Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị của Chính phủ
- Cập nhật: Thứ năm, 28/12/2017 | 3:58:54 PM
Sáng 28/12 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và có bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến cuối năm của Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị.
|
"Thưa các vị đại biểu,
Thưa toàn thể các đồng chí,
Hôm nay, tôi rất vui mừng được tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương - Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và đề ra nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Đây là một Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trước hết, tôi xin gửi tới toàn thể các đồng chí lời chào thân thiết, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Sau đây tôi xin phát biểu một số ý kiến, có tính chất gợi mở, nêu vấn đề để các đồng chí cùng trao đổi, thảo luận.
I- VỀ NHÌN LẠI NĂM 2017
Qua nghe báo cáo của Chính phủ và ý kiến phát biểu của đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố, chúng ta vui mừng nhận thấy, trong năm 2017, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đất nước ta vẫn tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Nổi bật là:
Về kinh tế - xã hội, lần đầu tiên sau nhiều năm, chúng ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt kế hoạch đề ra, là mức cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,53%. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; bội chi ngân sách ở mức thấp, khoảng 3,5% so với GDP. Thị trường tiền tệ ổn định; dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục, 51,5 tỉ USD. Thị trường chứng khoán có nhiều khởi sắc, vượt mốc 950 điểm, cao nhất kể từ năm 2008. Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt 425 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay. Sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi và phát triển toàn diện trên cả 3 lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Số doanh nghiệp được thành lập mới đạt gần 127.000 doanh nghiệp, tăng 15,2% so với năm 2016. Mặc dù chịu tác động nặng nề của thiên tai, bão lũ, nhưng nông nghiệp vẫn tăng 2,9%, gấp 4 lần so với năm 2016; kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 36 tỉ đô la Mỹ, mức cao nhất từ trước tới nay. Khu vực dịch vụ có bước phát triển vượt bậc, tăng 7,44%, mức cao nhất kể từ năm 2008; khách du lịch quốc tế đạt gần 13 triệu lượt người, tăng khoảng 30% so với năm 2016. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh chuyển biến tích cực. So với năm 2016, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc (từ 82 lên vị trí 68/190 nền kinh tế); chỉ số năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc (từ 60 lên 55/137 nền kinh tế).
Lĩnh vực văn hoá - xã hội tiếp tục có nhiều tiến bộ. Năng lực đổi mới sáng tạo khoa học - công nghệ được nâng lên. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI đã tạo được những chuyển biến khá rõ nét trong đánh giá, thi, tuyển sinh, tự chủ đại học. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được quan tâm chăm lo, bảo đảm; thực hiện tốt hơn chế độ, chính sách đối với người có công, người nghèo, nhất là những khi thiên tai, bão lũ xảy ra. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tiếp tục được đẩy mạnh, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần củng cố an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Công tác văn hoá, thông tin, tuyên truyền được đổi mới, củng cố, nâng cao chất lượng, góp phần xây dựng lòng tin, tạo sự đồng thuận trong xã hội, đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực, những luận điệu sai trái, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Về đối ngoại, quốc phòng - an ninh, năm 2017 được đánh giá là một trong những năm thành công nhất trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, chủ động, tích cực hội nhập, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Quan hệ với các nước, nhất là với các đối tác quan trọng ngày càng toàn diện và hiệu quả hơn. Hoạt động đối ngoại đã diễn ra với hầu hết các đối tác chủ chốt. Nếu chỉ tính riêng trao đổi đoàn cấp cao, chúng ta đã tiến hành 18 chuyến thăm đến 19 nước, tham dự 8 hội nghị quốc tế đa phương, tiến hành hàng trăm cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo, nguyên thủ các nước trên thế giới (riêng Tuần lễ cấp cao APEC là gần 50 cuộc); đồng thời đón 36 lượt nguyên thủ và thủ tướng các nước đến thăm Việt Nam. Nội dung các hoạt động đối ngoại đều rất thực chất, ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững. Đặc biệt là quan hệ với các đối tác chủ chốt như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, ASEAN đều có tiến triển rõ rệt cả về chính trị và kinh tế. Với vai trò nước chủ nhà, chúng ta đã thực sự tạo nên dấu ấn Việt Nam trong tiến trình hợp tác của APEC nói riêng và liên kết kinh tế và chính trị tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói chung.
Thông qua các biện pháp vừa hợp tác vừa đấu tranh, chúng ta đã kiên quyết và kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và bảo đảm các lợi ích chiến lược của đất nước. Duy trì môi trường hoà bình, ổn định và hợp tác, giữ vững quan hệ với các nước láng giềng, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Thực lực, sức mạnh quốc phòng, an ninh từng bước được tăng cường; các hoạt động kinh tế biển được duy trì, diễn ra an toàn và hiệu quả.
Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực: Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo, làm nhiều lần, làm quyết liệt từ nhiều năm nay, nhưng thời gian gần đây càng được đẩy mạnh hơn bao giờ hết và bước đầu đạt được nhiều kết quả cụ thể, tích cực, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được làm rất kiên quyết, nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu.
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã tập trung kiểm tra, kết luận các sai phạm và quyết định xử lý kỷ luật hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét kỷ luật nghiêm đối với nhiều tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm. Ngành Thanh tra đã triển khai hơn 6.800 cuộc thanh tra hành chính, gần 260.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng; đã phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý 68 vụ, 107 đối tượng tham nhũng. Cơ quan điều tra trong cả nước đã kết luận điều tra 197 vụ, 467 bị can. Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 219 vụ, 481 bị can. Toà án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 205 vụ, 433 bị cáo về các tội tham nhũng. Các cơ quan tố tụng Trung ương và địa phương đã có nhiều nỗ lực, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và xét xử nghiêm minh theo quy định của pháp luật nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận hết sức quan tâm.
Tóm lại, năm 2017 chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng mừng trên hầu hết các lĩnh vực, để lại những ấn tượng tốt đẹp và cho chúng ta thêm nhiều bài học quý. Không phải ngẫu nhiên mà một không khí phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang lan rộng trên khắp cả nước.
Vậy nguyên nhân nào đã cho chúng ta những kết quả, thành công đó?
Có nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ bao trùm lên tất cả là: (1) Nhờ chúng ta được thừa hưởng những kết quả, thành tựu của nhiều năm trước, đặc biệt là năm 2016 với thành công rực rỡ của Đại hội XII của Đảng và kết quả, thành tích của năm 2016: Kết quả bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; kết quả sắp xếp, đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị nhiệm kỳ 2016 - 2021, đề ra nhiều nghị quyết, quyết định đúng đắn, kịp thời, phù hợp; (2) Nhờ có sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, chung lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII. Các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã có nhiều đổi mới, phối kết hợp nhịp nhàng, đồng bộ, bài bản hơn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân, giải quyết kịp thời, đúng đắn, sát hợp và có hiệu quả các vấn đề cuộc sống đặt ra, nhất là các vấn đề quan trọng, nhạy cảm, bức xúc xã hội.
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ráo riết lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều nghị quyết, kết luận quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, Nhà nước, toàn hệ thống chính trị. Kịp thời cho chủ trương, quyết sách đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, hợp lòng dân, trên các lĩnh vực, đặc biệt là về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm; về các dự án trọng điểm quốc gia... để Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư; về công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại…
Quốc hội đã có nhiều đổi mới, thực hiện ngày càng tốt hơn cả ba chức năng: Lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Nghiêm túc thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, ban hành nhiều luật và nghị quyết; thông qua các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội... Các quyết sách của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đã thể hiện đúng ý Đảng, lòng dân, tạo thuận lợi cho Chính phủ và chính quyền các địa phương hoàn thành tốt hơn chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển đất nước. Có thể nói, không khí dân chủ trong Đảng, trong Quốc hội, Hội đồng nhân dân đã và đang lan toả ra toàn xã hội.
Chính phủ, chính quyền các địa phương đã khẩn trương, nghiêm túc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện một cách sâu sát, quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương và Quốc hội; chủ động, tích cực, năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện; kịp thời báo cáo, xin ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề mới phát sinh, vượt quá thẩm quyền. Chú trọng gắn kết phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Nhanh nhạy phát hiện, kịp thời xử lý những vấn đề mới phát sinh, nhất là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, những điểm nóng gây bức xúc xã hội trên tất cả các lĩnh vực và ở mọi vùng, miền của đất nước.
Các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, các bộ, ban, ngành, đoàn thể phối hợp công tác với nhau ngày càng ăn khớp, nhịp nhàng, kịp thời hơn. Đặc biệt là có sự đồng tình, ủng hộ, cổ vũ, động viên, đóng góp ý kiến kịp thời của cán bộ, đảng viên, các đồng chí lão thành, các tầng lớp nhân dân, các cơ quan thông tin, báo chí,... tạo nên sức mạnh tổng hợp đồng tâm nhất trí của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi xin chân thành cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, các cấp uỷ đảng, chính quyền, cộng đồng các doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, đồng bào, chiến sĩ cả nước về những kết quả, thành tích và những nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn đó.
Tuy nhiên, chúng ta tuyệt nhiên không chủ quan, thoả mãn; không say sưa với thành tích, thắng lợi. Bởi vì đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; xuất hiện xu hướng bảo hộ trở lại và chống tự do hoá thương mại và đầu tư ở nhiều nơi. Những hạn chế, yếu kém tích tụ, tồn đọng từ lâu của nền kinh tế và trong nhiều lĩnh vực xã hội còn nặng nề, gây hậu quả xấu, bức xúc xã hội nhưng không dễ một sớm một chiều có thể khắc phục và đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, lộ trình phù hợp, sự chỉ đạo kiên quyết, kiên trì, chắc chắn, khoa học mới có thể giải quyết được. Đó là tình trạng làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí xảy ra ở nhiều doanh nghiệp, dự án. Tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", "trên bảo dưới không nghe", kỷ cương phép nước bị buông lỏng còn diễn ra ở nhiều nơi. Thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, có xu hướng tác động nặng nề hơn đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Tệ nạn xã hội, vi phạm về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông và tội phạm, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em còn diễn biến phức tạp, nhất là ở các đô thị lớn… Trong khi đó, chúng ta phải nỗ lực phấn đấu để nước ta không chỉ năm sau tiến bộ hơn năm trước mà phải phát triển nhanh và bền vững hơn để không tụt hậu, từng bước theo kịp các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Vì vậy, Hội nghị của chúng ta cần dành nhiều thời gian thảo luận thật kỹ lưỡng, thấu đáo, tạo sự thống nhất cao trong nhận định về tình hình, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, nhất là những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân để đề ra kế hoạch, các nhiệm vụ và giải pháp cho năm 2018 một cách đúng đắn, chính xác, sát hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao nhất có thể.
II- VỀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2018
Năm 2018 là năm thứ ba của nhiệm kỳ khoá XII - năm bản lề quyết định thắng lợi của việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm do Đại hội XII của Đảng đề ra. Đất nước ta đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi mới để phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới. Đó là thành tựu có ý nghĩa lịch sử của 30 năm đổi mới; là những kết quả bước đầu quan trọng của 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đặc biệt là những kết quả và bài học kinh nghiệm có được trong 2 năm vừa qua, nhất là năm 2017. Hoà bình, hợp tác phát triển vẫn là xu hướng chủ đạo trên thế giới. Dự báo kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi và tăng trưởng. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức mới mà nước ta cần nắm bắt để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, ra sức phấn đấu, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước đi trước.
Phải chăng chúng ta cần quan tâm đến một số vấn đề sau đây:
Một là, phải tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khoá XII. Trong quá trình xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, biện pháp, phải nhận thức đầy đủ, tôn trọng và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của kinh tế thị trường, thông lệ quốc tế, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước trong từng giai đoạn. Bảo đảm tính khoa học, đồng bộ và tính khả thi cao. Gắn kết hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hoá, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Xác định rõ và thực hiện đúng vị trí, vai trò, chức năng và mối quan hệ của Nhà nước - thị trường và xã hội phù hợp với kinh tế thị trường; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; tăng cường và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận của nền kinh tế, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển. Doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập tự chủ. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh, cùng phát triển theo quy định của pháp luật. Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và bảo vệ tài nguyên, môi trường; phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội. Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực, là một động lực quan trọng để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường.
Hai là, cần nhận thức, quán triệt đầy đủ, sâu sắc hơn nữa quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và triển khai quyết liệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, coi đây là nhiệm vụ cơ bản, trọng yếu của chúng ta trong thời gian tới. Phải nhận thức và quán triệt sâu sắc mô hình tăng trưởng mà nước ta xây dựng là mô hình tăng trưởng ngày càng dựa nhiều hơn vào việc tăng năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực theo tín hiệu và cơ chế thị trường; phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tài năng, trí sáng tạo của con người và mọi tiềm năng, lợi thế của các ngành, lĩnh vực, các địa phương và cả nước; tạo cơ hội cho mọi người dân tham gia và cùng hưởng lợi từ tăng trưởng; chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ gìn môi trường sinh thái. Căn cứ tình hình thực tế của từng ngành, lĩnh vực và địa phương mà kết hợp hợp lý giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu, trong đó, lấy tăng trưởng theo chiều sâu là hướng chủ đạo. Chuyển dần từ tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư và xuất khẩu sang tăng trưởng dựa đồng thời vào cả đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước. Chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khai thác và phát huy tối đa nội lực kết hợp với thu hút và sử dụng hiệu quả ngoại lực. Không vì sức ép tăng trưởng, sức ép xử lý các vấn đề cấp bách mà coi nhẹ, không quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, dành nguồn lực giải quyết các vấn đề có tính nền tảng, lâu dài cho phát triển nhanh và bền vững.
Ba là, đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết Trung ương khoá XI về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực; tăng cường tiềm lực và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để có thể vượt qua những thách thức, nắm bắt được những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể đem lại. Đây là cuộc cách mạng công nghiệp mới diễn ra nhưng đang phát triển nhanh chóng và có những tác động lớn đến từng quốc gia, dân tộc trên tất cả các phương diện, từ thể chế và quản lý của Nhà nước, quản trị của doanh nghiệp đến kinh tế, xã hội, môi trường; làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới, từng bước vẽ lại bản đồ kinh tế thế giới theo hướng suy giảm quyền lực của các quốc gia dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ, sản xuất kinh doanh theo phương thức truyền thống và gia tăng sức mạnh của các quốc gia dựa chủ yếu vào đổi mới, sáng tạo.
Với lợi thế của một nước đang trong thời kỳ dân số vàng; con người Việt Nam cần cù lao động, thông minh, sáng tạo; trong những năm vừa qua đã tập trung xây dựng được những cơ sở vật chất, kỹ thuật ban đầu của công nghệ thông tin, truyền thông và đạt được những kết quả quan trọng trong lĩnh vực này; nước ta hoàn toàn có thể vượt qua những khó khăn, thách thức, tranh thủ nắm bắt những thời cơ, thuận lợi mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể đem lại để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Muốn vậy, cần phải nỗ lực hơn nữa, đề xuất, áp dụng những cơ chế, chính sách phù hợp, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ theo hướng hiện đại; tập trung ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp và công nghệ thông tin để định hình, xây dựng thí điểm một số thành phố, ngành, lĩnh vực phát triển thông minh, ứng dụng công nghệ cao.
Bốn là, quan tâm hơn nữa đến phát triển có hiệu quả văn hoá, xã hội, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân. Khẩn trương tổng kết lý luận và thực tiễn, nghiên cứu xây dựng trình Hội nghị Trung ương 7 khoá XII xem xét, quyết định về Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp và Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách đối với người có công. Tập trung thực hiện các biện pháp giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; ưu tiên nguồn lực phát triển vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng bị thiên tai, chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Khuyến khích phát triển nhà ở xã hội. Thực hiện nghiêm quy định về an toàn, vệ sinh lao động; an toàn, vệ sinh thực phẩm. Thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, phát triển phong trào toàn dân đoàn kết, xây dựng gia đình văn hoá mới.
Đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Phát triển văn hoá vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hoá. Trong xây dựng văn hoá, chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp với các đặc trưng cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Xây dựng đồng bộ môi trường văn hoá, trong đó chú trọng phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng; phát triển hài hoà giữa kinh tế và văn hoá, chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hoá và con người trong phát triển kinh tế.
Khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới. Coi đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho nhân dân là đầu tư cho phát triển. Nhà nước ưu tiên đầu tư ngân sách và có cơ chế, chính sách huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân; tổ chức cung cấp dịch vụ công, bảo đảm các dịch vụ cơ bản, đồng thời khuyến khích hợp tác công - tư, đầu tư tư nhân, cung cấp các dịch vụ theo yêu cầu. Xác định dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số, đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.
Năm là, kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại toàn diện về quốc phòng, an ninh theo tinh thần "giữ nước từ xa", "giữ nước từ khi nước chưa nguy". Giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy, nổ, các tệ nạn xã hội. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; sẵn sàng ứng phó kịp thời, xử lý có hiệu quả các sự cố thiên tai và cứu hộ, cứu nạn.
Chú trọng nâng cao chất lượng công tác dự báo, phân tích tình hình quốc tế; chủ động làm sâu sắc, thực chất hơn các mối quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, tăng cường quan hệ với tất cả các nước trên cơ sở nguyên tắc hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi. Tổ chức tốt các hoạt động song phương, đa phương. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về hội nhập, nâng cao năng lực đàm phán, ký kết, thực hiện có hiệu quả các điều ước quốc tế, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và không ngừng nâng cao năng lực giải quyết các tranh chấp về thương mại và đầu tư quốc tế. Làm tốt hơn nữa công tác bảo hộ công dân, tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp xây dựng đất nước.
Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong hoạch định chính sách, chỉ đạo, điều hành, luôn chú ý cả hai mặt: Xử lý giải quyết vấn đề hiện tại, đồng thời tạo dựng môi trường và điều kiện để những năm tới phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Triển khai Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí những cán bộ thực sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì Đảng, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân, không đủ tiêu chuẩn. Phát huy dân chủ cơ sở, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ điện tử. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hoá, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện nghiêm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tiếp công dân; rà soát, xử lý kịp thời, dứt điểm các khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài. Tăng cường phòng, chống, phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc nghiêm trọng, xã hội quan tâm; thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.
Thực hiện tốt những việc nêu trên sẽ không hề làm "chùn" sự chỉ đạo hay làm "chậm lại" sự phát triển, mà ngược lại, sẽ giúp làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để Chính phủ và chính quyền các địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công mọi nhiệm vụ.
Thưa các đồng chí,
Tôi tin tưởng và tha thiết mong rằng, sau Hội nghị này, với niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, Chính phủ và chính quyền các địa phương sẽ cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đoàn kết phấn đấu với quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa, năng động, sáng tạo hơn nữa để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà các đồng chí đã đề ra, góp phần xây dựng đất nước thân yêu của chúng ta ngày càng đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn như Bác Hồ từng mong đợi.
Nhân dịp năm mới 2018 và Xuân Mậu Tuất sắp đến, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, tôi xin chúc Chính phủ và chính quyền các địa phương tiếp tục phát huy những thành tích, kết quả và bài học kinh nghiệm đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hoạt động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả hơn, hoàn thành trọng trách trước Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang kỳ vọng, đòi hỏi và trông chờ ở các đồng chí!
Các tin khác
Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (1968 - 2018), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có bài viết "Phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Sau đây là toàn văn bài viết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
YBĐT - Sáng 28/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương, tập trung thảo luận những giải pháp triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự và phát biểu chỉ đạo. Đây là cuộc họp Chính phủ lần đầu tiên đón Tổng Bí thư đến dự.
Công tác phòng, chống tham nhũng, chúng ta đã làm nhiều lần, làm quyết liệt từ nhiều năm nay, nhưng thời gian gần đây càng được đẩy mạnh hơn bao giờ hết.
Năm 2018, Chính phủ thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật