Ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã diễn ra trong cả nước bất chấp sự phá hoại của bọn phản động và kẻ thù xâm lược. Nhân dân cả nước đã bầu 333 đại biểu Quốc hội gồm các thành phần giai cấp, dân tộc, các tầng lớp thể hiện sức mạnh của khối đại đoàn kết, của độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Đó là kết quả của sự gắn bó máu thịt và niềm tin sắt đá của toàn thể nhân dân Việt Nam đối với Đảng, Bác Hồ và chính quyền non trẻ, đánh dấu bước phát triển đặc biệt quan trọng đầu tiên về thể chế dân chủ của nước ta.
Trong số đại biểu Quốc hội khóa I, tỉnh Yên Bái có 2 đại biểu là ông Trần Đình Khánh và ông Cầm Ngọc Lương.
Quốc hội khóa II bầu ngày 8/5/1960 có 453 đại biểu, tỉnh Yên Bái có 4 đại biểu là các ông: Đào Đình Bảng, Bàn Văn Các, Lương Văn Toàn, Giàng A Páo.
Quốc hội khóa III bầu ngày 26/4/1964 có 366 đại biểu, tỉnh Yên Bái có 5 đại biểu gồm các ông: Nguyễn Thành Đô, Nghiêm Văn Thọ, Tương Văn Tiên, Giàng A Páo và bà Đinh Thị Lý.
Quốc hội khóa IV được cử tri bầu ngày 11/4/1971 với 420 đại biểu, tỉnh Yên Bái có 7 đại biểu gồm các ông: Nguyễn Ngọc Hồ, Nguyễn Thạc Long, Tương Văn Tiên, Phạm Văn Vinh, Giàng A Páo, bà Hoàng Thị Hàng và bà Đinh Thị Khuyên.
Quốc hội khóa V bầu ngày 6/4/1975 có 424 đại biểu, 6 đại biểu tỉnh Yên Bái là các ông Nguyễn Ngọc Hồ, Nguyễn Đình Thái, Triệu Quý Tiến, Hoàng Trình, các bà Hoàng Thị Hàng và Đinh Thị Liên.
Quốc hội khóa VI bầu cử ngày 25/4/1976, tỉnh Yên Bái có 4 đại biểu là ông Nguyễn Ngọc Hồ, Bàn Văn Quan, Hoàng Quốc Thịnh và bà Hoàng Thị Khước.
Quốc hội khóa VII có 496 đại biểu được bầu ngày 26/4/1981, tỉnh Yên Bái có các đại biểu: Nguyễn Ngọc Hồ, Hà Thiết Hùng, Bàn Văn Quan, Lý A Sáng và bà Sầm Thị Sương.
Quốc hội khóa VIII bầu ngày 19/4/1987 có 496 đại biểu, tỉnh Yên Bái gồm 5 đại biểu là ông Đỗ Khắc Cương, Lò Văn Mùi, Đặng Quân Thụy, Bàn Hữu Quyên và bà Lò Thị Bình.
Quốc hội khóa IX bầu ngày 29/7/1992 có 395 đại biểu, tỉnh Yên Bái có 4 đại biểu là ông Lâm Phúc Cố, Hoàng Công Dung, Nguyễn Đình Lộc và bà Triệu Thị Nhậy.
Khóa X, Quốc hội bầu 450 đại biểu vào ngày 20/7/1997, tỉnh Yên Bái có 5 đại biểu là bà Lý Thị Diện, các ông Hoàng Công Dung, Đỗ Văn Tài, Nguyễn Văn Tuyết và ông Trần Đức Việt.
Khóa XI, Quốc hội bầu 447 đại biểu vào ngày 19/5/2002, tỉnh Yên Bái có 6 đại biểu gồm bà Triệu Thị Bình và các ông: Vũ Văn Hiền, Nguyễn Mạnh Đức, Trịnh Huy Quách, Hà Quyết, Nguyễn Văn Tuyết.
Quốc hội khóa XII bầu 493 đại biểu vào ngày 19/5/2007, tỉnh Yên Bái có 6 đại biểu gồm bà Triệu Thị Bình, Sùng Thị Chư và các ông: Giàng A Chu, Phùng Quốc Hiển, Hoàng Thương Lượng, Nguyễn Văn Tuyết.
Quốc hội khóa XIII có 500 đại biểu bầu ngày 22/5/2011, tỉnh Yên Bái có 7 đại biểu là các ông: Dương Văn Thống, Nguyễn Công Bình, Giàng A Chu, Phùng Quốc Hiển, Đỗ Văn Chiến Đặng Thị Kim Liên, Nguyễn Thị Bích Nhiệm.
Ngày 22/5/2016, Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016 - 2021 được cử tri bầu ra với tổng số 596, hiện có 491 đại biểu, trong đó tỉnh Yên Bái có 6 đại biểu gồm các ông: Trần Quốc Vượng, Dương Văn Thống, Đinh Đăng Luận, Giàng A Chu và bà Nguyễn Thị Vân, Triệu Thị Huyền.
Nhìn lại các khóa của Quốc hội thấy rằng, các đại biểu đã hết lòng hết sức vì nhân dân, vì trọng trách mà cử tri và nhân dân giao phó. Ông Trần Đình Khánh - đại biểu Quốc hội khóa I đã vận động nhân dân trong vùng tham gia Đội du kích Âu Cơ, quyên góp ủng hộ lương thực, thực phẩm, tiền vàng, vũ khí cho kháng chiến. Ngôi nhà của ông Trần Đình Khánh trở thành địa điểm tiếp nhận sự quyên góp, ủng hộ của nhân dân cho kháng chiến, là nơi tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng của Đội du kích Âu Cơ và căn cứ địa cách mạng.
Còn ở nghị trường Quốc hội, khi tham luận tại Kỳ họp thứ Nhất, đại biểu Quốc hội khóa III Nguyễn Thành Đô đã đặt vấn đề: "Muốn xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật ở miền núi nhanh và mạnh, chúng tôi nghĩ trước hết dân miền núi phải tận dụng sức lao động của mình, đồng thời cố gắng tích lũy và đầu tư mạnh hơn nữa để đưa tốc độ xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật nhanh mạnh nhằm xây dựng cho ngày mai tốt đẹp hơn, tránh tình trạng bóc ngắn cắn dài, biết ngày nay không lo ngày mai... cần tiến hành có trọng tâm, trọng điểm mà trước mắt là khâu giao thông vận tải, thủy lợi... Trong công tác thủy lợi tôi thấy cần phải đặc biệt chú trọng việc đắp bờ đúng kỹ thuật theo tràn vì ở miền núi, ruộng bậc thang nhiều lại thường có lũ, nếu để nước tự chảy tràn này qua tràn khác sẽ đem hết màu mỡ, làm bị xói mòn và đất chóng bạc màu, năng suất tụt".
Trăn trở với các giải pháp để đời sống kinh tế - xã hội của người dân Yên Bái được nâng lên, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết đã khẳng định ý nghĩa to lớn của Chương trình 135. Thảo luận tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XI, đại biểu đồng tình với thuyết trình của Ủy ban Dân tộc và Hội đồng Dân tộc và nhấn mạnh các nhiệm vụ đề ra chưa thực hiện được đồng bộ.
"Vấn đề quy hoạch, bố trí, sắp xếp dân cư, di dãn dân, hỗ trợ sản xuất nông, lâm ngư nghiệp gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm, đào tạo cán bộ cơ sở xã, thôn bản... là những vấn đề mà chúng ta cần tập trung xử lý trong thời gian tới” - đại biểu Tuyết nêu ý kiến.
Liên quan đến chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010, qua nghe những ý kiến kiến nghị của cử tri và thực hiện giám sát, đại biểu Hoàng Thương Lượng khi phát biểu thảo luận ở Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII đã nêu những tồn tại: "Mô hình cải cách hành chính theo cơ chế "1 cửa”, "1 cửa liên thông” còn kém hiệu quả, năng lực cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn hạn chế, điều kiện giúp cho thực hiện cơ chế này không được quy định rõ ràng, không ít nơi còn biểu hiện hình thức, nhất là ở cấp xã, còn tình trạng ở xã bộ phận "1 cửa” có nơi ngồi làm việc ở "phòng không có cửa”; biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực về thủ tục hành chính "đầu tiên” ít được phát hiện, chậm được xử lý...”.
Tất cả những nội dung, những vấn đề mà đại biểu tỉnh Yên Bái bàn thảo tại nghị trường kỳ họp các khóa, nắm bắt qua các cuộc giám sát, hay lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cử tri và nhân dân đều là chuyện "quốc kế dân sinh” hết sức gần gũi với đời sống của mỗi người dân Yên Bái.
Phải chăng, đó là sự kỳ vọng của cử tri và nhân dân, là cái tâm của mỗi đại biểu Quốc hội, như những điều mà đoàn đại biểu Quốc hội khóa XI tỉnh Yên Bái đã từng thực hiện. "Tận tụy từng công việc, sâu sát từng cơ sở, lắng nghe từng ý kiến cử tri; kiên trì xây dựng bền chặt hơn chiếc cầu nối giữa Nhà nước với nhân dân, giữa Quốc hội với cử tri trong tỉnh” - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XI Hà Quyết đã tâm sự như vậy.
Đồng chí Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV, tỉnh Yên Bái tặng bức chân dung Hồ Chủ tịch cho Đảng bộ, nhân dân xã Bạch Hà, huyện Yên Bình.
Vinh dự, tự hào, các đại biểu khóa sau đã phát huy những gì đại biểu khóa trước làm được, không ngừng học tập, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, năng lực công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân.
Gần đây nhất, nhiệm kỳ 2011 - 2016, đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Yên Bái đã đóng góp gần 50 lượt ý kiến thảo luận tại hội trường, 250 ý kiến thảo luận tại tổ và tại các buổi họp đoàn; cùng các đại biểu Quốc hội góp ý, xem xét và thông qua Hiến pháp 2013 và trên 100 dự án luật, bộ luật và hàng chục nghị quyết.
Bước vào năm thứ hai của nhiệm kỳ 2016 - 2021, thông qua các cuộc giám sát, đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái đã tổng hợp được 25 ý kiến, kiến nghị gửi tới Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành; 10 ý kiến, kiến nghị tới UBND tỉnh và một số các sở ngành có liên quan để kịp thời điều chỉnh, khắc phục những hạn chế tồn tại.
Thông qua cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau 2 kỳ họp trong năm 2017, đoàn đã tổng hợp 75 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi các cấp các ngành liên quan xem xét, giải quyết. Ngay trong kỳ họp thứ IV, các đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã tích cực tham gia các phiên họp tại tổ, tại hội trường với nhiều ý kiến đóng góp vào thành công của kỳ họp.
Nhớ lời đại biểu Dương Văn Thống trong cuộc vận động bầu cử Quốc hội khóa XIV: "Quan trọng hơn là phải làm sao mà từ thực tiễn của Yên Bái, từ những kiến nghị chính đáng của cử tri; từ những đề án, chính sách trong quá trình triển khai Nghị quyết XVIII Đảng bộ tỉnh tổng kết lại mà chúng ta góp phần vào kiến nghị, đề xuất với Quốc hội xây dựng các chính sách chung trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị nói chung. Làm sao để tham gia tích cực các hoạt động của Quốc hội nói chung, trong đó có hoạt động giám sát để thực hiện tốt các chính sách của trung ương và địa phương trên địa bàn, góp phần thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước vào tỉnh đầu tư, đồng thời phát huy được nội lực của tỉnh Yên Bái, xây dựng tỉnh Yên Bái trở thành tỉnh phát triển của khu vực trung du và miền núi phía Bắc”.
Đó là lời hứa, cũng là tâm nguyện chung của những đại biểu nhân dân tỉnh Yên Bái sau mười bốn khóa Quốc hội trước những thách thức, trăn trở và hành động hôm nay.
Quang Tuấn