Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái: Giám sát góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
- Cập nhật: Thứ ba, 21/3/2017 | 8:16:25 AM
YBĐT - Tỉnh Yên Bái hiện có trên 4.630 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, có 344 cơ sở sản xuất thực phẩm, 3.263 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 825 cơ sở dịch vụ ăn uống, 73 cơ sở sản xuất kinh doanh rau, củ, quả, 62 cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm từ thịt, 67 cơ sở sản xuất chế biến chè.
Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái giám sát việc bảo quản, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp sạch tại thành phố Yên Bái.
|
Với chức năng, quyền hạn của mình, trong khi vấn nạn thực phẩm “bẩn” còn đang hoành hành, chương trình giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái đã giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011 - 2016.
Các cuộc làm việc tại huyện Văn Chấn, thành phố Yên Bái và các sở, ngành có liên quan cho thấy, Yên Bái đã ban hành được các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng ATTP với số lượng lớn, tạo hành lang pháp lý để kiểm soát chất lượng ATTP, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng ATTP và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Tỉnh cũng đã thành lập hệ thống thanh tra chuyên ngành ATTP tại các địa phương để kịp thời ngăn chặn, xử lý các vụ vi phạm về ATTP. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và pháp luật về ATTP đã bước đầu tạo sự chuyển biến về nhận thức của nhà quản lý, người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng. Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật ATTP vẫn còn chồng chéo và chưa đầy đủ; các cơ sở sản xuất, chế biến, lưu thông, buôn bán các mặt hàng thực phẩm trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, manh mún; chưa có quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn; chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ việc xây dựng thương hiệu, hệ thống phân phối, quản lý chất lượng nông sản thực phẩm cũng như: xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, xác nhận sản phẩm an toàn còn chưa được tỉnh quan tâm đúng mức.
Đến nay, Yên Bái chưa xây dựng được khu giết mổ động vật tập trung nên việc kiểm tra, giám sát trước, trong, sau giết mổ và tiêu thụ các sản phẩm động vật còn nhiều hạn chế. Công tác quản lý nhà nước về chất lượng, ATTP tuy đã có chuyển biến, song mới tập trung giải quyết được một số vấn đề bức xúc, chưa chủ động quản lý được nguy cơ ô nhiễm theo chuỗi cung cấp thực phẩm theo một chiến lược dài hạn.
Việc thực hiện truy xuất nguyên nhân, nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không đảm bảo ATTP chưa được nhiều. Tình hình ngộ độc thực phẩm (NĐTP) ở bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp dù đã được kiểm soát nhưng nguy cơ vẫn còn rất cao; các bệnh dịch truyền qua thực phẩm, các vụ ngộ độc do sử dụng các sản phẩm thực phẩm trong tự nhiên vẫn còn xảy ra tại những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Mặc dù, không phải là địa bàn trọng điểm, song 5 năm qua (2011 - 2016), Yên Bái đã để xảy ra 104 vụ ngộ độc với 956 người mắc, 9 ca tử vong; tỷ lệ mắc trung bình là 25,3/100.000 dân. Ngay sau khi các vụ ngộ độc xảy ra, ngành y tế đã chủ động nắm bắt thông tin, hướng dẫn các cơ quan chức năng địa phương điều tra, xử lý vụ NĐTP và phối hợp với các bệnh viện khu vực trực tiếp chỉ đạo, điều tra, xác định nguyên nhân và hướng dẫn các biện pháp kiểm soát triệt để, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng của các vụ NĐTP.
Qua giám sát cũng cho thấy, sự phối hợp trong công tác đảm bảo ATTP giữa các ngành chức năng, công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại và xử lý các vi phạm pháp luật về ATTP chưa được chặt chẽ, thường xuyên; đội ngũ làm việc trong lĩnh vực ATTP còn mỏng, chưa được chú trọng đào tạo về chuyên môn, nên gây khó khăn trong việc kiểm tra, giám sát đảm bảo vệ sinh ATTP tại các cơ sở chế biến.
Kiến nghị và đề xuất một số giải pháp để Yên Bái thực hiện tốt hơn nữa công tác đảm bảo ATTP, đồng chí Đinh Đăng Luận - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết: Yên Bái cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để chỉ đạo, thực hiện công tác vệ sinh ATTP; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý vệ sinh ATTP cho mọi đối tượng sản xuất, chế biến, bảo quản, lưu thông, kinh doanh và người sử dụng thực phẩm.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra về vệ sinh ATTP, kết hợp lấy mẫu thực phẩm để phân tích, đánh giá mức độ ô nhiễm và tồn dư hoá chất bảo vệ thực vật trong trồng trọt; các chất cấm trong chăn nuôi; các chỉ tiêu vi sinh, lý hóa trong các khâu chế biến, bảo quản, lưu thông, kinh doanh buôn bán thực phẩm trên thị trường. Tăng cường giám sát, quản lý tình hình ô nhiễm, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; có những biện pháp, giải pháp, hiệu quả, kịp thời sau ô nhiễm, ngộ độc và các bệnh lây truyền qua thực phẩm.
Quan tâm, khuyến khích các nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, kinh nghiệm trong cuộc sống về ATTP và những tác động khác làm ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành trong quản lý nhà nước về chất lượng ATTP trên cơ sở trách nhiệm đã được phân công, đặc biệt ở những khâu có sự đan xen giữa các công đoạn để bảo đảm quản lý chất lượng an toàn theo chuỗi thực phẩm.
Hà Anh
Các tin khác
Sáng nay, lễ đón chính thức Tổng thống Nhà nước Israel và Phu nhân được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch.
Dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét và cho ý kiến trong phiên họp lần thứ 8 diễn ra vào sáng 20/3.
Từ ngày 16/3 đến hết ngày 20/3/2017, tại Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) diễn ra Triển lãm ảnh “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương".
Chiều 19/3, Tổng thống Nhà nước Israel Reuven Ruvi Rivlin và Phu nhân bắt đầu thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 19-25/3 theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.