Biết tin vị Cha già kính yêu của cả dân tộc về thăm quê hương mình, từ tờ mờ sáng, gần 5.000 cán bộ và nhân dân các dân tộc của thị xã Yên Bái và các xã vùng lân cận đã khăn áo chỉnh tề nô nức kéo về khu vực lễ đài sân vận động thị xã để tham dự buổi mít tinh trọng thể và thỏa nỗi ước ao một lần trong đời tận mắt nhìn thấy Bác, được nghe Bác nói chuyện. Giây phút được thấy Bác bằng xương, bằng thịt, đẹp hiền từ như một ông tiên khi Người tiến lên lễ đài khiến cả sân vận động như vỡ òa trong niềm vui với nỗi xúc động bởi những tiếng hò reo như sấm dậy của hàng ngàn người dân.
Cụ Trần Đức Hồi ở tổ 46 phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái nhớ lại thời khắc tuyệt vời đó được vinh dự cùng các đồng chí của mình có mặt tại buổi lễ mít tinh. Đợi cho tất cả lặng yên, Bác Hồ bắt đầu buổi nói chuyện. Giọng Người thân mật và ấm áp cất lên thăm hỏi, động viên cán bộ và đồng bào nhân dân các dân tộc Yên Bái.
Nội dung đầu tiên Người nói đến là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam nói chung và nhân dân các dân tộc của tỉnh Yên Bái nói riêng là vấn đề cốt lõi làm nên mọi thắng lợi cách mạng. Từng lời nói của Người rất mộc mạc nhưng quả quyết, gần gũi và khích lệ tinh thần đại đoàn kết dân tộc của nhân dân:"Tỉnh nhà có 10 dân tộc anh em. Trước kia bọn thực dân phong kiến chia rẽ chúng ta, chia rẽ các dân tộc, xúi giục dân tộc này hiềm khích oán ghét dân tộc khác để chúng áp bức bóc lột chúng ta. Nay chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ”.
Rồi Người nhẹ nhàng đưa ra ví dụ rất cụ thể để tất cả đồng bào các dân tộc đều hiểu được: "Mười dân tộc ở tỉnh nhà như mười ngón tay. Nếu xòe mười ngón tay mà bẻ từng ngón, như thế có dễ bẻ không? Nếu nắm chặt cả mười ngón tay thì có bẻ được không? Nếu kẻ nào chia rẽ thì phải làm thế nào? Thì phải đập vào đầu chúng nó. Đó là điểm thứ nhất tại sao phải đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc”.
Tiếp đó, cũng bằng những lời lẽ chân tình mà sâu sắc, Người nói đến vấn đề đoàn kết để đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế cho quê hương Yên Bái: "Trước kia chúng ta khổ vì thực dân phong kiến bóc lột. Bây giờ chúng ta đã được thoát khỏi, chúng ta phải làm thế nào cho sướng hơn. Muốn sướng hơn phải ăn no mặc ấm. Muốn ăn no mặc ấm phải làm thế nào? Phải tăng gia sản xuất!”. Rồi Người cũng bày cách làm ăn cho đồng bào các dân tộc, trước hết là phải sống định canh, tăng vụ chứ không nên du canh du cư, nay ở chỗ này, mai rời đi chỗ khác. Người chỉ rõ: "Song có một số đồng bào năm nay làm chỗ này, năm sau làm chỗ khác. Có đúng thế không? Như thế không tốt.
Ví dụ như cây bưởi năm nay trồng chỗ này sang năm trồng chỗ khác thì không tốt. Phải trồng một chỗ thì rễ mới sâu, nhành mới tốt, quả mới tốt. Như thế đồng bào cần cố gắng phải làm ăn định canh”. Có thể nói, tư tưởng đại đoàn kết các dân tộc trong tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rất nhiều lần trong buổi nói chuyện sáng hôm ấy.
Người nhấn mạnh: "Đã gọi là đoàn kết thì phải giúp đỡ nhau như anh em trong nhà. Dân tộc nhiều người phải giúp đỡ dân tộc ít người, dân tộc ít người cần cố gắng làm ruộng. Hai bên phải giúp đỡ lẫn nhau. Dân tộc đông người không phải giúp qua loa, cũng như dân tộc ít người không nên ngồi chờ giúp. Một bên ra sức giúp, một bên ra sức làm. Giúp nhau thì việc gì cũng nhất định làm được”.
Người còn nhấn mạnh: "Muốn tăng gia sản xuất tốt phải có tổ chức, phải có tổ đổi công” và Người lại đưa ra một ví dụ mà cho đến giờ đồng bào dân tộc các xã vùng sâu, vùng xa của Yên Bái được các tổ chức hội, đoàn thể lãnh đạo vẫn áp dụng thực hiện hiệu quả trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo: "Nông thôn làm ăn riêng lẻ 1 - 2 nhà thì không tốt, làm ít kết quả, 5 - 10 nhà cùng làm thì nhanh hơn, tốt hơn. Cho nên phải vào tổ đổi công. Tổ đổi công phải thật sự giúp đỡ nhau, chứ không phải chỉ khai trên giấy. Không phải là cầm tay dắt cổ bảo "anh phải vào tổ đổi công” mà phải làm cho đồng bào tự nguyện tự giác”.
Nội dung cuối cùng nhưng vô cùng thiết thực với cuộc sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh được Bác đề cập mà đến nay toàn Đảng, toàn dân vẫn đang ra sức thực hiện, đó là thực hành tiết kiệm và từng bước xây dựng đời sống văn hóa mới. Tiết kiệm trong tổ chức ma chay, cưới xin, tiết kiệm trong sinh hoạt và trong cuộc sống.
Người tường tận đến từng chi tiết, từng nét văn hóa cho tới những hủ tục cần loại bỏ của đồng bào: "Hỏi có tiết kiệm không? Cũng có tiết kiệm nhưng lúc đám cưới, mời họ nội, họ ngoại chè chén linh đình, 2 bữa say sưa bằng thích. Nhưng sau đấy nhà trai, nhà gái phải bán trâu, bò, thóc, bán ruộng, đi vay nợ. Như thế là không tốt. Mà đã không tốt là xấu. Đã xấu thì phải sửa. Đám cưới như thế, đám ma cũng thế. Thường thì chôn cất cũng đủ, nhưng cũng cứ phải chén. Thế rồi cũng bán thóc, bán trâu, bán ruộng".
Thực hiện những lời dạy bảo ân cần đó của Người, 59 năm qua, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã phấn đấu nỗ lực trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Đặc biệt, chỉ trong vòng một năm sau - năm 1959, cán bộ và đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái đã đạt thành tích xuất sắc trong công tác ba thu (thu thuế nông nghiệp, thu mua lương thực, thu nợ) và được nhận Bằng khen của Bác Hồ trao tặng. Năm 1961, cán bộ, đoàn viên thanh niên của tỉnh được Bác Hồ tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích trong thực hiện kế hoạch Nhà nước.
Đặc biệt, năm 1963, nhân dân xã Hưng Khánh (Trấn Yên) được Bác Hồ tặng Bằng khen cho thành tích xã có phong trào bảo vệ trị an khá nhất các tỉnh miền núi. Năm học 1966 - 1967, Bác đã tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Trường Phổ thông cấp I xã Báo Đáp (Trấn Yên) đã nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, lập nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Dạy tốt, Học tốt”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quân dân tỉnh Yên Bái đã được Bác Hồ gửi thư biểu dương, khen ngợi. Trong thư Bác viết: "... Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi đồng bào các dân tộc, các đơn vị bộ đội, các lực lượng vũ trang nhân dân và cán bộ tỉnh Yên Bái, ngày 27/11/1965 đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 800 và 801 của giặc Mỹ".
Phát huy truyền thống anh hùng trong lao động, sản xuất và chiến đấu đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã đoàn kết một lòng, khắc phục mọi khó khăn, vượt qua thử thách, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong 5 năm qua đạt 11,33%.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đến ngày 30/6/2017 đạt gần 50% dự toán, tăng 12,5% so với cùng kỳ. 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã giải quyết, hỗ trợ việc làm cho hơn 9.000 lao động, tăng 4,7% so với cùng kỳ 2016, tuyển mới đào tạo nghề cho gần 7.400 lao động.
Bộ mặt kinh tế - xã hội của tỉnh với hiệu quả từ phong trào xây dựng nông thôn mới đã được đổi thay rõ rệt. Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã có 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 8 xã đạt từ 16 - 18 tiêu chí, 43 xã đạt từ 10 - 15 tiêu chí; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; các cơ sở khám, chữa bệnh được quan tâm đầu tư cả về cơ sở vật chất và trang thiết bị; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở mức 1,086%; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm phòng đầy đủ 8 loại vắc - xin đạt 98,5%...
Thực hiện lời dạy của Bác 59 năm trước, đến nay Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của tỉnh đã có bước phát triển vững chắc cả về bề rộng và chiều sâu. Đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã đảm bảo thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Quốc phòng - an ninh luôn được củng cố, tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường vững mạnh thông qua việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân với Đảng, với chính quyền, tạo động lực để Yên Bái tiến tới mục tiêu tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc của Tổ quốc.
Thanh Hương