Việt Nam đề cao vai trò của nghị viện trong bảo đảm quyền con người
- Cập nhật: Thứ năm, 27/10/2016 | 1:40:57 PM
Trong các ngày từ 24-27/10, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu làm Trưởng đoàn, tham dự Đại Hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 135 (IPU-135) tại Geneva (Thụy Sĩ).
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 135 (IPU-135) tại Geneva, Thụy Sĩ.
|
Hơn 700 nghị sỹ đến từ 138 quốc gia tham dự sự kiện đã tập trung thảo luận về khả năng phản ứng nhanh của các nghị sỹ và vai trò của các nghị viện trong việc ngăn ngừa các cuộc xung đột bắt nguồn từ sự vi phạm quyền con người.
Tại các cuộc thảo luận, các nghị sỹ khẳng định đảm bảo các quyền con người luôn là nhiệm vụ lớn của các nước trên thế giới. Các quyền của con người không được đảm bảo sẽ dẫn tới những xung đột bạo lực, và thiếu sự tôn trọng phẩm giá con người sẽ thúc đẩy nhiều người tìm đến bạo lực như cách thức để đạt được mục đích của họ.
Những nơi có xung đột bạo lực cũng là nơi chứng kiến nhiều trở ngại trong đảm bảo quyền con người, nhất là với các nhóm dân cư dễ bị tổn thương. Các nghị sỹ nhấn mạnh để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng lan rộng, cần phải sớm loại trừ tận gốc rễ các nguyên nhân, trong đó có đảm bảo các quyền của con người.
Từ nhận thức chung này, các nghị sỹ đã tập trung thảo luận các biện pháp thúc đẩy và đảm bảo các quyền của con người, ngăn chặn những nguy cơ dẫn tới xung đột bạo lực, tăng cường vai trò lãnh đạo của nữ giới...
Phát biểu tại phiên thảo luận về chủ đề “Vi phạm nhân quyền là nguyên nhân của xung đột: Các nghị viện với vai trò là cơ quan phản hồi kịp thời," Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam Nguyễn Văn Giàu khẳng định với tư cách là cơ quan lập pháp, nghị viện đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người, không ngừng hoàn thiện các đạo luật, giám sát quá trình thực thi của chính phủ và lắng nghe các ý kiến đóng góp, phản hồi của người dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh bảo đảm quyền con người là mục tiêu và chính sách nhất quán của Việt Nam từ khi thành lập nước, đồng thời khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực này. Ông cho biết trong những năm qua, Quốc hội Việt Nam nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, ban hành Hiến pháp năm 2013 với những nội dung mới về quyền con người và quyền cơ bản của công dân, phù hợp với các chuẩn mực được nêu trong các công ước quốc tế về quyền con người.
Công tác lập pháp về quyền con người giúp tăng cường nhà nước pháp quyền, đảm bảo kỷ cương, trật tự, công bằng xã hội, ngăn chặn tối đa các xung đột xuất phát từ việc không đảm bảo quyền con người. Ngoài ra, Quốc hội Việt Nam cũng phê chuẩn nhiều điều ước quốc tế về quyền con người, đồng thời, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự tương thích giữa các quy định của pháp luật với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nêu rõ với chức năng giám sát của Quốc hội, Quốc hội Việt Nam đã kịp thời phát hiện các sai phạm trong các lĩnh vực, không để xảy ra những vi phạm nhân quyền, đảm bảo môi trường hòa bình, thuận lợi cho người dân. Vì thế ở Việt Nam hiện nay không có xung đột bạo lực, bao gồm xung đột bạo lực có nguyên nhân từ sự vi phạm các quyền con người.
Với những nỗ lực mạnh mẽ của Quốc hội, Chính phủ và người dân Việt Nam đã duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định, nâng cao mức sống của người dân, tỷ lệ nghèo giảm mạnh cùng với việc thúc đẩy bình đẳng xã hội đã góp phần bảo đảm việc thụ hưởng ngày càng tốt hơn các quyền kinh tế, xã hội, quyền của nhóm dễ bị tổn thương.
Đại diện Quốc hội Việt Nam nhấn mạnh Việt Nam cho rằng quyền con người chỉ có thể thực sự được đảm bảo trong một môi trường hòa bình, an ninh, trên cơ sở tôn trọng luật pháp. Việt Nam đề nghị IPU tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế, khu vực và đối thoại giữa các nước trong nỗ lực bảo vệ quyền con người.
Về phần mình, Việt Nam sẵn sàng tăng cường trao đổi, hợp tác với các nước, với các tổ chức quốc tế, trong đó có IPU, để đảm bảo mọi người dân đều được hưởng các quyền con người một cách bình đẳng và trên mọi lĩnh vực, góp phần giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác cùng phát triển.
Trong gần một tuần làm việc, các đại biểu tham dự IPU-135 còn thảo luận về nhiều vấn đề khác nữa như vai trò của nghị viện trong việc phòng ngừa những can thiệp từ bên ngoài vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền, tăng cường hợp tác quốc tế trong khuôn khổ các Mục tiêu phát triển bền vững, sự tham gia tự do, độc lập của nữ giới vào đời sống chính trị mà không gây ra những nguy cơ mất an ninh cho họ...
Được thành lập năm 1889 tại Paris (Pháp) và có trụ sở tại Geneva, IPU là tổ chức liên nghị viện lớn nhất thế giới tập hợp Nghị viện các quốc gia có chủ quyền. Hơn một thế kỷ qua kể từ ngày thành lập, IPU đã không ngừng phát triển và trở thành một diễn đàn nghị viện quốc tế vô cùng quan trọng và đầy uy tín, với 170 thành viên.
IPU là trung tâm của hoạt động ngoại giao nghị viện khắp thế giới đóng góp tích cực vào việc củng cố và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau vì một thế giới hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
Ngày 26/10, tại Hà Nội, Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong lần thứ 7 (ACMECS 7) đã thông qua Tuyên bố “Hướng tới Tiểu vùng Mekong năng động và thịnh vượng”. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn bản Tuyên bố.
YBĐT - Ngày 27/10, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 6 (mở rộng) sơ kết công tác 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2016.
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Mi-an-ma U Tin Chô (Htin Kyaw) đã thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 26 – 28/10/2016. Nhân dịp này hai nước đã ra Tuyên bố chung, báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn bản Tuyên bố chung.
Sáng 26/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) số 100/2015/QH13.