Kỷ niệm 63 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2017)

Mốc son lịch sử hào hùng

  • Cập nhật: Thứ ba, 10/10/2017 | 1:59:23 PM

Sau 9 năm chiến đấu ngoan cường, thông minh, gan dạ, đầy sáng tạo của quân và dân ta, đặc biệt là sau thất bại trong trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ (20/7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam.

Nhân dân Hà Nội chào đón bộ đội về tiếp quản Thủ đô ngày 10.10.1954.
Nhân dân Hà Nội chào đón bộ đội về tiếp quản Thủ đô ngày 10.10.1954.

Theo Hiệp định Giơnevơ, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của địch. Biết trước âm mưu của Pháp lợi dụng thời gian này để phá hoại ta về mọi mặt, Bác Hồ đã có nhiều cuộc họp với Trung ương và Hội đồng Chính phủ để giải quyết nhiều nhiệm vụ chính trị, quân sự, ngoại giao, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội, nội vụ và tổ chức cán bộ… Đồng thời, tổ chức tiếp quản, giải phóng Thủ đô Hà Nội theo đúng Hiệp định Giơnevơ, nhanh chóng và có hiệu lực.

Trước khi về giải phóng Thủ đô khi nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên phong tại Đền Hùng, Bác Hồ đã căn dặn: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Công tác tổ chức, bố trí cán bộ cách mạng trên cả nước được đặt ra và phải giải quyết kịp thời.
 
Theo quyết định của Trung ương, đồng chí Trần Quốc Hoàn được điều về làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Thường trực Trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ đã quyết định: bộ máy, chính quyền những ngày đầu tiếp quản, giải phóng Thủ đô Hà Nội là Ủy ban Quân chính Hà Nội. Đầu tháng 10/1954, từ Việt Bắc về Thủ đô Hà Nội, vượt sông Hồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Văn phòng Chính phủ đã sang thị xã Sơn Tây.
 
Người ở và làm việc tại thôn Phù Sa, xã Viên Sơn, để kịp thời theo dõi tình hình và chỉ đạo mọi hoạt động cho ngày Thủ đô được giải phóng, để trong thời gian ít nhất, có thể xuôi theo quốc lộ 32, về Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, Từ Liêm, Cầu Giấy vào nội thành Hà Nội nhanh nhất.
 
Người đã viết và chuẩn bị nhiều bài viết cho ngày Thủ đô giải phóng, như: "Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng", "Giữ gìn trật tự an ninh", "Ổn định sinh hoạt"... với bút danh CB đăng báo Nhân Dân... và những ý tưởng để động viên tới từng giới, từng ngành, từng lứa tuổi, công chức, giáo viên, học sinh, thanh niên, công nhân, bác sĩ, bộ đội, công an, giới tu hành của các tôn giáo... đoàn kết mọi nguồn lực để tái thiết, xây dựng, bảo vệ Thủ đô sau ngày giải phóng.

Trong khi đó, tại Thủ đô Hà Nội, mọi lực lượng chính trị, quân sự, an ninh, các giới khẩn trương theo dõi tình hình rút lui, chuyển quân của giặc Pháp và quân đội, chính quyền ngụy, không cho chúng phá hoại các công sở, nhà máy, di tích lịch sử văn hóa... Thành ủy phân công cán bộ cùng toàn thể nhân dân chuẩn bị cờ, ảnh Bác Hồ, hoa, đón chào Đoàn quân của Bộ đội Cụ Hồ về tiếp quản, giải phóng Thủ đô, lễ mít tinh chào mừng ngày Thủ đô giải phóng. Sáng 8/10/1954, các đơn vị quân đội chia làm nhiều hướng tiến vào ngoại thành Hà Nội, bao bọc nội thành các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, theo đường đê La Thành và ven sông Hồng, Hồ Tây. 6 giờ sáng 9/10/1954, quân đội ta tiến vào các cửa ô rồi tỏa đi tiếp quản nhà ga, Phủ Toàn quyền, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, Phủ Thống sứ. 16 giờ ngày 9/10, quân đội Liên hiệp Pháp rời khỏi thành phố, qua cầu Long Biên sang Gia Lâm, để rời Hà Nội. Đúng 8 giờ sáng ngày 10/10/1954, bắt đầu một cuộc diễu binh lực lượng của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô thuộc Đại đoàn 308 đi trên các đường trung tâm của nội thành, rồi tiến vào cửa Đông Thành Hà Nội, thuộc quận Hoàn Kiếm và Ba Đình. 8 giờ 45 phút, cánh quân phía Nam diễu binh ở khu vực quận Hai Bà Trưng rồi chiếm lĩnh toàn bộ khu vực Đồn Thủy và nhà Đấu Xảo.

Đúng 15 giờ ngày 10/10/1954, còi Nhà hát Lớn nổi một hồi dài. Hàng chục vạn nhân dân Thủ đô và các đơn vị quân đội trang nghiêm dự lễ chào cờ Tổ quốc bay trên cột Cờ Hà Nội, tại sân vận động Cột Cờ (đường Điện Biên Phủ, Trần Phú, Chu Văn An, Lê Hồng Phong ngày nay). Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng.
 
Cả Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng, tự hào về sức mạnh hùng hậu kháng chiến, vô cùng biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu. Kể từ đây, Thủ đô đất nước ta thoát khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân; nhân dân lao động thoát khỏi chế độ áp bức, bóc lột. Người dân được đứng lên làm chủ vận mệnh của mình, xây dựng xã hội mới, mở đầu sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa trên đất nước.

K.T

Các tin khác
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Dương Văn Thống phát biểu tại Hội nghị.

YBĐT - Sáng 10/10, Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức Hội nghị Giao ban công tác dân vận đánh giá kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ 9 tháng năm, bàn phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2017.

Quang cảnh buổi gặp mặt.

YBĐT - Sáng 10/10, Hội Cựu chiến binh tỉnh Yên Bái tổ chức gặp mặt các cơ quan truyền thông trước thềm Đại hội đại biểu Hội CCB tỉnh lần thứ VI, nhiệm kỳ 2017 - 2022.

Mục tiêu tổng quát là tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, để góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, chất lượng hoạt động của mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể  chính trị- xã hội.

Lãnh đạo tỉnh Yên Bái và lãnh đạo tỉnh Viêng Chăn ký kết thoả thuận hợp tác năm 2017.

YBĐT - Cuộc thi "Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào” tại tỉnh Yên Bái đang đi đến giai đoạn sôi nổi. Những tập bài thi công phu được liên tục gửi về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Sơ bộ ban đầu những bài thi gửi về có thể thấy nhiều người con của Yên Bái đã bày tỏ trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong việc giữ gìn, vun đắp và phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào -Việt Nam mà các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục