Cần chọn công tác đánh giá cán bộ làm khâu đột phá

  • Cập nhật: Chủ nhật, 5/3/2017 | 8:02:13 AM

Sáng 4-3, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức Hội nghị toàn quốc ngành tổ chức xây dựng Đảng năm 2017.

Các đại biểu dự Hội nghị.
Các đại biểu dự Hội nghị.

Tới dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng. Cùng dự còn có các đồng chí ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy cả nước…

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội dự và có bài tham luận tại hội nghị.

Khai mạc Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết, đây là lần đầu tiên hội nghị toàn quốc ngành Tổ chức xây dựng Đảng được tiến hành trực tuyến tại 73 điểm cầu trên cả nước. Hội nghị lần này có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đánh giá tình hình, kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2017.

Quyết liệt đổi mới

Báo cáo tình hình, kết quả công tác ngành Tổ chức Xây dựng Đảng năm 2016, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình cho biết, mạnh dạn đổi mới nhận thức, tư duy, phương pháp, phong cách, lề lối làm việc, Ban Tổ chức Trung ương và toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã chuyển động mạnh theo hướng chuyên nghiệp, khoa học và bám sát thực tế. Toàn ngành đã nhanh chóng ổn định tổ chức, kiện toàn nhân sự; xác định trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả và hoàn thành khối lượng lớn nhiệm vụ. Ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã từng bước chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém, tiêu cực, nhất là trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp ghi nhận, đánh giá cao và được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Ngay sau Đại hội XII của Đảng, cơ quan tổ chức cấp ủy các cấp đã chủ trì, phối hợp tham mưu, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp thành các chương trình, kế hoạch, chỉ thị, nghị quyết, quy chế, quy định, hướng dẫn; tham mưu xây dựng quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, cơ quan, đơn vị; triển khai thực hiện 17 đề án theo Chương trình công tác của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đã hoàn thành 14 đề án. Năm 2016 là năm mà ngành Tổ chức xây dựng Đảng có số lượng đề án hoàn thành nhiều nhất so với năm đầu của các nhiệm kỳ trước (khoảng 8-10 đề án). Các đề án đều bảo đảm chất lượng, được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đánh giá cao; góp phần từng bước giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, hệ thống chính trị.

Ngành tổ chức xây dựng Đảng cũng đã tham mưu ban hành và hướng dẫn thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; thực hiện nhất quán chủ trương cán bộ không đủ điều kiện tái cử cấp ủy thì thôi đảm nhiệm chức danh lãnh đạo các cấp chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội... Điểm mới của nhiệm kỳ này là ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã sớm tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, cấp ủy các cấp sắp xếp, phân công các chức danh chủ chốt của Nhà nước để kịp thời triển khai ngay việc thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp.

Cụ thể hóa nhiệm vụ thứ nhất trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã nỗ lực tham mưu xây dựng Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII. Việc xây dựng Nghị quyết được chuẩn bị chu đáo, công phu, tập trung trí tuệ của toàn ngành. Ngay sau khi ban hành, ngành đã tham mưu cho Bộ Chính trị và cấp ủy các cấp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, quán triệt Nghị quyết với sự tham dự của hàng vạn cán bộ lãnh đạo các cơ quan Trung ương và địa phương. Đồng thời, toàn ngành đã tham mưu cấp ủy xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết; triển khai kế hoạch chỉ đạo kiểm điểm tập thể, cá nhân gắn với kiểm điểm hằng năm...

Toàn ngành cũng tiếp tục coi trọng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, cung cấp thông tin về công tác xây dựng Đảng nhằm nâng cao nhận thức, bổ sung, cập nhật kiến thức cần thiết đối với đội ngũ biên tập viên, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được đổi mới mạnh mẽ về cách thức tổ chức, nội dung và chương trình học theo tinh thần tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả và bám sát 3 đột phá chiến lược và 6 nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội XII của Đảng…

Ngành tiếp tục tham mưu triển khai, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương (khóa IX, X và XI) về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản cho sát với tình hình thực tế; chủ động tham mưu rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành mới các văn bản, quy định để kịp thời góp phần xử lý, tháo gỡ các vấn đề được dư luận xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm; tập trung chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong công tác cán bộ, như: đổi mới, bổ sung một số quy trình nhân sự trong công tác cán bộ (thí điểm quy trình 05 bước); quy định thời gian tối thiểu luân chuyển cán bộ; xác định tuổi của đảng viên; một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; thực hiện nghiêm các quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình đánh giá, bổ nhiệm cán bộ nhằm góp phần chống tiêu cực, nhũng nhiễu trong công tác cán bộ và bảo đảm “trúng” người và “đúng” việc.

Toàn cảnh Hội nghị.

Thẳng thắn chỉ rõ hạn chế, yếu kém

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Tổ chức Trung ương cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế. Đó là vẫn chưa khắc phục được tình trạng cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả của tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị; chưa ngăn chặn, đẩy lùi được tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị chưa đạt được mục tiêu đề ra; công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế, yếu kém, sơ hở; còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, cấp trên “sợ” cấp dưới trước thời điểm lấy phiếu tín nhiệm hoặc đánh giá cán bộ cuối năm; còn tình trạng cấp dưới chưa thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp trên. Ở một số nơi, một số trường hợp bổ nhiệm tuy thực hiện “đúng” quy trình nhưng vẫn không chọn “trúng” người, “đúng” việc, gây bức xúc trong xã hội như các trường hợp: Nguyễn Xuân Sơn, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy...

Báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương nêu: Tình trạng trên phải chăng là do: Còn sơ sài, thiếu chặt chẽ, thiếu dân chủ trong việc giới thiệu quy hoạch, giới thiệu nhân sự? Còn kẽ hở trong quy trình, thủ tục thẩm định, đề bạt, điều động, bổ nhiệm? Công tác quản lý hồ sơ và thẩm định hồ sơ còn đơn giản, chủ quan? Công tác phối hợp kiểm tra, giám sát, theo dõi và quản lý cán bộ còn lỏng lẻo? Phân cấp quản lý cán bộ còn chưa hợp lý, dễ bị lợi dụng để hợp thức hóa? Có tiêu cực, thao túng trong công tác cán bộ? “Bệnh thành tích” trong phân loại, đánh giá tổ chức đảng, đảng viên còn phổ biến, nhiều nơi tỷ lệ cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ rất cao trong khi kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của tập thể lại chưa đạt yêu cầu?

Cùng với đó, công tác tham mưu tuy đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của cấp ủy các cấp và thực tế đặt ra; một số đề án, nhiệm vụ được giao chưa hoàn thành. Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy chưa phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đội ngũ cán bộ của toàn ngành nhìn chung còn những hạn chế, bất cập, chậm được khắc phục, nhất là năng lực nghiên cứu, dự báo và sự tích cực chủ động trong công tác.

“Lượng hoá” tiêu chí đánh giá cán bộ

Năm 2017, năm bản lề triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, ngành Tổ chức xây dựng Đảng quyết tâm thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Toàn ngành tiếp tục cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết Đại hội lần thứ XII về xây dựng Đảng; phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị. Các cấp ủy Đảng phải chủ động xây dựng hệ thống chuẩn mực các mối quan hệ của cán bộ, đảng viên với tổ chức đảng và với nhân dân để phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Phối hợp tham mưu hoàn thiện Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.

Các cấp ủy Đảng phải quan tâm, chủ động giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, kiến nghị chính đáng của nhân dân; thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với nhân dân; tích cực phát huy vai trò giám sát của quần chúng nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, nhất là giám sát về phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; phối hợp tham mưu xây dựng chương trình, định kỳ cán bộ chủ chốt các cấp tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân; chủ động nắm bắt và kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc liên quan đến công tác tổ chức xây dựng Đảng mà dư luận và nhân dân quan tâm.

Kiên quyết, kiên trì tham mưu thực hiện các nhóm giải pháp trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị một cách thường xuyên. Toàn ngành tiếp tục tham mưu cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải có chương trình, kế hoạch cụ thể hằng năm và cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, chống suy thoái, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình; đồng thời có đánh giá và kịp thời xử lý trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị nếu để xảy ra sai phạm.

Kiên quyết khắc phục những yếu kém và giải quyết kịp thời những vấn đề nổi lên trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Tham mưu xây dựng các quy định về chế độ chính sách, số lượng cấp phó; việc kiểm điểm, đánh giá và phân loại chất lượng đối với tập thể, cá nhân hằng năm. Xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí; cho thôi, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp theo hướng tăng thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu để xử lý cán bộ thuộc quyền và sự giám sát của nhân dân trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Đồng thời, tham mưu xây dựng cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, bảo đảm khi đã giao quyền thì phải có cơ chế kiểm soát quyền lực; xác định rõ trách nhiệm cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Tham mưu xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ theo hướng “lượng hóa”, gắn với chất lượng công tác, nhất là việc ban hành tiêu chuẩn chức danh cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp quản lý; rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tiền lương, nhà ở, tuổi nghỉ hưu, nghỉ công tác..., bảo đảm sự thống nhất về chính sách cán bộ giữa cơ quan Đảng và cơ quan Nhà nước; tập trung xây dựng Đề án về chính sách nhà ở cho cán bộ trong hệ thống chính trị theo hướng “nhiều chủ thể” tham gia, hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách Nhà nước; tiếp tục nghiên cứu đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo hướng công khai, minh bạch, công bằng...

Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Cần chọn công tác đánh giá cán bộ làm khâu đột phá

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhận xét, năm qua, ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã tích cực đổi mới toàn diện các mặt công tác, nhất là đổi mới tư duy, nội dung, phương pháp làm việc; triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ với quyết tâm cao, nỗ lực hoàn thành một khối lượng công việc lớn với kết quả rất đáng ghi nhận.

Đặc biệt, ngành đã có những sáng kiến, thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; chủ động, tích cực, cải tiến cách thức tham mưu xây dựng các quy định, quy chế theo hướng bám sát thực tế cơ sở, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan; cải tiến cách thức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, nắm tình hình cơ sở sâu sát tới tận xã, phường, thị trấn; việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được đối mới theo hướng hiệu quả, thiết thực và gắn với các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá chiến lược...

Tuy nhiên, đồng chí Đinh Thế Huynh cũng nghiêm túc chỉ rõ một số hạn chế, yếu kém mà ngành Tổ chức xây dựng Đảng cần tập trung khắc phục trong năm 2017. Đó là: Công tác cán bộ và quản lý cán bộ còn nhiều hạn chế, yếu kém; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; bệnh thành tích trong đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức đảng chưa cao. Công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận còn hạn chế; chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu tuy đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; tiến độ triển khai một số đề án, nhiệm vụ còn chậm, chất lượng chưa được như mong muốn; chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của ngành còn bất cập; chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức chưa đồng đều…

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2017, đồng chí Đinh Thế Huynh cho rằng, ngành Tổ chức xây dựng Đảng nên chọn công tác đánh giá cán bộ làm khâu đột phá để triển khai trong năm 2017. Nếu làm tốt công tác đánh giá cán bộ thì sẽ khắc phục được sự bất hợp lý giữa đánh giá cán bộ, xếp loại cá nhân với đánh giá tập thể. Đồng thời, đồng chí nhấn mạnh 5 vấn đề:

Thứ nhất, phải chăm lo xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và đạo đức; về tổ chức, cán bộ; về phương thức lãnh đạo và phong cách, lề lối làm việc.

Thứ hai, phối hợp nghiên cứu tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư những vấn đề lớn, cốt lõi để tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Thứ ba, tiếp tục tham mưu cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội XII của Đảng để thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trước mắt, tập trung cao độ để xây dựng có chất lượng, đúng tiến độ 2 đề án lớn là "Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" trình Hội nghị Trung ương 6 và chuẩn bị Đề án "Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" trình Hội nghị Trung ương 7. Đây là những vấn đề lớn, quan trọng, tác động trực tiếp đến toàn hệ thống chính trị, đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực rất lớn.

Thứ tư, toàn ngành phải tập trung rà soát hệ thống các văn bản, quy định, quy chế, hướng dẫn để sớm đề xuất hướng bổ sung, sửa đổi cho đồng bộ, thống nhất, liên thông giữa hệ thống Đảng và chính quyền các cấp từ Trung ương tới địa phương.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng, tập trung xây dựng ngành Tổ chức xây dựng Đảng đoàn kết, trong sạch. Toàn ngành phải tham mưu cho các cấp ủy tập trung đổi mới tác phong, lề lối, phương pháp làm việc khoa học; nêu cao tinh thần gương mẫu, kỷ cương, kỷ luật; đẩy mạnh việc xây dựng các quy chế, quy định phù hợp; minh bạch hoá các thủ tục trong công tác cán bộ... để nâng cao uy tín và hình ảnh của ngành. Việc củng cố và phát triển ngành Tổ chức xây dựng Đảng phải đi liền với công tác tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu, gắn bó và ủng hộ.

Đồng chí Đinh Thế Huynh tin tưởng, cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tổ chức xây dựng Đảng trong toàn quốc với quyết tâm mới, khí thế mới, sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Từ những kết quả thực hiện công tác năm 2016, ngành Tổ chức xây dựng Đảng rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

(1) Phải nhạy bén về chính trị; suy nghĩ phải chín chắn, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, phương pháp phải đúng, hành động phải quyết liệt; phải thực sự đổi mới, sáng tạo và coi đây là động lực quan trọng trong công tác và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao.

(2) Phải tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, coi trọng và bám sát thực tiễn; tăng cường kiểm tra, giám sát, thường xuyên tổng kết rút kinh nghiệm.

(3) Biết phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, coi trọng vai trò của nhân dân, cơ quan thông tấn báo chí trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

(4) Thường xuyên chăm lo đời sống tinh thần, vật chất của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; quan tâm đến cơ sở vật chất, điều kiện, môi trường làm việc... nhằm tạo động lực, sự gắn bó mật thiết, lâu dài với ngành.

(5) Trong công tác cán bộ phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; quản lý cán bộ phải chặt chẽ.

(6) Cần phải có cơ chế, công cụ hữu hiệu để kiểm soát quyền lực, ngăn chặn việc lợi dụng quyền lực phục vụ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm trong công tác tổ chức, công tác cán bộ và quản lý cán bộ.

(Theo HNMO)

Các tin khác

YBĐT - Chiều ngày 4/3, đồng chí Dương Văn Thống -Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái khóa XIV đã có buổi gặp mặt Đoàn đại biểu Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đi dự Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017 - 2022.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Nhân dịp Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu có chuyến thăm cấp Nhà nước lần đầu tiên tới Việt Nam từ ngày 28/2 - 5/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời phỏng vấn báo “Asahi Shimbun” (Nhật Bản). Sau đây là nội dung phỏng vấn.

Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn và các đại biểu Việt Nam tại Hội nghị.

Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp (SOM 1) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017 và các cuộc họp liên quan tổ chức tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, kéo dài 14 ngày (18/2-3/3/2017) đã thành công tốt đẹp.

YBĐT - Chiều 3/3, đoàn công tác của UBND tỉnh Thái Bình do đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đã lên thăm và làm việc tại tỉnh Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục