Năm 2017 vừa qua, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí gắn với xây dựng chỉnh đốn Đảng đã được cấp ủy các cấp trong toàn tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN đã được các cấp, các ngành, các địa phương đẩy mạnh thực hiện, từng bước đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm về nội dung và đối tượng tuyên truyền, góp phần tích cực vào công tác đấu tranh PCTN.
Tính đến hết năm 2017, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã tổ chức 165 buổi tuyên truyền lồng ghép pháp luật về PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho 13.522 lượt người. Qua đó, góp phần nâng cao kiến thức về công tác nội chính và PCTN cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị trong tỉnh tiếp tục triển khai đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Đồng thời, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các quan điểm, mục tiêu và giải pháp về công tác PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Kết luận Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Kết luận số 10 của Bộ Chính trị khóa XII và các chương trình hành động, kế hoạch của Tỉnh ủy về PCTN, lãng phí. Nhằm thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, năm qua, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh đã cơ bản thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch trong tất cả các lĩnh vực hoạt động.
Đặc biệt, chú trọng vào các lĩnh vực: mua sắm tài sản, quản lý dự án, đầu tư xây dựng cơ bản, thu chi ngân sách, phân bổ dự toán, phân cấp nguồn thu và công khai các chế độ, định mức, tiêu chuẩn.
Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được các cơ quan, đơn vị triển khai nghiêm túc, hiệu quả. Tính đến nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị đã rà soát, xây dựng các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn, quy chế chi tiêu nội bộ, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng kinh phí, tài sản của Nhà nước và từng bước ngăn chặn tham nhũng, lãng phí trong các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Năm 2017 vừa qua, với việc chuyển đổi vị trí công tác của 626 người ở các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh chẳng những đã giúp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phát huy tốt khả năng sáng tạo trong các lĩnh vực công tác chuyên môn mà còn góp phần phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong quá trình thực thi công vụ.
Thực hiện Chương trình hành động số 18 của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 50 của Bộ Chính trị khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, đến nay 100% các đơn vị đã quyết định thành lập bộ phận giúp việc cấp ủy cấp huyện về công tác nội chính và PCTN, bước đầu hoạt động có hiệu quả.
Năm 2017, qua công tác thanh tra, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, toàn tỉnh đã tiến hành 98 cuộc thanh tra hành chính tại 129 đơn vị, đã kết thúc 90 cuộc, ban hành kết luận 89 cuộc, phát hiện sai phạm tại 55 đơn vị với số tiền 6.372 triệu đồng và gần 26.000m2 đất.
Qua đó, kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với 4 tập thể và 14 cá nhân. Thông qua 95 cuộc thanh tra chuyên ngành đối với 399 tổ chức và 1.037 cá nhân, toàn tỉnh cũng đã ban hành 194 quyết định xử phạt hành chính đối với 46 tổ chức và 148 cá nhân với tổng số tiền 2.252,4 triệu đồng.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác đấu tranh PCTN và nâng cao hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Đó là, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN đã thực hiện được nhiều song hiệu quả chưa cao.
Việc phát hiện các hành vi tham nhũng thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và thông qua giải quyết đơn thư tố cáo còn hạn chế, chưa đáp ứng các yêu cầu của Đảng và sự kỳ vọng của nhân dân. Nguyên nhân của những hạn chế này do công tác PCTN là lĩnh vực khó và phức tạp. Một số cấp ủy cơ sở chưa quan tâm đầy đủ và phát huy đúng mức vai trò tham mưu của các cơ quan khối nội chính trong công tác tham mưu, giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác nội chính và PCTN.
Đại biểu lãnh đạo Sở Tài chính phát biểu thảo luận về các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN của tỉnh.
Ngoài ra, do trình độ, năng lực của một số cán bộ, công chức làm công tác chuyên môn chưa đáp ứng được các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Để thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí và đấu tranh PCTN trong năm 2018, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương cần nâng cao chất lượng học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các văn bản pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực nội chính và PCTN.
Gắn công tác nội chính và PCTN với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị. Các lực lượng chức năng cần chủ động nắm chắc tình hình an ninh chính trị tại cơ sở, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo giải quyết có hiệu quả các vụ, việc, không để phát sinh các vấn đề phức tạp. Tăng cường bảo đảm an ninh chính trị, an ninh nội bộ, an ninh kinh tế, văn hóa - tư tưởng, an ninh mạng và an ninh nông thôn, vùng tôn giáo. Tích cực đẩy mạnh Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"; tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, vi phạm và tệ nạn xã hội.
Trước mắt là triển khai thực hiện có hiệu quả đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự trước, trong và sau tết Nguyên đán Mậu Tuất và các lễ hội đầu năm 2018, bảo đảm cho nhân dân đón xuân, vui tết lành mạnh, an toàn và tiết kiệm. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, bảo đảm công khai, minh bạch trong các lĩnh vực, nhất là công tác cán bộ, tài chính, quản lý đất đai, khoáng sản, dự án...
Thực hiện có hiệu quả quy định về chuyển đổi vị trí công tác, về chế độ liêm chính của cán bộ, công chức, viên chức, về kiểm soát xung đột lợi ích đối với những người được giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn. Chỉ đạo thực hiện kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập theo quy định.
Đẩy mạnh việc phát hiện các hành vi tham nhũng, lãng phí và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, chú trọng việc phát hiện hành vi tham nhũng thông qua công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm toán Nhà nước. Thực hiện nghiêm các quy định về thi hành án, bảo đảm các bản án của Tòa án được thực hiện công minh, thu hồi triệt để các tài sản do phạm tội tham nhũng mà có.
Thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có yêu cầu. Đôn đốc các cấp ủy, tổ chức Đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Đẩy mạnh việc thanh tra các vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế gây thất thoát tài sản của Nhà nước. Thực hiện rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước theo kế hoạch.
Qua đó, phát hiện, chuyển cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý theo quy định các vụ, việc phát hiện có sai phạm. Cuối cùng là thực hiện rà soát các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên các lĩnh vực: thuế, kiểm lâm, quản lý thị trường... để phát hiện và xử lý kịp thời, góp phần tích cực vào công tác đấu tranh PCTN, lãng phí.
Thanh Hương