Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc Quốc hội làm việc tại huyện Mù Cang Chải
- Cập nhật: Thứ hai, 17/4/2017 | 4:04:30 PM
YênBái - YBĐT - Ngày 17/4, đoàn Đại biểu của Hội đồng Dân tộc Quốc hội do đồng chí Cao Thị Xuân – Phó Chủ tịch Hội đồng làm trưởng đoàn đã tiến hành giám sát việc thực hiện phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh miền núi, vùng cao tại huyện Mù Cang Chải.
Cùng dự về phía tỉnh Yên Bái có các đồng chí: Nguyễn Văn Khánh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Đinh Đăng Luận – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Hoàng Thị Thanh Bình – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái.
Giám sát tại xã Lao Chải, qua báo cáo cho biết, Lao Chải là xã vùng III, có địa bàn rộng, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, điều kiện cơ sở hạ tầng tuy có được đầu tư song chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Cả 14/14 thôn trong diện đặc biệt khó khăn với hơn 1.400 hộ trên 8.500 khẩu, thôn xa nhất cách trung tâm xã hơn 20 km. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong xã chiếm tỉ lệ cao, trên 71%.
Trong nhiều năm qua, nhờ những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhiều chương trình, dự án nguồn lực đã hỗ trợ đầu tư xây dựng trong đó có Chương trình 30a, Chương trình 134, 135… và nhiều chính sách đặc thù khác hỗ trợ người dân về sản xuất, đào tạo nghề, bảo hiểm y tế, giáo dục... theo các tiêu chí về phân định vùng miền núi, vùng cao.
Đối với việc phân định xã, thôn bản miền núi, vùng dân tộc thiểu số theo trình độ phát triển, xã Lao Chải cũng đang chấp hành nghiêm túc các quy định.
Đồng chí Cao Thị Xuân - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội phát biểu tại buổi giám sát tại xã Lao Chải.
Qua giám sát, đoàn đã ghi nhận những kiến nghị về những bất cập trong quá trình triển khai các chính sách, như việc chưa có tiêu chí cụ thể về phân định xã, thôn bản miền núi, vùng dân tộc thiểu số theo trình độ phát triển; một số chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số mức hỗ trợ còn thấp, chậm hướng dẫn thực hiện; có chính sách vừa ban hành đã bộc lộ bất cập, không phù hợp, thủ tục rườm rà, gây khó khăn trong quá trình chỉ đạo cũng như thực hiện.
Làm việc với UBND huyện Mù Cang Chải, qua báo cáo của lãnh đạo huyện cho thấy, huyện có 14 đơn vị hành chính cấp xã gồm 1 thị trấn, trong đó có 13 xã vùng III, 1 thị trấn thuộc khu vực I. Hàng năm, huyện vẫn đang triển khai hàng chục chính sách, dự án có liên quan đến vùng cao, vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn nhằm từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an sinh, giảm nghèo và nâng cao dân trí.
Trong đó, huyện cũng đang thực hiện Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg ngày 18/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2012 - 2015 và Quyết định số 50/2016/QĐ, ngày 3/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020, Mù Cang Chải thực hiện rà soát, xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Qua rà soát đã xác định toàn huyện có 117 thôn đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên theo kiến nghị của huyện, một số chủ trương, chính sách, đặc biệt là việc phân định miền núi, vùng cao tuy cần thiết nhưng cần điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp, tránh chồng chéo trong các tiêu chí, cụ thể như căn cứ địa giới hành chính và tỷ lệ thành phần dân tộc làm căn cứ cơ sở để phân định miền núi, vùng cao. Mặt khác, yêu cầu, nội dung và trình tự, phương pháp tiến hành phân định triển khai chưa kịp thời; hướng dẫn bình xét theo một số tiêu chí chưa đầy đủ, chưa dễ hiểu dẫn đến còn lúng túng trong bình xét, thẩm định.
Việc phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển, cũng còn một số tồn tại, như: tiêu chí phân định xã, thôn bản đặc biệt khó khăn được ban hành đã khá lâu,đến nay cần điều chỉnh lại cho phù hợp với tình hình thực tế ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; năng lực đội ngũ cán bộ xã còn hạn chế nên việc triển khai còn chậm, chưa chính xác.
Theo đó, huyện Mù Cang Chải kiến nghị với đoàn giám sát, đó là sớm phê duyệt phân định 3 khu vực danh sách các xã, thôn, bản theo Quyết định 50/2016/QĐ-TTg của Chính phủ trong năm 2016; tiếp tục có các chính sách đặc thù hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn.
Huyện đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tham mưu với Trung ương triển khai rà soát, phân định khu vực theo định kỳ sớm để kịp thời đảm bảo việc xác định đối tượng thụ hưởng chính sách, tránh tình trạng các chính sách đã triển khai thực hiện nhưng Quyết định phê duyệt vùng ĐBKK chưa ban hành; tránh tình trạng chậm trễ như năm 2016 dẫn đến khó khăn, tồn tại, vướng mắc trong việc chi trả hỗ trợ các chính sách.
Đoàn giám sát yêu cầu huyện cần làm rõ những vướng mắc trong thực hiện Quyết định 50/2016/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ; làm rõ mối quan hệ giữa phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao với thực tế phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; phân tích, chỉ rõ tiêu chí phân định thôn, bản, xã đặc biệt khó khăn không còn phù hợp là tiêu chí nào, việc phân định thôn, bản, xã ĐBKK đã có những lợi ích như thế nào với địa phương. trong quá trình phát triển kinh tế, địa phương đã chú trọng đến phát triển cây giống, vật nuôi như thế nào.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc Hội Cao Thị Xuân chia sẻ với những khó khăn của một huyện vùng III, đồng thời đánh giá cao nỗ lực vượt qua khó khăn phát triển kinh tế - xã hội địa phương của huyện, đặc biệt là công tác giảm nghèo đã có nhiều chuyển biến, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, phát triển kinh tế rừng cũng như đào tạo việc làm và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị, huyện cần tiếp tục triển khai có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với miền núi, vùng cao đã được phân định theo tiêu chí… Kết quả thực hiện phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao sẽ là cơ sở để Hội đồng Dân tộc xem xét, đánh giá lại các chính sách đầu tư phù hợp, qua đó xây dựng dự án luật về hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Hoài Văn
Các tin khác
Sáng 17/4, tại Phủ Chủ tịch, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Lễ đón chính thức Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Sri Lanka thăm Việt Nam.
Nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Dân chủ Xri Lan-ca (Democratic Socialist Republic of Sri Lanka) Ra-ni Uých-rê-mê-xinh-hê (Ranil Wickremesinghe) và phu nhân sang thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16-19/4/2017.
YBĐT - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam làm việc tại Yên Bái/ Thường trực Tỉnh ủy làm việc tại huyện Văn Chấn/ Kỳ họp thứ 5 (chuyên đề) Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái khóa XVIII/ Yên Bái điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016 - 2020... là những tin tức đáng chú ý.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì sẽ đồng chủ trì Phiên họp lần thứ 10 của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc tại Bắc Kinh, Trung Quốc từ ngày 16-18/4.