Bạn sẽ giật mình khi biết rằng, chỉ cần 85 gram chất độc dioxin có thể lấy đi sinh mạng khoảng 8 triệu người. Nhưng sẽ bàng hoàng hơn khi biết từ năm 1961 - 1971, quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam, một phần lãnh thổ của Lào và Campuchia trên 70 triệu lít chất độc hóa học, trong đó, có 44 triệu lít CĐDC. Cả nước có tới 4,8 triệu người phơi nhiễm CĐDC. Chiến tranh do Mỹ gây ra ở Việt Nam là một trong những cuộc chiến tranh thảm khốc nhất trong lịch sử nhân loại, hậu quả của CĐDC còn ảnh hưởng nặng nề đến nhiều thế hệ mai sau. Sự đau khổ tột cùng và dòng nước mắt vẫn rơi trong nhiều gia đình trên đất nước ta nói chung và tại Yên Bái nói riêng là nạn nhân của loại chất độc mang tính hủy diệt này.
Còn đó nỗi đau
Một buổi chiều đầu tháng 8, theo lời giới thiệu của cán bộ Hội Nạn nhân CĐDC huyện Yên Bình, men theo con đường nhỏ ngoằn ngoèo vào thôn Thanh Bình, xã Phú Thịnh, chúng tôi đến thăm nhà ông Lương Công Tâm, một nạn nhân nhiễm CĐDC.
Câu chuyện về những năm tháng chiến tranh khốc liệt được ông Tâm tái hiện qua lời kể chậm rãi. Năm 1974, ông Tâm cùng nhiều thanh niên trai tráng trong thôn rời quê hương xung phong lên đường nhập ngũ. Nhiệm vụ của ông là cùng đồng đội chở quân tư trang, nhu yếu phẩm phục vụ chiến trường miền Đông Nam Bộ. Chiến tranh kết thúc, may mắn hơn nhiều đồng đội cùng tham gia chiến đấu, ông Tâm trở về với thân hình lành lặn, chỉ đến khi lập gia đình, sinh con ông mới biết những chuyến xe, những cung đường ông đã đi qua là vùng bị rải CĐDC của quân đội Mỹ và ông bị nhiễm CĐDC.
Qua năm tháng, CĐDC ngấm sâu vào cơ thể khiến ông Tâm thường xuyên đau ốm, bệnh tật, suy giảm sức lao động 61%. Đời sống kinh tế khó khăn, 2 người con trai của ông sinh ra cũng nhiễm CĐDC, lớn lên mà không có khôn, trí tuệ chậm phát triển, ốm đau thường xuyên nên cơ thể cũng gầy gò.
Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh quan tâm, thăm hỏi nạn nhân nhiễm chất độc da cam.
Người con trai thứ 2 bị nặng hơn, chân teo cơ, đi đứng khó khăn nên không có khả năng lao động. Vợ chồng ông dù tuổi già sức yếu nhưng vẫn phải nén nỗi đau làm việc cật lực nuôi các con. Ông Tâm chia sẻ: "Những năm qua, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm thăm hỏi, động viên tôi cũng cảm thấy an ủi phần nào. Được Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh cho vay 5 triệu đồng không lãi xuất trong 5 năm, tôi đầu tư mua giống chăn nuôi lợn, gà mỗi năm cũng có ít tiền lo cuộc sống”.
Đến thăm gia đình ông Vũ Hồng Phong, ở phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái, chúng tôi mới cảm nhận rõ những khó khăn, vất vả suốt thời gian qua mà gia đình ông phải gánh chịu từ nỗi đau da cam. Từng là một người lính tham gia quân ngũ năm 1967, chiến đấu tại chiến trường miền Tây Nam Bộ, chưa bao giờ ông có thể ngờ được gánh nặng dai dẳng mà bản thân ông và các con phải mang đến tận ngày hôm nay. Năm nay 70 tuổi, vậy mà ông vẫn chưa có giây phút nào được thảnh thơi, bản thân bị mất sức lao động 61%, hai cô con gái cũng bị ảnh hưởng bởi CĐDC mà không thể đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa khác…
Ông Phong chia sẻ: "Năm 1968, tôi bị thương trong một trận đánh, vết thương nặng ảnh hưởng đến sức khỏe nên tôi xuất ngũ về quê, năm 1980 lập gia đình. Sau khi kết hôn, đến năm 1981, vợ chồng tôi sinh con gái đầu lòng là cháu Vũ Thị Vân, 2 năm sau con gái thứ 2 tên Vũ Minh Phương chào đời. Mới đầu, 2 cháu cũng phát triển bình thường, tuy nhiên, khi được 2 tuổi thấy con vẫn chưa biết nói, phản xạ chậm, vợ chồng tôi đưa các con đi khám, bác sỹ kết luận 2 con tôi bị điếc, câm bẩm sinh do ảnh hưởng bởi CĐDC”.
Mỗi ngày trôi qua, nhìn con lớn lên chẳng biết nói, chẳng biết cười, giao tiếp với bố mẹ chỉ bằng cử chỉ chân tay, cuộc sống chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường. Nhiều đêm trăn trở, ông Phong nghĩ, chiến tranh còn không cướp nổi tính mạng của mình thì có lẽ nào mình lại đầu hàng trước số phận, các con của nhiều đồng đội khác còn bị các căn bệnh quái ác do nhiễm CĐDC nhưng họ vẫn lạc quan. Vậy là ông tìm hiểu và đưa 2 cô con gái đến Trung tâm Hoa Sữa tại Hà Nội để các con học nghề may, tự lập, học cách giao tiếp với xã hội. Sau 3 năm học tập tại Trung tâm Hoa Sữa, chị Vân và chị Phương giờ đã mở được tiệm may, có thu nhập ổn định hàng tháng, niềm vui nhân đôi khi chị Phương gặp được người yêu thương và đã lập gia đình.
Chị Vũ Thị Vân, ở phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái - một nạn nhân nhiễm chất độc da cam thế hệ thứ 2 vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế.
Đến nay, cuộc sống ông Phong và các thành viên trong gia đình đã dần ổn định. Cùng với ông Tâm, ông Phong, còn có rất nhiều nạn nhân bị nhiễm CĐDC mang trên mình dị tật bẩm sinh suốt đời đang lặng lẽ khóc thầm, với nỗi đau vò xé cả về thể xác lẫn tinh thần. Họ rất cần có sự đồng cảm, chia sẻ, giúp đỡ của toàn xã hội để có thêm sức mạnh vượt qua khó khăn, vơi đi những mất mát, thiệt thòi từ chiến tranh để lại.
Vạn tấm lòng sẻ chia
Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giành độc lập thống nhất non sông, tỉnh Yên Bái có hàng vạn người tham gia chiến đấu. Theo thống kê trên địa bàn tỉnh có trên 1.350 người bị nhiễm CĐDC, trong đó có 760 người là nạn nhân trực tiếp, 590 nạn nhân bị di chứng từ cha mẹ...
Những nạn nhân nhiễm CĐDC trực tiếp trên địa bàn tỉnh nay tuổi đã cao, người ít nhất cũng đã 65 tuổi, cao thì gần 80 tuổi, hầu hết các gia đình có nạn nhân nhiễm CĐDC thu nhập thấp, đa số là hộ khó khăn, sức khỏe yếu... Điều đáng nói, có những gia đình không chỉ có một, mà là hai, thậm chí ba, bốn hoặc nhiều người đều bị ảnh hưởng CĐDC, có gia đình 3 thế hệ ông bà, con, cháu đều bị nhiễm CĐDC. Họ - những nạn nhân nhiễm CĐDC cần lắm sự chia sẻ và yêu thương…
Bởi vậy, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam đã và đang trở thành hoạt động đầy ý nghĩa được toàn xã hội hưởng ứng bằng nhiều hành động thiết thực, hiệu quả. Tại Yên Bái nhiều phong trào và các hoạt động có ý nghĩa sâu sắc đã được triển khai như Phong trào: "Đền ơn đáp nghĩa”, "Uống nước nhớ nguồn”, "Vì nạn nhân CĐDC”... Đặc biệt, những năm qua, Hội Nạn nhân CĐDC của tỉnh đã nỗ lực mang yêu thương, tình nhân ái của cộng đồng đến với những nạn nhân nhiễm CĐDC. Những con người kém may mắn ấy luôn nhận được sự chia sẻ, quan tâm, chăm sóc cả về vật chất lẫn tinh thần từ các thành viên của Hội.
Trong năm, Trung ương Hội Nạn nhân CĐDC Việt Nam cấp ứng cho Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh Yên Bái 100 triệu đồng không lãi để cho hội viên nghèo vay phát triển chăn nuôi, sản xuất, ổn định cuộc sống. Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh Yên Bái đã rà soát và cho hội viên vay 5 triệu đồng/người. Với số vốn trên, nhiều hội viên nghèo đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh hỗ trợ về kinh tế, đời sống, tỉnh Yên Bái còn quan tâm đến các chế độ về y tế cho nạn nhân nhiễm CĐDC. Đã có, 60 nạn nhân nhiễm CĐDC được phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí. Ngoài ra, trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 và tết cổ truyền Đinh Dậu 2017, Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh Yên Bái đã trao hàng trăm suất quà cho gia đình hội viên, thăm hỏi, hỗ trợ ủng hộ các gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Thông qua tổ chức Hội, nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm thường xuyên chia sẻ, hỗ trợ giúp đỡ bằng nhiều hình thức thiết thực như: dạy nghề, tạo việc làm cho những người có khả năng lao động. Những sự giúp đỡ ấy phần nào giúp các gia đình nạn nhân CĐDC giảm bớt khó khăn, mất mát.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh Yên Bái cho biết: "Sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền và sự nhiệt tình ủng hộ của các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế - xã hội, các nhà hảo tâm và nhân dân cũng như sự cố gắng của các cấp Hội đã góp phần xoa dịu nỗi đau của các nạn nhân nhiễm CĐDC trong tỉnh.
Tuy nhiên, so với sự mất mát to lớn của các nạn nhân CĐDC thì những cố gắng bù đắp đó vẫn còn rất nhỏ bé. Vì vậy, trong thời gian tới, Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể, các hội quần chúng để vận động kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh gúp đỡ nạn nhân nhiễm CĐDC, cùng nhau chung tay xoa dịu nỗi đau, giúp nạn nhân ổn định cuộc sống. Hội cũng tiếp tục rà soát những đối tượng bị phơi nhiễm CĐDC, đặc biệt là những đối tượng thuộc thế hệ thứ 3 để đề nghị được hưởng các chế độ của Nhà nước...”.
Bài, ảnh: Thu Hiền