Yên Bình: Xứng danh xã anh hùng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/6/2017 | 7:57:56 AM

YBĐT - Chúng tôi đến thăm xã Yên Bình vào một ngày nắng đẹp đầu tháng Sáu. Trời xanh trong vắt hòa với màu xanh của những vườn cây ăn quả, những nương chè phủ kín các triền đồi được cắt tỉa cẩn thận, những vạt rừng trồng 3 - 4 năm tuổi đang vươn lên xanh tốt…

Cụ Tiêu Đức Hội - nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Huyện ủy Yên Bình kể về lịch sử hào hùng của địa phương.
Cụ Tiêu Đức Hội - nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Huyện ủy Yên Bình kể về lịch sử hào hùng của địa phương.

Đây là địa phương duy nhất của huyện Yên Bình vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang”. Với những địa danh lịch sử như: Đức Huy, Đồng Loan, Trại Bỗng, Cây Thị... đất và người nơi đây ghi đậm dấu ấn của một thời đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt.

Giở lại trang sử vẻ vang, hào hùng của quê hương, ông Hoàng Văn Tư - Bí thư Đảng ủy xã tự hào: “Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Yên Bình là một trong những xã đứng lên mạnh mẽ đánh đuổi thực dân, đế quốc. Ở Bỗng, Cây Thị được dựng cổng trào bên trên ghi hai chữ “Kháng chiến”; phong trào khai hoang vỡ ruộng, phát đồi làm nương rẫy diễn ra ở khắp các thôn xóm".

"Một số ruộng được khai hoang, mở rộng như cánh đồng Mặt, Soi La, Đồng Quân, Phố Thưởng, Phố Bông, Bà Lo, Ông Đạo, Ông Mai, Cầu Thọ… nhân dân đã biết đắp phai, đào mương dẫn nước, làm cọn ở suối và đào giếng lấy nước chống hạn cho lúa; ở Bỗng đã thành lập 2 tổ đổi công, Cây Thị 3 tổ, Yên Bình 17 tổ… Đó là những dấu ấn lịch sử vô cùng tự hào mà các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Yên Bình ghi nhớ trong tâm trí của mình phát huy truyền thống đó, trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước” - ông Tư nói.

Được biết, trong các cuộc kháng chiến cứu nước, xã Yên Bình đã huy động hơn 1.000 ngày công, hàng nghìn cây tre, gỗ, giúp đỡ hàng chục tấn gạo, sắn, khoai, hoa màu để nuôi công nhân hai xưởng quân giới của ta là: H51 và TD20; chi bộ Đảng lãnh đạo nhân dân làm tốt công tác phòng gian bảo mật, bảo đảm an toàn cho người, tài sản, kho tàng, xưởng sản xuất vũ khí của Chính phủ đóng trên địa bàn.

Lực lượng công an đã bắt được 3 tên việt gian dẫn giải lên huyện; hướng dẫn nhân dân sơ tán đến nơi an toàn khi địch ném bom xuống địa phương; thực hiện triệt để “vườn không nhà trống” khi giặc Pháp tấn công.

Vừa đánh giặc vừa sản xuất, khi có chỉ thị phục vụ chiến dịch Điên Biên Phủ, Yên Bình đã đóng góp trên 300 dân công, huy động trên 3 tấn thực phẩm, xay giã 12 tấn thóc bằng cối xay, cối giã, cối nước thành gạo phục vụ chiến dịch… Đảng bộ và nhân dân Yên Bình tự hào về những đóng góp của mình trong thắng lợi huy hoàng của dân tộc.

Từ đó, viết tiếp những trang sử vàng chói lọi, góp phần làm rạng rỡ non sông đất nước trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Người dân xã Yên Bình đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp.

Đất nước thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Yên Bình tiếp tục phấn đấu đưa quê hương thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền, xã Yên Bình đã giành được nhiều thành quả mới, vươn lên mạnh mẽ; kinh tế, xã hội chuyển biến vượt bậc.

Trong phát triển kinh tế, Đảng bộ tập trung lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu giữa nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, tạo chuyển biến phù hợp với kinh tế thị trường.

Đồng chí Nguyễn Thị Ái Vân - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết: “Yên Bình là xã thuần nông, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai. Tuy vậy, với tinh thần kiên trì vượt khó, Đảng bộ đã tập trung cao nhất lãnh đạo sản xuất nông lâm nghiệp, coi đây là mặt trận hàng đầu”.

Phát huy thế mạnh của vùng đất hợp với nhiều loại cây ăn quả, xã đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể chú trọng chuyển giao khoa học, kỹ thuật, đưa vào trồng những cây ăn quả chất lượng cao, phù hợp với đất đai, nhu cầu thị trường; khuyến khích cải tạo vườn tạp trồng cây đặc sản: bưởi, cam, quýt...

Vì vậy, thời gian qua và đặc biệt là năm 2016, tình hình kinh tế, xã hội của xã có nhiều khởi sắc. Kinh tế nông lâm nghiệp phát triển, hạ tầng tiếp tục được đầu tư, văn hóa, xã hội tiếp tục có kết quả tốt, đời sống nhân dân được cải thiện; các chỉ tiêu kế hoạch nhà nước giao đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức, trong đó 10 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 14 chỉ tiêu hoàn thành 100%...

Để minh chứng cho thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Yên Bình có được ngày hôm nay, chị Vân dẫn chúng tôi đến nhà bệnh binh Vũ Văn Lợi - nạn nhân nhiễm chất độc da cam để giới thiệu về tấm gương làm kinh tế giỏi ở địa phương.

Bác Lợi vốn là lái xe Trường Sơn. Khi tham gia các chiến dịch, bác đã bị nhiễm chất độc da cam. Phục viên trở về địa phương, do sức khỏe không ổn định, bác được hưởng chế độ bệnh binh. Tuy tuổi cao, lại mang trong mình nhiều loại bệnh do di chứng của chiến tranh nhưng bác vẫn giữ được phong cách, phẩm chất của người lính Cụ Hồ năm xưa và bác là một trong những người đầu tiên trong thôn khai phá đất đồi, tìm tòi nghiên cứu kỹ thuật trồng, ghép các giống cam, bưởi đặc sản trên chính mảnh đất quê nhà.

Nhìn những dãy bưởi Diễn, bưởi Khả Lĩnh, cam Đường canh, chanh tứ thời… sai trĩu quả được trồng theo hàng lối, giật cấp theo các triền đồi, xen lẫn trong các nương chè Bát Tiên của gia đình bác, tôi thực sự cảm phục công sức lao động của người cựu chiến binh già.

Bác tâm sự: “Gia đình tôi chỉ là một trong rất nhiều hộ trong thôn cũng như trong toàn xã trồng cây ăn quả đặc sản. Trước đây, do không biết kỹ thuật, chỉ trồng theo kiểu truyền thống nên năng suất và chất lượng kém. Nay các hộ đều được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật do xã tổ chức nên đã cải thiện được đáng kể về năng suất, chất lượng các loại quả".

Các giống cam, bưởi, ổi trồng trên đất Yên Bình, được tưới nguồn nước Yên Bình có hương vị thơm ngon đặc trưng, là món quà rất quý. Vì vậy, khi các vườn cây mới ra quả non, thương lái đã về tận nơi đặt hàng. Hy vọng, với sự giúp đỡ của Nhà nước, nông dân sẽ ngày càng tiến bộ trong sản xuất, nâng cao tay nghề và thu nhập, từng bước làm giàu chính đáng trên quê hương mình.

Hiện, toàn xã Yên Bình có gần 85 ha cây ăn quả, năng suất đạt 79 tạ/ha, sản lượng 623 tấn. Cùng với tập trung phát triển nông lâm nghiệp, Yên Bình coi trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, tận dụng những thế mạnh của địa phương, thu hút nhiều thành phần kinh tế vào địa bàn.

Để khuyến khích đẩy mạnh sản xuất, kiến thiết quê hương, hàng năm, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đều có thông báo về chủ trương hỗ trợ các dự án phát triển kinh tế, xã hội, tạo động lực, kích cầu đầu tư. Hôm nay, bộ mặt làng quê đã khác xa, các tuyến đường liên thôn đều được bê tông hóa; trạm bơm, kênh mương được kiên cố hóa phục vụ sản xuất.

Trong xây dựng nông thôn mới, nhân dân nhiệt tình góp công, góp tiền, hiến đất làm đường giao thông, đường ra đồng ruộng, chỉnh trang quỹ đất, tạo thuận lợi cho sản xuất…

Những ai xa quê trở lại đều nhận thấy một xã Yên Bình lam lũ, nghèo đói xưa kia không còn nữa. Thay vào đó, là vùng quê trù phú, vững bước trên đường đổi mới. An ninh trật tự được giữ vững, xóm làng yên vui, người dân cần cù, chất phác, tích cực lao động, sản xuất, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Cụ Tiêu Đức Hội - nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Huyện ủy Yên Bình, người đã gắn bó cả đời mình với xã Yên Bình bồi hồi xúc động: “Trước đây, cũng như bao miền quê nghèo khác, người dân Yên Bình gặp nhiều khó khăn, gian khổ, ăn không đủ no, rét không đủ mặc. Thắng lợi của cuộc vận động chuyển dân vùng hồ Thác Bà, góp phần xây dựng nên Nhà máy Thủy điện Thác Bà ngày nay, chính là thắng lợi công tác vận động của Đảng bộ địa phương. Từ khi đất nước giành được độc lập, người dân đứng lên làm chủ cuộc sống của mình. Dưới ánh sáng của Đảng, quê hương nay có nhiều đổi thay, đời sống no ấm, người dân thêm tin tưởng vào công cuộc đổi mới”.

Tháng Sáu, nhớ về những ngày tháng hào hùng, hướng về kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng bộ huyện, người dân xã Yên Bình càng tự hào, hạnh phúc trước những đổi thay kỳ diệu trên quê hương, đất nước và vững tin hơn vào tương lai tươi sáng của dân tộc, phát huy truyền thống anh hùng, cách mạng, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Thiên Cầm

Các tin khác
Các phóng viên Báo Yên Bái đang tác nghiệp.

YBĐT - Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, viết báo đúng định hướng đã khó, viết về Đảng còn khó hơn rất nhiều. Bởi, ngoài năng lực, tính nhanh nhạy, kịp thời, theo sát sự kiện, nhà báo viết về Đảng cần có tư chất, đạo đức, trách nhiệm của người đảng viên và chuyên cần học tập theo phong cách của Bác.

YBĐT - Học và làm theo Bác bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, đó là quan điểm, hành động của cán bộ, đảng viên, nhân dân huyện Văn Chấn khi thực hiện Chỉ thị số 05 - CT/TW của Bộ Chính trị.

Nhân dân giúp gia đình anh Vàng A Hồng ở bản Háng Đăng Dê, xã Kim Nọi làm nhà đại đoàn kết.

YBĐT - Phát huy khối đại đoàn kết (ĐĐK) các dân tộc, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, là nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam huyện Mù Cang Chải trong những năm qua.

YBĐT – Chiều 14/6, dưới sự chủ trì của đồng chí Đỗ Đức Duy – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức buổi làm việc về tiến độ triển khai các công trình trọng điểm trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục