Những năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) luôn được Tỉnh ủy Yên Bái xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nên đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Trước hết, phải nói về sự đổi mới công tác tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về PCTN của Tỉnh ủy.
Đó là, Tỉnh ủy luôn xác định rõ công tác PCTN là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của Đảng bộ. Từ đó, đã thực hiện nghiêm túc công tác lãnh đạo, chỉ đạo tới các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân cùng triển khai thực hiện. Để các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và các văn bản pháp luật của Nhà nước về PCTN sớm đi vào thực tế, Tỉnh ủy đã cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng phù hợp với thực tế cơ sở của các cấp, các ngành, các địa phương.
Theo đó, từ năm 2011 đến nay, Tỉnh ủy đã ban hành 65 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN; UBND tỉnh ban hành 27 văn bản và các huyện, thị, thành ủy trong tỉnh đã ban hành 320 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN ở cơ sở.
Thông qua các hội nghị tuyên truyền, tập huấn; các chuyên trang, chuyên mục; bài viết trên Báo Yên Bái, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; qua tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của ngành tư pháp; qua hệ thống báo cáo viên, tuyên truyền miệng... các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN đã tới được trên 98% cán bộ, đảng viên và trên 86% nhân dân toàn tỉnh. Nhờ đó, đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân về công tác PCTN.
Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành đối với công tác nội chính và PCTN, thực hiện Quy định số 183 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tháng 5/2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Quyết định thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy và ban hành các quy chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan liên quan trong công tác PCTN.
Từ đó đến nay, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra tình hình, kết quả công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, công tác xử lý, giải quyết tố cáo tham nhũng tại các đơn vị, địa phương; kế hoạch rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội, việc thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của các cơ quan Trung ương.
Thực hiện Chỉ thị số 50 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn ban hành Chương trình hành động số 18 và tổ chức hội nghị triển khai tới đội ngũ cán bộ chủ chốt để quán triệt và triển khai thực hiện kịp thời.
Tương tự như vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 40 thực hiện Kết luận số 10 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; Kế hoạch số 46 về học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến công tác PCTN, lãng phí và Kế hoạch số 45 về kiểm tra, đôn đốc việc triển khai các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; việc thanh tra các vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế gây thất thoát tài sản Nhà nước.
Nhờ đó, công tác kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với việc phát hiện, xử lý tham nhũng và các sai phạm kinh tế ở địa phương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Từ năm 2011 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tiến hành kiểm tra trên 7.300 lượt tổ chức Đảng với 10.180 lượt đảng viên; giám sát 2.517 lượt tổ chức Đảng với trên 5.200 lượt đảng viên trong đó có lĩnh vực PCTN, lãng phí và những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực mà dư luận xã hội quan tâm.
Qua đó, phát hiện 261 tổ chức Đảng với 1.566 đảng viên vi phạm và có biện pháp xử lý kỷ luật kịp thời với các tổ chức Đảng và đảng viên, trong đó có 3 tổ chức Đảng và 99 đảng viên bị kỷ luật vì có nội dung sai phạm về kinh tế.
Qua công tác kiểm tra, giám sát đã giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy kịp thời phát hiện được những hạn chế, bất cập trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý để có giải pháp khắc phục, điều chỉnh, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho các tổ chức Đảng, đảng viên và nhân dân về công tác đấu tranh PCTN, lãng phí. Đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên, không để xảy ra những vụ án tham nhũng lớn.
Tỉnh ủy Yên Bái thường xuyên quan tâm tổ chức các lớp tập huấn PCTN cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh.
Qua đó, có biện pháp nhắc nhở kịp thời cũng như uốn nắn, xử lý nghiêm những tổ chức Đảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm, khuyết điểm, sai phạm. Nhằm nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng ở các cơ quan, đơn vị, địa phương trong đấu tranh PCTN, lãng phí, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Quy định số 101 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp và hai Nghị định 107 và 211 của Chính phủ quy định về xử lý người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị, tổ chức mình quản lý.
Theo đó, đã có nhiều cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương bị xử lý nghiêm khắc khi để xảy ra tham nhũng và các sai phạm về kinh tế trên lĩnh vực mình quản lý, điển hình là các trường hợp: Trưởng phòng Tư pháp huyện Mù Cang Chải; lãnh đạo Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hàng Liên Sơn; lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam Chi nhánh Yên Bái... Đã có 678 đảng viên bị xóa tên, khai trừ và tự giác nhận trách nhiệm, xin ra khỏi Đảng, đã thu hồi và nộp vào ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng tiền sai phạm.
Để thực hiện và phát huy cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp từ tỉnh tới cơ sở trong công tác PCTN, lãng phí, cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải gắn việc thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN với việc thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị. Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động và bảo đảm sự liêm chính trong đội ngũ cán bộ, công chức.
Tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi các vị trí công tác, điều động công chức có thời hạn ở những vị trí dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong các đơn vị cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan quản lý kinh tế, tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản, dự án, quản lý tài nguyên đất đai, khoáng sản, quản lý thị trường, thuế, kế toán, tuần tra kiểm soát giao thông, sát hạch, đăng kiểm...
Thanh Hương