Đề xuất Quốc hội quyết định các chỉ tiêu an toàn nợ công

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/5/2017 | 2:36:28 PM

Những kết quả đạt được và cả những tồn tại hạn chế sau 6 năm thực hiện Luật Quản lý nợ công đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ khi trình bày Tờ trình dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi) sáng 25-5.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).

Các chỉ tiêu nợ về cơ bản nằm trong giới hạn cho phép

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Luật Quản lý nợ công đã góp phần quan trọng trong huy động vốn cho bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước (NSNN); tạo điều kiện cho địa phương huy động vốn vay phát triển kinh tế - xã hội; tạo nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực then chốt thông qua hình thức Chính phủ bảo lãnh và cho vay lại...

Trong giai đoạn 2010-2016, Chính phủ đã phát hành trên 1.277 nghìn tỷ đồng trái phiếu với tốc độ tăng bình quân 36%/năm; huy động được khối lượng lớn vốn ODA, ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài với tổng trị giá cam kết đạt 36,6 tỷ USD, trong đó đã giải ngân 32,8 tỷ USD (khoảng 658 nghìn tỷ đồng) nhằm tăng cường nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã thực hiện bảo lãnh cho các doanh nghiệp, ngân hàng chính sách huy động 632,8 nghìn tỷ đồng nhằm thực hiện chương trình, dự án trọng điểm, cấp bách, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đòi hỏi vốn đầu tư lớn theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Ngoài ra, chính quyền địa phương đã huy động 139 nghìn tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu, vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Luật Quản lý nợ công cũng tạo điều kiện để tăng cường công tác quản lý nợ chặt chẽ, bảo đảm trả nợ Chính phủ đầy đủ, đúng hạn. Đến cuối năm 2016, các chỉ tiêu nợ về cơ bản nằm trong giới hạn cho phép: nợ công ở mức 63,7% GDP, nợ của Chính phủ ở mức 52,6% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 44,3% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ là 14,8% tổng thu NSNN.

Nợ công, nợ Chính phủ tăng nhanh gây áp lực lớn

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, công tác quản lý nợ công cũng đã bộc lộ một số bất cập chủ yếu như: nợ công, nợ Chính phủ tăng nhanh gây áp lực lớn lên nghĩa vụ trả nợ, đáng chú ý là đã có sự gia tăng đáng kể dư nợ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Cụ thể, năm 2015 tăng 6,5 lần so với năm 2001, trong đó tập trung vào 3 chủ nợ lớn là: Nhật Bản (tăng 6,8 lần), Ngân hàng Thế giới (tăng 11,5 lần) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (tăng 20,3 lần).

Việc phân bổ, sử dụng vốn vay cho đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao, trên thực tế đã có một số dự án vay lại vốn vay ODA, ưu đãi, bảo lãnh Chính phủ phát sinh rủi ro không trả được nợ, phải thực hiện tái cơ cấu tài chính, chuyển sang hình thức Nhà nước đầu tư hoặc Quỹ Tích lũy phải ứng trả thay; còn thiếu gắn kết giữa quyết định đầu tư với cân đối trả nợ.

Nguyên nhân được chỉ ra chủ yếu là do cơ cấu nền kinh tế, mô hình tăng trưởng dựa vào vốn là chính; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém, áp lực vốn đầu tư lớn trong khi tích lũy nội địa của nền kinh tế còn mỏng; quy mô thị trường vốn trong nước còn nhỏ; tác động bất lợi của kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, vẫn còn tâm lý “bao cấp” từ Nhà nước, nhất là vốn ODA và trái phiếu Chính phủ; năng lực của một số chủ dự án còn hạn chế; vẫn còn tình trạng thất thoát, lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư; chức năng, nhiệm vụ quản lý nợ công còn chồng chéo, chưa gắn trách nhiệm vay và trả nợ với việc phân bổ, sử dụng nợ công; việc kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, quyết toán và báo cáo thực hiện đối với vấn đề nợ công chưa được chú trọng đúng mức.

Đề xuất Quốc hội quyết định các chỉ tiêu an toàn nợ công

Để khắc phục những bất cập trên, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) gồm 10 chương, 67 điều (Luật Quản lý nợ công năm 2009 có 7 chương, 49 điều).

Trong Dự án Luật, nợ công được quy định gồm nợ chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương; không bao gồm nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công và tổ chức kinh tế khác của nhà nước; nợ do Ngân hàng Nhà nước phát hành.

Dự luật quy định Quốc hội quyết định các chỉ tiêu an toàn nợ công gồm các chỉ tiêu nợ công so với GDP; nợ Chính phủ so với GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách Nhà nước.

(Theo HNMO)

Các tin khác
Ký kết giao ước thi đua thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên tại Lễ ra quân huấn luyện tỉnh Yên Bái năm 2017.

YBĐT - Thực hiện Chỉ thị 05 thể hiện ở thực hiện nhiệm vụ thường xuyên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; huy động dân quân tự vệ tham gia giúp dân trong sinh hoạt và đời sống.

Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Diễn tập KVPT tỉnh chủ trì luyện tập tổng hợp.

YBĐT - Ngày 24/5, Ban Chỉ đạo Diễn tập khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh Yên Bái tổ chức luyện tập tổng hợp chuẩn bị cho thực hành diễn tập KVPT tỉnh năm 2017. Dự và chỉ đạo luyện tập, về phía Quân khu 2 có các đồng chí: Thiếu tướng Phùng Sĩ Tấn - Tư lệnh Quân khu 2, Trưởng ban Chỉ đạo Diễn tập Quân khu; Thiếu tướng Trịnh Văn Quyết - Chính ủy Quân khu 2, Phó ban Chỉ đạo Diễn tập Quân khu; Thiếu tướng Nguyễn Văn Nghĩa - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng, Phó ban Chỉ đạo Diễn tập Quân khu.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, ngày 24/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe báo cáo và thảo luận dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.

Ảnh minh họa.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, chiều 23/5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục