Số vụ việc phòng vệ thương mại tăng mạnh và phức tạp hơn

  • Cập nhật: Chủ nhật, 12/1/2025 | 8:59:16 AM

Năm 2024, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với 32 vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài mới khởi xướng, tăng gần gấp đôi so với năm 2023 và có những diễn biến phức tạp hơn. Hoa Kỳ vẫn là nước điều tra nhiều nhất với 11 vụ việc. Đây là tín hiệu cho thấy những thách thức các doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt ngày càng lớn.

Ngành thép có độ rủi ro lớn trong việc bị điều tra phòng vệ thương mại. Nguồn: ITN
Ngành thép có độ rủi ro lớn trong việc bị điều tra phòng vệ thương mại. Nguồn: ITN

Nhiều quốc gia điều tra các nội dung chưa từng có tiền lệ

Khi Việt Nam ngày càng trở thành một điểm đến quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, việc đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại cũng đang gia tăng. Các biện pháp này có thể bao gồm việc áp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, hoặc các biện pháp hạn chế nhập khẩu khác nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước của các đối tác thương mại.

Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương, cho biết năm 2024, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với 32 vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài mới khởi xướng phát sinh từ 12 thị trường, trong đó có 1 thị trường lần đầu tiên điều tra với Việt Nam là Nam Phi. Con số này tăng gần gấp đôi so với năm 2023 (15 vụ việc). Hoa Kỳ vẫn là nước điều tra nhiều nhất với 11 vụ việc (chiếm khoảng 1/3 số vụ việc năm 2024).

Không chỉ tăng về số vụ việc, các cuộc điều tra phòng vệ thương mại còn trở nên phức tạp hơn khi nhiều quốc gia điều tra các nội dung chưa từng có tiền lệ. Ví dụ, Hoa Kỳ điều tra trợ cấp xuyên quốc gia với pin mặt trời và vỏ viên nhộng; Canada lần đầu tiên điều tra chống lẩn tránh với một nước (là Việt Nam)… Cùng với đó, sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng, từ các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn như pin mặt trời (4,2 tỷ USD), tôm (800 triệu USD), thép chống ăn mòn (242 triệu USD) đến các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu thấp hơn như khay đúc bằng sợi (50 triệu USD), đĩa giấy (9 triệu USD)…

Trong bối cảnh đó, Cục Phòng vệ thương mại đã triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. Nhờ đó, việc xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong năm 2024.

Trong đó, đáng chú ý là Hoa Kỳ chấm dứt điều tra chống lẩn tránh với tủ gỗ; chấm dứt điều tra chống bán phá giá nhôm đùn ép; chấm dứt điều tra phạm vi sản phẩm với bánh xe kéo bằng thép. Quốc gia này cũng xác định thuế chống trợ cấp đối với tôm nước ấm đông lạnh thấp ở mức 2,84% đối với toàn ngành (trừ 1 doanh nghiệp không tham gia vụ việc), thấp hơn so với đối thủ từ Ấn Độ và Ecuador; sơ bộ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp ở mức thấp đối với doanh nghiệp xuất khẩu đĩa giấy lớn nhất (5,48%). Hoa Kỳ cũng sơ bộ kết luận tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tham gia rà soát được hưởng mức thuế suất 0 USD/kg cho kỳ rà soát hành chính lần thứ 20 thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra - basa phi lê đông lạnh…

Việc các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp hoặc thấp hơn so với các nước cùng bị điều tra đã góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu, đại diện Cục Phòng vệ thương mại nhìn nhận. Tuy nhiên, mức thuế trong một số vụ việc do Hoa Kỳ điều tra còn khá cao. Nguyên nhân chính là do Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường nên áp dụng giá trị thay thế từ nước thứ ba, không phản ánh đúng thực tiễn sản xuất của Việt Nam.

Thách thức cần bám sát

Năm 2025, do tình hình kinh tế - chính trị thế giới dự kiến sẽ có nhiều biến đổi, Cục Phòng vệ thương mại dự báo các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục gia tăng, cùng với đó mức độ phức tạp và quy mô của các vụ việc cũng tăng lên.

Theo danh sách cảnh báo sớm cập nhật của Cục Phòng vệ thương mại, một số ngành hàng có rủi ro lớn hơn trong việc bị điều tra phòng vệ thương mại tại một số thị trường xuất khẩu, đó là các mặt hàng gỗ dán, tủ gỗ, thép chống ăn mòn, thép cán nóng, cáp thép dự ứng lực, ống thép hàn, nhôm thanh định hình, ống đồng, kính nổi, nhựa PET, đá thạch anh nhân tạo, máy giặt, tủ lạnh, lốp xe tải và xe khách xuất khẩu, thép gió, máy biến thế.

"Số vụ việc phòng vệ thương mại tăng mạnh là thách thức cần bám sát”, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, nhấn mạnh. Đặc biệt, các chính sách thương mại dưới thời của Tổng thống Donald Trump tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt với hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ, bởi Việt Nam đang xuất siêu lớn vào thị trường này. "Một số tổ chức nói rằng Việt Nam không phải là mục tiêu của Hoa Kỳ trong việc điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhưng doanh nghiệp Việt Nam đang rất lo lắng và họ có lý do để lo lắng”, ông Hiếu nói.

Để nâng cao hiệu quả xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh phòng vệ thương mại, Cục Phòng vệ thương mại cho rằng cần tăng cường nguồn lực cho công tác này. Đặc biệt, với các nội dung liên quan tới điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thì các cán bộ, công chức của Cục cần tiếp tục được bồi dưỡng, nâng cao năng lực pháp lý, các kiến thức về hải quan, xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Cục cần được chủ động hơn trong việc tiếp cận các dữ liệu thống kê xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan để có thể cảnh báo sớm và xử lý hiệu quả các vụ việc. Cơ chế trao đổi hiện tại mang tính thụ động, trong khi nhu cầu thông tin về số liệu xuất nhập khẩu là thường xuyên, liên tục, gắn liền với nhiệm vụ cảnh báo sớm cho doanh nghiệp trong ứng phó vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài.

Ngoài ra, trong bối cảnh các nước ngày càng tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, thời hạn xử lý vụ việc ngắn, công tác ứng phó với các vụ việc do nước ngoài điều tra và áp dụng đối với hàng xuất khẩu, đòi hỏi phải có một cơ chế tài chính đặc thù dự phòng để kịp thời xử lý ngay khi vụ việc phát sinh, Cục Phòng vệ thương mại đề xuất.

(Theo daibieunhandan)

Các tin khác
Nông dân xã Đông Cuông, huyện Văn Yên (Yên Bái) thu hoạch lúa ST25 vụ xuân bằng máy gặt. Ảnh tư liệu, minh họa

Ngày 10/1/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 9/2025/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật.

Trong thời gian vừa qua trên mạng xã hội lan truyền thông tin cho rằng: “Từ ngày 1/1/2025 cơ quan thuế có quyền truy cập vào mọi tài khoản cá nhân để truy thu thuế về thương mại điện tử”. Về nội dung thông tin này Tổng cục Thuế khẳng định, nội dung trên là không chính xác theo quy định pháp luật thuế.

Phân loại tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi theo 2 phương án: Phân loại theo chức năng của tài sản và phân loại theo cấp quản lý.

Chính phủ ban hành Nghị định số 8/2025/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi.

Doanh nghiệp dân doanh dự kiến tiền thưởng Tết Nguyên đán cao nhất 60 triệu đồng. (ảnh minh họa)

Toàn tỉnh Yên Bái có 311 doanh nghiệp đã báo cáo về tiền lương, tiền thưởng cho lao động

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục