Xứng tầm với giá trị lịch sử
- Cập nhật: Thứ sáu, 28/7/2017 | 8:02:58 AM
YBĐT - Nằm giữa trung tâm thành Yên Bái là một không gian thơ mộng với hồ nước trong mát, thảm cỏ tươi xanh và khu tưởng niệm về cuộc khởi nghĩa Yên Bái gắn liền với tên tuổi những nhà yêu nước như Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính... linh thiêng.
Phối cảnh tổng thể Dự án Tu bổ, tôn tạo mở rộng di tích mộ Nguyễn Thái Học và các chiến sỹ hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái.
|
Cuộc khởi nghĩa không thành công, những người con đất Việt lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đã anh dũng bước lên máy chém vẫn hô vàng “Việt Nam vạn tuế” được sử sách ghi lại. Xây dựng Khu di tích cho xứng tầm với giá trị lịch sử là đạo lý, là tâm nguyện của quần chúng nhân dân.
Nhằm ghi lại những công lao to lớn của những chí sỹ đã anh dũng hy sinh vì quê hương, đất nước, từ năm 2001, tỉnh Yên Bái đã đầu tư xây dựng Khu di tích lịch sử Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính và những đồng chí của mình tại đúng ngôi mộ tập thể của lãnh tụ và những chỉ huy cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930.
Tọa lạc trên thảm cỏ xanh tươi, soi bóng trên mặt hồ Yên Hòa, công trình gồm: lăng mộ các vị tử sĩ với ý tưởng “trời tròn đất vuông”, gồm: trên nền vuông (đất vuông), 17 cái cột “chống trời”, chính là 17 liệt sỹ; một vòng tròn “trời tròn” nhưng vòng tròn không khép kín, nghĩa là cuộc khởi nghĩa dang dở không thành công. Phần còn lại của vòng tròn nằm dưới đất mang ý nghĩa, lòng yêu nước vẫn được đất mẹ nuôi dưỡng.
Nhà văn Ngọc Bái - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, người đã dành nhiều tâm sức nghiên cứu giá trị lịch sử của cuộc khởi nghĩa Yên Bái đã giải thích trên báo rằng: “Trong khu tượng đài các anh hùng liệt sỹ có 1 người phụ nữ, đó chính là bà Nguyễn Thị Giang (cô Giang). Tuy bà không chết ở đây nhưng các chuyên gia vẫn muốn dựng tượng bà cùng với các anh hùng của cuộc khởi nghĩa Yên Bái vì bà cũng có đóng góp lớn, là linh hồn của cuộc khởi nghĩa”.
Lịch sử ghi lại: “Khi sự không thành, bà tự tử bằng chính khẩu súng mà chính chồng/người yêu Nguyễn Thái Học đã tặng”. Trong khu di tích Nguyễn Thái Học còn có một tấm bia đá, ghi lại câu thơ của thi hào Pháp Aragon, viết về khởi nghĩa Yên Bái: “Yên Bái, đây là điều nhắc nhở ta rằng không thể bịt miệng một dân tộc mà người ta không thể khuất phục bằng lưỡi kiếm của đao phủ”.
Công viên Nguyễn Thái Học, nơi có khu tưởng niệm về cuộc khởi nghĩa Yên Bái không chỉ là điểm nhấn tham quan du lịch của du khách thập phương mỗi dịp ghé thăm Yên Bái mà nơi đây mỗi sớm, mỗi chiều người dân trong vùng lại đến để vui chơi, thư giãn, bách bộ. Trong không gian yên tĩnh và trong lành ấy, người người thả bộ, dưỡng sinh.
Dưới bóng tùng, bóng đa mát mẻ, trẻ già đang nghiền ngẫm một cuốn sách, mặc kệ phía bên kia hồ là siêu thị tấp nập hay phố xá ồn ào. Giá trị lịch sử, văn hóa của khu tưởng niệm Nguyễn Thái Học đã được các nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá kỹ càng. Thể theo nguyên vọng của nhân dân, mới đây, tỉnh Yên Bái đã quyết định đầu tư xây dựng Dự án Tu bổ, tôn tạo, mở rộng di tích mộ Nguyễn Thái Học và các chiến sỹ hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái.
Đây là một trong 10 công trình trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2016 - 2017. Quy mô đầu tư xây dựng gồm nhà tưởng niệm có kích thước 16,3 m x 13,2 m. Hình thức kiến trúc theo kiểu truyền thống, nhà 3 gian 2 chái, mái đao chồng diêm 2 tầng; 8 mái dốc bê tông cốt thép dán ngói mũi hài. Các công trình tường rào, lan can, sân vườn, tam cấp... Bên cạnh đó là công trình nhà đón tiếp du khách, xây dựng theo hình thức kiến trúc truyền thống, nhà 1 gian 2 chái, 4 mái đao, lợp ngói mũi hài... và một số công trình phụ trợ khác.
Với kinh phí khoảng 30 tỷ đồng, việc tu bổ, tôn tạo, mở rộng di tích mộ Nguyễn Thái Học và các chiến sỹ hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái sẽ tạo nên một quần thể di tích liên hoàn, tạo không gian lý tưởng thuận tiện cho mọi người dân đến chiêm ngưỡng và hành lễ, là điểm tham quan của khách du lịch khi đến Yên Bái, là nơi tổ chức mít tinh kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh, góp phần phát huy giá trị của di tích.
Việc tu bổ, tôn tạo, mở rộng di tích mộ Nguyễn Thái Học và các chiến sỹ hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái còn góp phần hoàn thiện quy hoạch công viên của thành phố, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật của khu di tích nói riêng và toàn bộ công viên nói chung, làm phong phú thêm cho bộ mặt không gian đô thị của thành phố Yên Bái.
Ông Nguyễn Yên Hiền - Phó Chủ tịch UBND thành phố Yên Bái cho biết: “Với ý nghĩa to lớn của một công trình lịch sử, văn hóa, với tính chất của một công trình trọng điểm được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư, thành phố Yên Bái đã và đang tập trung nguồn lực để triển khai Dự án đúng kế hoạch và tiến độ đề ra. Chính quyền thành phố mong muốn nhận được sự đồng tình, giúp đỡ, chia sẻ của người dân và doanh nghiệp trong khu vực triển khai để Dự án sớm hoàn thành, để mỗi người Yên Bái tự hào hơn với quê hương, nơi có cuộc chiến đấu kiên cường, những chiến sỹ anh dũng, dù cuộc khởi nghĩa không thành công”.
Lê Phiên
Các tin khác
Sáng 27/7, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2017).
YBĐT – Sáng 27/7, tại Trung tâm hội nghị tỉnh, Tỉnh ủy – Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái trang trọng tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2017) và biểu dương phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” lần thứ VI.
YBĐT - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017), sáng 27/7, đoàn đại biểu của Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ tỉnh do đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã tới dâng hương tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và viếng Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh.
YBĐT - Cùng với việc thực hiện các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" của tỉnh nói chung đã được quan tâm, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực mang lại hiệu quả to lớn, thiết thực.