Hội thảo điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- Cập nhật: Thứ bảy, 18/3/2017 | 2:05:25 PM
YênBái - YBĐT- Sáng 18/3, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thảo điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng chí Đỗ Đức Duy – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.
Tham gia Hội thảo có lãnh đạo Cục An ninh Tây Bắc; lãnh đạo và các ban của HĐND tỉnh; các sở, ban, ngành của tỉnh; chuyên gia kinh tế của Viện chiến lược, Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch – Đầu tư); Bộ Công thương; tỉnh Phú Thọ.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2012. Đến nay, một số định hướng và mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong Quy hoạch trước đã không còn phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và bối cảnh tác động bên ngoài. Đặc biệt, sau khi tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai hoàn thành và đi vào hoạt động năm 2015 đã mở ra những cơ hội, thuận lợi mới cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái.
Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã phối hợp với Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tiến hành rà soát, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đến nay đã có 10 bộ, ngành trung ương, 2 tỉnh lân cận, 5 chuyên gia tham gia ý kiến vào Dự thảo Quy hoạch.
Theo báo cáo tóm tắt điều chỉnh của đơn vị tư vấn, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ điều chỉnh bổ sung quan điểm phát triển, mục tiêu phát triển, điều chỉnh bổ sung định hướng phát triển nông nghiệp, dịch vụ, định hướng đầu tư hạ tầng giao thông, điều chỉnh phát triển hệ thống đô thị, điều chỉnh bổ sung phát triển các vùng.
Theo phương án được chọn, Quy hoạch điều chỉnh, bổ sung các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020.
Cụ thể là giữ nguyên 03 chỉ tiêu (tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh và tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước sạch).
Điều chỉnh tăng 06 chỉ tiêu, gồm: tỷ trọng khu vực nông nghiệp, tổng sản lượng lương thực có hạt, tổng vốn đầu tư phát triển, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia, số bác sỹ/vạn dân.
12 chỉ tiêu điều chỉnh giảm là: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân; thu nhập bình quân đầu người; giá trị xuất khẩu; giá trị sản xuất công nghiệp; tổng thu cân đối ngân sách; giải quyết việc làm hàng năm cho lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm; số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên; tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới; số giường bệnh/vạn dân và tỷ lệ che phủ rừng.
Bổ sung 09 chỉ tiêu gồm: tỷ lệ đô thị hóa; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; tỷ lệ cơ quan (đơn vị) đạt chuẩn văn hóa; tỷ lệ làng (bản, tổ dân phố) đạt chuẩn văn hóa; tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa; tỷ lệ thôn xóm có nhà văn hóa; tỷ lệ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS đúng độ tuổi; tỷ lệ chất thải rắn, chất thải y tế được thu gom, xử lý và tỷ lệ nước thải khu công nghiệp được xử lý tập trung.
Với quan điểm, mục tiêu điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Yên Bái sẽ khai thác tối đa tiềm năng, cơ hội, đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển bền vững các mặt xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại; phấn đấu đến năm 2020, Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc và trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng vào giai đoạn sau năm 2020 đến năm 2030.
Mục tiêu Quy hoạch: phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 8%/năm thời kỳ 2021 – 2030; cơ cấu ngành nông lâm, thủy sản – công nghiệp và xây dựng – dịch vụ trong GRDP tương ứng chiếm 17% - 35% - 48% vào năm 2030; GRDP bình quân đầu người đạt trên 200 triệu đồng; thu ngân sách trên địa bàn đạt 20.000 tỷ đồng vào năm 2030; tổng vốn đầu tư phát triển 2021 – 2030 khoảng 220.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch – Đầu tư ) tham gia ý kiến thảo luận tại Hội thảo.
Tham gia ý kiến tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế cho rằng: Yên Bái cần xác định lợi thế cạnh tranh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh là gì so với các tỉnh trong khu vực. Từ những tiềm năng, thế mạnh đó, tỉnh cần phân tích, đánh giá một cách cụ thể, chi tiết, chỉ ra những khó khăn, tồn tại, hạn chế và định hướng chiến lược phát triển kinh tế trong những năm tới.
Trong quá trình xây dựng Quy hoạch, tỉnh cần xem xét có những quy hoạch “cứng” và quy hoạch “mềm” để điều chỉnh một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; rà soát lại hiệu quả đầu tư để tiến hành điều chỉnh Quy hoạch; quan tâm nâng cao chất lượng công tác quản lý, lãnh đạo; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; các ngành, các cấp ở các lĩnh vực cần xem xét nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, đồng thời đưa ra giải pháp cụ thể cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học; chủ động liên kết vùng và hội nhập kinh tế quốc tế là vấn đề then chốt trong thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tại Hội thảo, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh cũng đề nghị đơn vị tư vấn xem xét rà soát, bổ sung, điều chỉnh Quy hoạch một số chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; việc quy hoạch định hướng phát triển theo vùng sao cho sát thực, phù hợp tình hình thực tiễn của địa phương.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: Việc xây dựng Quy hoạch phải đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch – Đầu tư là cơ quan chủ trì xây dựng Quy hoạch, phối hợp với đơn vị tư vấn tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu để tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện.
Đồng chí cũng đề nghị phải lưu ý làm rõ một số nội dung như: sự cần thiết phải điều chỉnh Quy hoạch; làm rõ hơn những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của việc không hoàn thành mục tiêu của Quy hoạch giai đoạn trước để đưa ra những biện pháp khắc phục điều chỉnh trong quy hoạch này; cần nghiên cứu tính toán xác định việc phân vùng, lãnh thổ đảm bảo tính hợp lý để có chính sách đầu tư và thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy phát biểu kết luận Hội thảo.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị, các sở, ban, ngành của tỉnh cần rà soát, phân tích, đánh giá một cách khoa học để làm rõ các chỉ tiêu cụ thể của từng ngành, kịp thời đề xuất, kiến nghị với cơ quan soạn thảo nhằm điều chỉnh Quy hoạch cho phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đức Toàn
Các tin khác
Tối 17/3, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) đã tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Pháp ngữ (20/3) dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc.
Tiếp tục chương trình làm việc chiều 16/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi).
YBĐT - Chiều 16/3, đồng chí Dương Văn Thống – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái và đoàn công tác của tỉnh đã làm việc với cán bộ chủ chốt xã Hưng Thịnh (Trấn Yên) về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Nghị quyết TW4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; công tác tổ chức và xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn xã.
YBĐT - Trạm Tấu cần xác định rõ hai nhiệm vụ trọng tâm là tập trung giảm nghèo nhanh và bền vững; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để đảm bảo sự phát triển bền vững là chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà tại buổi làm việc với đội ngũ cán bộ chủ chốt huyện Trạm Tấu ngày 16/3.