chính phủ hoặc nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và án lệ do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành. Tuy nhiên, UBTP nhấn mạnh, việc sửa đổi phải trên cơ sở rà soát, phát hiện đầy đủ các sai sót của BLHS năm 2015.
Theo bà Lê Thị Nga, đa số ý kiến UBTP cơ bản tán thành với loại ý kiến thứ nhất của Chính phủ là: Khắc phục những sai sót rõ ràng về mặt kỹ thuật, kết hợp xử lý những quy định chưa hợp lý hoặc có khả năng khó áp dụng trên thực tế nhằm nhận thức thống nhất BLHS năm 2015. Việc sửa đổi không làm ảnh hưởng đến những chính sách hình sự lớn đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và không dẫn đến phải sửa đổi các đạo luật đang được lùi hiệu lực thi hành cùng với BLHS năm 2015. Tuy nhiên, UBTP nhấn mạnh, việc sửa đổi lần này phải bảo đảm đã rà soát hết các sai sót, tránh tình trạng sau khi thi hành lại phát hiện sai sót; đồng thời, đối với những quy định có thể dẫn đến tùy tiện trong áp dụng (các điều luật có quy định trùng mức định lượng, cùng một đối tượng tác động nhưng lại quy định ở các điều luật khác nhau mà không có quy định loại trừ), hoặc thiếu nhất quán về chính sách hình sự (chủ yếu các điều luật ở Phần chung của BLHS) hoặc chưa phân hóa tội phạm (tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội khác xa nhau nhưng khung hình phạt gần như nhau; thiếu thống nhất về nguyên tắc tính tỷ lệ tổn thương cơ thể), nội dung thiếu rõ ràng mâu thuẫn với luật chuyên ngành … thì cũng cần nghiên cứu để sửa đổi nhằm bảo đảm tính thống nhất của cả Bộ luật cũng như với các đạo luật khác.
Một số ý kiến cho rằng, để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm thì cần thiết phải rà soát kỹ lưỡng tổng thể Bộ luật, bất kỳ quy định nào chưa phù hợp, khó áp dụng đều phải tiến hành sửa đổi mà không giới hạn ở phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Liên quan đến việc bỏ tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292 BLHS năm 2015 - khoản 72 Điều 1 của dự thảo Luật), bà Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến UBTP tán thành với dự thảo Luật về việc bỏ Điều 292 của BLHS năm 2015 với lý do đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292) là một trong 10 tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông được quy định tại mục 2 thuộc chương XXI của BLHS năm 2015 có khách thể xâm hại là an toàn công cộng, trật tự công cộng. Tuy nhiên, nội dung quy định về cấu thành tội phạm này không phản ánh rõ mối nguy hại cho an toàn công cộng, trật tự công cộng mà thực chất đây là cấu thành tội “kinh doanh trái phép" trên môi trường mạng và xét về bản chất thì đây là một tội phạm về kinh tế nhưng lại được đặt ở chương "các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng".
Hơn nữa, trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện có đến 267 ngành nghề nhưng Điều 292 chỉ đề cập đến một số ngành nghề. Thêm vào đó, cũng các lĩnh vực kinh doanh được nêu tại Điều 292 nhưng nếu thực hiện qua mạng thì bị xử lý hình sự còn nếu không thực hiện qua mạng thì không bị xử lý hình sự. Như vậy là có sự bất bình đẳng và thiếu nhất quán. Xét trong bối cảnh tội kinh doanh trái phép đã được bãi bỏ thì cũng cần bãi bỏ Điều 292 của BLHS năm 2015, đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý của Nhà nước và nâng cao hiệu quả xử phạt hành chính đối với các vi phạm trong lĩnh vực này. Trên tinh thần đó, dự thảo Luật đề xuất phương án bãi bỏ Điều 292 của BLHS năm 2015 về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
Mặc dù đa số ý kiến UBTP tán thành với dự thảo Luật về việc bỏ Điều 292 của BLHS năm 2015 với lý do đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên cũng có ý kiến UBTP đề nghị cân nhắc đưa vào các chương tương ứng về việc xử lý hình sự đối với hành vi kinh doanh vàng trên tài khoản; kinh doanh đa cấp bất chính;… trên mạng máy tính, mạng viễn thông vì phạm vi ảnh hưởng, tính chất và mức độ nguy hiểm cao cho xã hội, hậu quả lớn, rất khó khắc phục, cần phải có quy định để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Ý kiến này cho rằng, BLHS năm 2015 không hoàn toàn loại bỏ các hành vi kinh doanh trái phép mà một số trường hợp được lồng ghép vào một số tội phạm cụ thể như: Hành vi buôn bán động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm thuộc danh mục các loài hạn chế buôn bán vì mục đích thương mại, buôn bán thuốc lá điếu nhập khẩu có số lượng lớn dự kiến được bổ sung vào tội buôn bán hàng cấm... Tuy nhiên, việc hình sự hóa hành vi kinh doanh vàng trên tài khoản, kinh doanh đa cấp bất chính trên mạng máy tính… cần phải cân nhắc để quy định trong cấu thành định tội, định khung hình phạt để bảo đảm chặt chẽ.
Đây là những vấn đề có liên quan đến quản lý nhà nước chuyên ngành và quá trình thẩm tra có ý kiến đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công Thương. Do đó, đề nghị cần có quan điểm chính thức của Chính phủ.
Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.
Theo chương trình, chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
(Theo Dangcongsan.vn)
Các tin khác
YBĐT - Chiều ngày 20/10, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 4 năm thi hành Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Đồng chí Tạ Văn Long - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dự và chủ trì Hội nghị.
Chính phủ đề nghị bổ sung thêm đối tượng miễn thuế đất nông nghiệp trong thời gian tới để khuyến khích nông dân đầu tư vào phát triển nông nghiệp.
YBĐT - Ngày 21/10, tại huyện Văn Chấn, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị biểu dương người uy tín tiêu biểu trong vận động nhân dân các dân tộc thực hiện "Không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống, không sinh con thứ 3" ("3 không") năm 2014- 2016. Đồng chí Nông Văn Lịnh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái dự và chủ trì Hội nghị.
Từ ngày 18-20/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã diễn ra Cuộc họp hai Chủ tịch Ủy ban liên hợp về phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia.