Tại đây, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã tới thăm hỏi các gia đình bị nạn tại bản Hát, xã Hát Lừu, đây là một trong những điểm bị thiệt hại rất nặng nề về người và của.
Theo người dân ở đây cho biết, đêm ngày mủng 10 rạng sáng ngày 11/10, mưa to đến rất to dẫn tới nước từ trên núi cao đổ về với cường độ mạnh gây ra trận lũ ống, lũ quét lớn nhất từ hàng chục năm nay làm 8 người chết và mất tích, hàng chục nhà dân bị lũ tàn phá, hàng chục ha lúa và hoa mầu đến vụ thu hoạch đã bị đất đá vùi lấp, nhiều cánh đồng bị san phẳng, tuyến đường từ trung tâm huyện vào xã Hát Lừu cũng bị đất đá vùi lấp gây hư hỏng nặng.
Huyện và xã đã huy động lực lượng "4 tại chỗ” thực hiện công tác tìm kiếm cứu trợ, cứu nạn, giải phóng mặt đường. Đến chiều ngày 13/10, tìm thấy thêm 1 nạn nhân, nâng tổng số nạn nhân bị chết lên 8 người.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Bí thư Tỉnh ủy thăm hỏi, động viên anh Lò Văn Mười, ở bản Hát 2, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu - người sống sót duy nhất trong gia đình có tới 5 người chết và mất tích.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà thăm hỏi, động viên , trao hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ.
Tỉnh lộ 174 Văn Chấn - Trạm Tấu đã thông xe tạm thời vào lúc 14h ngày 13/10/2017.
Tới kiểm tra hiện trường các điểm bị lũ quét, lũ ống tại thôn Hát 1 và Hát 2, xã Hát Lừu, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã đến động viên, chia buồn sâu sắc trước mất mát của những gia đình có người thân bị lũ cuốn trôi, nhà bị sập hoàn toàn. Trong đó, đồng chí đã tới thăm và trao tiền cứu trợ của tỉnh cho gia đình anh Lò Văn Mười, người sống sót duy nhất trong gia đình có tới 5 người chết và mất tích khi lũ ống gây ra; thăm hỏi, động viên những hộ dân có nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn.
Tại đây, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà đã động viên các gia đình nhanh chóng khắc phục, vượt qua những đau thương mất mát, khó khăn để ổn định đời sống; đồng thời với trách nhiệm của mình, tỉnh và huyện tiếp tục tổ chức tìm kiếm những nạn nhân mất tích, hỗ trợ nơi ăn chốn ở trước mắt và lâu dài cho những gia đình bị thiệt hại cũng như khắc phục những hậu quả do lũ ống, lũ quét gây ra.
Cũng trong chiều tối ngày 13/10, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn công tác của tỉnh đã làm việc với lãnh đạo huyện Trạm Tấu, bàn các giải pháp khắc phục thiệt hại.
Theo thống kê của huyện Trạm Tấu, đến chiều ngày 13/10, thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn là rất lớn. Huyện đã bị cô lập trong 3 ngày do tuyến đường độc đạo từ thị xã Nghĩa Lộ lên huyện bị sạt lở nghêm trọng nhiều điểm; điện lưới quốc gia, hệ thống mạng viễn thông bị gián đoạn trong nhiều giờ.
Toàn huyện đã có 3 người chết, 6 người mất tích và 7 người bị thương; trôi sập hoàn toàn 26 nhà và thiệt hại nhiều công trình hạ tầng, tài sản, hoa mầu khác. Trên công trường Thủy điện Trạm Tấu thuộc địa bàn xã Trạm Tấu, mưa lũ cũng khiến cho một loạt các xe máy công trình bị đẩy xuống vực sâu.
Ngay sau khi xảy ra mưa lũ, huyện đã chủ động các phương án cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ những người bị thương, những gia đình có nhà bị sập đổ, huy động 1.200 cán bộ huyện và người dân tham gia khắc phục hậu quả, trong đó khắc phục các tuyến đường bị sạt lở cũng như di dời những hộ dân đến nơi an toàn.
Cũng trong chiều ngày 13/10, sau nhiều nỗ lực của các lực lượng, tuyến tỉnh lộ 174 đã thông xe tạm thời để các phương tiện lưu thông, điện sinh hoạt và mạng viễn thông đã khôi phục trở lại.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Bí thư Tỉnh ủy làm việc với lãnh đạo huyện Trạm Tấu.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà đánh giá cao huyện Trạm Tấu, mặc dù bị chia cắt song đã chủ động phương án "4 tại chỗ” để triển khai bước đầu công tác hỗ trợ khắc phục thiệt hại, Sở Giao thông vận tải (GTVT) và Sở Công thương cũng đã hỗ trợ kịp thời huyện về khắc phục tuyến đường tỉnh 174, điện thắp sáng.
Về nhiệm vụ quan trọng nhất, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng đây là huyện có sự thiệt hại nặng nề nhất trong đợt mưa lũ vừa qua. Tuy nhiên, huyện cần phải chủ động trong việc khắc phục hậu quả mưa lũ cũng như chủ động đối phó với một cơn bão mới.
Bên cạnh đó, đồng chí cũng yêu cầu việc thống kê phải chính xác, đảm bảo việc hỗ trợ cho người dân được đảm bảo công bằng, khách quan. Cùng với đó, kiểm kê, rà soát thiệt hại về hạ tầng giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, trường học tại các xã, hệ thống điện sinh hoạt, để các ngành chức năng có giải pháp. Đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại, cũng phải phối hợp hỗ trợ nguồn nhân lực giúp đỡ họ khôi phục thiệt hại, chia sẻ với doanh nghiệp.
Liên quan đến tỉnh lộ 174, đánh giá cao những nỗ lực của Sở GTVT, đồng chí yêu cầu Sở cần tiếp tục đảm bảo thông xe, nhất là những giải pháp tại các điểm xung yếu, cần sự phối hợp giữa Sở GTVT với huyện trong khắc phục giao thông trên tuyến.
Bên cạnh đó, vụ đông xuân tới, huyện cần phải có phương án khắc phục để kịp thời vụ, trước tiên là đảm bảo đất sản xuất, đồng thời có những chính sách hỗ trợ kịp thời người dân về giống, cây trồng phù hợp. Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cần khảo sát, đánh giá và bố trí cây trồng và bố trí các loại giống, phù hợp và kịp thời vụ. Mặt khác, công tác an ninh trật tự cần được giữ vững, giao cho Hội Chữ thập đỏ hỗ trợ kịp thời các hộ các gói cứu trợ.
Cuối cùng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn, huyện tập trung lực lượng khắc phục nhanh những thiệt hại, ổn định đời sống cho người dân cũng như đề phòng những tác động của mưa bão tiếp theo.
Anh Hải – Quyết Thắng