Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917- 7/11/2017)

Ký ức đỏ mãi niềm tin bất diệt

  • Cập nhật: Thứ ba, 7/11/2017 | 7:54:41 AM

YBĐT - Giữa những ngày kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, chúng tôi đã tìm gặp những người con Yên Bái từng sống và học tập tại Liên bang Xô Viết – nước Nga vĩ đại để tìm về những miền ký ức đỏ. Dù qua những thăng trầm, biến cố của lịch sử, với những người đã gặp và với chúng tôi - những người trẻ hôm nay, ký ức đỏ mãi mãi nuôi niềm tin bất diệt...

Ông Phạm Huy Giang tại thành phố Kiev.
Ông Phạm Huy Giang tại thành phố Kiev.

Chúng tôi tới nhà ông Phạm Huy Giang trên đường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái. Khi biết câu chuyện sẽ là những kỷ niệm của ông tại Liên Xô thì ông đã rất hào hứng, bởi với ông đó là một quãng thời gian tuyệt vời, có ý nghĩa vô cùng to lớn. Khi 18 tuổi, sau kết quả đỗ đại học, ông được triệu tập và cử đi học tại Liên Xô.
 
Tháng 8/1971, ông đặt chân tới đất nước của Lênin mà bấy lâu ông và bao người vẫn hàng mơ ước một lần tới - đất nước vĩ đại với những người đồng chí, người bạn vô cùng thân thiết, thủy chung đã hết lòng, hết sức giúp đỡ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược và giải phóng quê hương.
 
"Tới trường Đại học Xây dựng Kiev, một chữ, một tiếng Nga tôi cũng không biết. Tôi và anh em không quá lo lắng, bởi tôi biết đất nước và những người dân Liên bang Xô Viết là những người anh em thân thiết của mình!” – ông Giang chia sẻ.
 
Những ngày đầu bỡ ngỡ với ngôn ngữ mới, ông được cô giáo Nga rất nhiệt tình chỉ bảo, uốn nắn từng phát âm, từng nét chữ. Ông xúc động: "Cô giáo tận tình lắm! Dạy trên lớp rồi cô còn cho mượn sách về đọc, cô bảo cứ đọc nếu không hiểu hỏi cô. Tôi hoàn toàn không cảm thấy xa lạ chút nào, tình cảm ấy như tình cảm của thầy cô giáo ở quê nhà vẫn dạy bảo tôi”.
 
Có lẽ, vì tình cảm đặc biệt ấy mà vốn tiếng Nga của ông Giang tiến bộ nhanh chóng. Chỉ 1 năm, ông có thể giao tiếp thành thạo, đọc được sách báo, giáo trình. Cũng ngay trong năm đầu tiên đặt chân lên đất Liên Xô, ông đã được thầy cô đưa đi tham dự Lễ kỷ niệm 54 năm Cách mạng tháng Mười Nga tại Quảng trường thủ đô Kiev, Ukraina.

Kể đến đây, ông như sống lại khung cảnh của gần 50 năm trước: "Chúng tôi ai cũng biết Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, nhưng được tham gia một lễ kỷ niệm như vậy mới thấy người dân Liên Xô tự hào như thế nào về cuộc cách mạng ấy, cuộc cách mạng mà như Bác Hồ của chúng ta đã nói: "Như ánh mặt trời rạng đông xua tan bóng tối, chiếu rọi ánh sáng mới vào lịch sử loài người”.
 
"Sau Cách mạng Tháng Mười Nga, mà đặc biệt là trong cuộc "Chiến tranh thần thánh” của nhân dân Liên Xô trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2, Kiev bị tàn phá nặng nề, nhưng đã xây dựng lại khang trang, hoành tráng, bởi nền kinh tế, khoa học - kỹ thuật và công nghệ của Liên Xô rất phát triển”.

Những người từng sống và học tập ở Liên Xô xưa, coi đất nước này như quê hương thứ hai. Tri thức Nga, phong cách Nga dường như đã ngấm vào dòng máu, mãi mãi không bao giờ quên.
 
Ông Nguyễn Xuân Thuận – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Yên Bái luôn mang một phong cách rất đặc biệt, từ giọng nói, cử chỉ, đến phong thái điềm tĩnh. Năm 1972, khi đang là sinh viên đại học sư phạm, theo tiếng gọi của Tổ quốc ông lên đường nhập ngũ.
 
Năm 1983, ông được Bộ Quốc phòng cử đi học tại Học viện Quân sự Quy-bi-sép tại thủ đô Mát-cơ-va; lúc đó, ông mang quân hàm thượng úy, học chuyên ngành kỹ thuật - nghệ thuật quân sự, chỉ huy tham mưu chiến thuật cấp chiến dịch. Ông nhớ lại: "Lớp học chỉ có 4 người, đều là người Việt Nam. Những môn như chủ nghĩa Mác-Lênin, Kinh tế chính trị thì học chung cùng với các học viên nước bạn, nhưng khi đào tạo quân sự thì chúng tôi học riêng, lớp Việt Nam học riêng, Cuba học riêng...”.
 
Có lẽ, khó khăn nhất với ông và các bạn lúc bấy giờ là ngôn ngữ, vừa học ngôn ngữ vừa học chuyên ngành kỹ thuật quân sự. Ngày đi học, tối về lại dịch để hiểu rõ hơn bài học. Được sự giúp đỡ tận tình của thầy cô giáo Xô Viết nên ông Thuận cùng các bạn đã vượt qua được những khó khăn, rào cản ngôn ngữ ban đầu.
 
"Kỹ năng truyền thụ và phương pháp của các thầy cô rất phong phú, kỹ thuật công binh của bạn rất tiên tiến. Chúng tôi chỉ nghĩ làm sao mà tiếp thu được các kiến thức đó về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam như quân đội các nước xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ” – ông nói.
 
Những ngày học tập tại Liên Xô, ông được tiếp thu những kiến thức kỹ thuật công binh và cảm nhận thật sâu sắc những tình cảm mà người dân Xô Viết dành cho ông và cho những người đồng chí, người bạn Việt Nam. Ông nhớ lại, trong một lần đi nghỉ tại khu nghỉ dưỡng quân sự dành cho các sỹ quan của các bạn Nga ở Biển Đen, ông có gặp vợ những sỹ quan Nga, họ rất ngỡ ngàng và rất vui khi biết ông cùng các bạn của mình là sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sang học tập tại Nga. Họ ngưỡng mộ Bác Hồ, ngưỡng mộ quân đội và nhân dân Việt Nam.
 
Trong suốt kỳ nghỉ, các bạn rất quan tâm, chia sẻ và dành tình cảm gắn bó. Sống và học tập tại Nga, ông được tiếp xúc với những người dân Nga - những người mà cha ông họ đã đứng lên làm nên cuộc Cách mạng Tháng Mười; những người đã trải qua cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, họ đã xúc động kể cho ông nghe những gian khổ của Lênin - Liên bang Xô Viết và đất nước Nga; trân trọng, động viên ông để ông và các đồng chí Việt Nam càng thêm quyết tâm, lĩnh hội và thành thạo về kỹ thuật quân sự để về góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam.
 
"Một chiều mùa đông, chúng tôi đang ở trong ký túc xá, thì đội trưởng đến yêu cầu lên lớp gặp các cô giáo dạy tiếng Nga. Tới nơi, các cô đã bày bánh kẹo, pha trà, cà phê rồi cười "hỏi thăm”: "Hôm nay sinh nhật ai?”.
 
Tất cả ngỡ ngàng. Rồi sau, biết là sinh nhật đồng chí Thiệu quê ở Thanh Hóa. Không chỉ đồng chí Thiệu cảm động, mà cả 4 anh em Việt Nam đều cảm động bởi quá yêu thương, quen thuộc nhưng vẫn quá bất ngờ bởi tình cảm mà các cô giáo Nga dành cho Việt Nam, cho chúng tôi” - ông Thuận xúc động.
 
Ông nói: "Chúng tôi - những người lính đã đi qua chiến tranh, quên thân mình cho Tổ quốc thì chẳng để ý ngày sinh nữa. Thế mới thấy, các đồng chí, các cô giáo Nga – Xô Viết tình cảm và quan tâm đến anh em chúng tôi như thế nào!”. Sau khoá học, ông trở về Việt Nam để góp phần của mình xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam và không bao giờ quên được tình cảm của các đồng chí, các thầy cô giáo và người dân Xô Viết - nước Nga đã dành cho những đồng chí, anh em đến từ Việt Nam.

Với những người con Yên Bái và với những thế hệ người Việt Nam đã sống, học tập rèn luyện tại đất nước của Lênin, thời gian trôi qua, niềm tin của họ và của chúng ta hôm nay với chủ nghĩa Mác – Lênin, với Cách mạng Tháng Mười Nga, mà với Việt Nam hiện nay hiện thân là lý tưởng của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không bao giờ phai nhạt. Với chúng tôi - những người trẻ  hôm nay: Ký ức đỏ mãi mãi một niềm tin bất diệt!

Thanh Ba

Các tin khác

Ngày 3/5, Đoàn giám sát số 2 của HĐND tỉnh do đồng chí Hoàng Thị Thanh Bình - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã có cuộc giám sát chuyên đề về thực hiện một số chính sách pháp luật về hỗ trợ phát triển du lịch và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 – 2025” theo Nghị quyết 10 và Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh tại huyện Mù Cang Chải.

Chiều 3/5, đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã dự sinh hoạt thường kỳ tháng 5 với các đảng viên Chi bộ thôn 4, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ.

Đồng chí Ngô Hạnh Phúc- Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Quyết định và tặng hoa chúc mừng tân Phó Giám đốc Sở Tư pháp Lã Thị Liền

Ngày 3/5/2024, tại Sở Tư pháp, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị công bố Quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở Tư pháp.

Ngày 3/5, đồng chí Vũ Quỳnh Khánh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các ban của HĐND tỉnh đã có buổi giám sát chuyên đề thực hiện một số chính sách pháp luật về hỗ trợ phát triển du lịch tại các xã Ngọc Chấn và Phúc An, huyện Yên Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục