Thủ tướng đưa thông điệp mạnh mẽ về biến đổi khí hậu tại G20

  • Cập nhật: Thứ bảy, 8/7/2017 | 9:20:51 AM

Trong phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh G20 ngày 7/7, tại thành phố Hamburg, Đức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có bài phát biểu với tư cách là diễn giả chính. Thủ tướng đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của tăng cường hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu.

Với tư cách là diễn giả chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có bài phát biểu quan trọng về biến đổi khí hậu tại Hội nghị Thượng đỉnh G20.
Với tư cách là diễn giả chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có bài phát biểu quan trọng về biến đổi khí hậu tại Hội nghị Thượng đỉnh G20.

“Định hình một thế giới kết nối”

Nhận lời mời của Thủ tướng Cộng hòa liên bang Đức Angela Merkel - Chủ tịch Nhóm G20 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 với tư cách là Chủ nhà APEC 2017.

Đây là lần thứ ba Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20.

Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay diễn ra trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới có những biến chuyển sâu sắc. Đây là hội nghị quan trọng nhất của G20 trong năm 2017, thu hút sự tham dự của lãnh đạo cấp cao các nước thành viên G20, các nước khách mời.

Với chủ đề “Định hình một thế giới kết nối”, Hội nghị Thượng đỉnh G20 (Hội nghị quốc tế cấp cao của 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi trên thế giới) đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng của kinh tế toàn cầu như tăng trưởng, thương mại, đầu tư, tài chính quốc tế, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, năng lượng, hỗ trợ châu Phi, di cư, y tế, việc làm, số hóa và phụ nữ...

Tại các phiên thảo luận trong ngày đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh G20, ngày 7/7, Hội nghị đánh giá phục hồi kinh tế thế giới đang tiến triển tích cực hơn, song tốc độ tăng trưởng vẫn chậm hơn kỳ vọng; khẳng định cam kết tăng cường hợp tác, sử dụng đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ, cải cách cơ cấu, chống chủ nghĩa bảo hộ nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng và bao trùm.

Hội nghị kêu gọi tăng cường hợp tác triển khai Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững; cam kết lồng ghép việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 trong các hoạt động của G20; cam kết giảm khí thải thông qua tăng cường nghiên cứu, phát triển năng lượng sạch, sử dụng hiệu quả năng lượng…

Hội nghị đã ghi nhận việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; nhấn mạnh các nước thành viên khác trong G20 tiếp tục thực hiện các cam kết theo Thỏa thuận Paris, trong đó có cam kết hỗ trợ các nước đang phát triển giảm nhẹ tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việt Nam chịu tác động nặng nề nhất về biến đổi khí hậu

Được mời phát biểu với tư cách là diễn giả chính tại Phiên thảo luận về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và năng lượng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của tăng cường hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu.

“Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đồng thời cũng chịu tác động tiêu cực của việc khai thác và sử dụng không bền vững nguồn tài nguyên nước sông Mekong” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam sẽ nỗ lực hoàn thành sớm 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG-2030) của Liên hợp quốc, trong đó ưu tiên cho các vấn đề giảm nghèo, bất bình đẳng, giáo dục, năng lượng tái tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu; đã và đang lồng ghép các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển, thực hiện nghiêm túc việc cắt giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào 2030 và có thể giảm tới 25% nếu nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của quốc tế...

Với vai trò Chủ nhà APEC 2017, Việt Nam đã thúc đẩy những chủ đề ưu tiên trong Nghị sự APEC 2017 là phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu và sử dụng hiệu quả năng lượng; đang phối hợp với các thành viên APEC thúc đẩy trao đổi sâu rộng về phát triển bao trùm cả về kinh tế, xã hội và tài chính.

Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam hoan nghênh G20 đã nhất trí cam kết nỗ lực bảo đảm việc quản lý, sử dụng hiệu quả và trách nhiệm tài nguyên nước; đề nghị G20 và cộng đồng quốc tế nâng cao trách nhiệm, ý thức tự cường, nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế và phối hợp hành động hiệu quả, tăng cường hỗ trợ tài chính và công nghệ cho các nước đang phát triển trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm.

(Theo Dân Trí)

Các tin khác

YBĐT - Tiếp tục chương trình công tác, ngày 7/7, đoàn công tác của Tỉnh ủy Yên Bái do đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã đến thăm viếng, đặt vòng hoa, dâng hương viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa, đảo Yến thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình và thắp hương tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Angela Merkel.

Tối 6/7 (giờ địa phương), sau khi rời Berlin tới Hamburg, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng  Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức Angela Merkel tại Hamburg, nơi tổ chức Hội nghị G20.

YBĐT - Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2017), ngày 6/7, đoàn công tác của Tỉnh ủy Yên Bái do đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã đến thăm viếng, đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thắp hương tại Nhà tưởng niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Sáng nay (6/7), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy TƯ đã đến thắp hương tại Nhà tưởng niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhân 50 năm ngày mất của Đại tướng (6/7/1967-6/7/2017).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục