Kết luận của Ban Bí thư thể hiện tính nhất quán quan điểm của Đảng, Nhà nước ta trong thực hiện quyền con người, xác định con người là trung tâm của sự phát triển; đồng thời là bước cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về lĩnh vực xây dựng, phát triển con người và quyền con người. Kết luận của Ban Bí thư còn thể hiện sự kiên định và phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Theo các nhà nghiên cứu, các nhà lý luận: Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng về quyền con người có nội dung rất phong phú, rất cụ thể và sâu sắc. Có thể khẳng định, ở nước ta Hồ Chí Minh là người đầu tiên đề cập tới khái niệm nhân quyền và là người đặt nền móng lý luận và thực tiễn bằng việc khẳng định quyền con người gắn liền với quyền dân tộc, với độc lập chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ.
Người đã chỉ ra rằng, quyền con người chỉ có thể có được thông qua con đường đấu tranh cách mạng chống áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc và đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chỉ có như vậy thì các quyền cá nhân và quyền dân tộc mới được bảo đảm bền vững.
Kế thừa và phát triển sáng tạo quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người, Đảng, Nhà nước ta luôn thể hiện quan điểm, chủ trương nhất quán, xuyên suốt là tôn trọng, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, gắn với quyền dân tộc, quyền độc lập chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.
Trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định: Nhân dân là chủ thể của quyền lực; bảo đảm quyền con người là mục tiêu, động lực của sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: "Con người là trung tâm của chiến lược phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”.
Cụ thể hóa quan điểm trên của Đảng, Điều 2, Hiến pháp năm 2013 quy định "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Từ những quan điểm nêu trên khẳng định: Nhân dân là chủ nhân của đất nước, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Như vậy, nhân dân là chủ thể của quyền và việc bảo đảm quyền con người là mục tiêu, động lực của sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nhìn lại tiến trình lịch sử đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, chúng ta đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng và toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; trong đó không thể phủ nhận những kết quả trong xây dựng con người, bảo vệ và phát huy giá trị con người, quyền con người trong đời sống xã hội.
Kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đặc biệt là Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013 đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc bảo vệ, thực thi quyền con người và ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm phạm quyền con người.
Kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng với những thành tựu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế đã tạo các điều kiện vật chất và nguồn lực để bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của nhân dân. Ðời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt và ngày càng được nâng cao; tỷ lệ nghèo giảm mạnh cùng với việc thúc đẩy bình đẳng xã hội, việc thụ hưởng các quyền con người của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực được nâng lên rõ rệt.
Theo Báo cáo đánh giá nghèo Việt Nam năm 2012 của Ngân hàng Thế giới (WB), hơn 30 triệu người Việt Nam đã thoát khỏi đói nghèo trong hai thập kỷ qua. Nghèo đói ở Việt Nam đã giảm nhanh chóng từ 60% hồi đầu những năm 1990 xuống còn 20,7% và năm 2014 tỷ lệ này còn 8,4%; tỷ lệ nhập học tiểu học và trung học cơ sở là hơn 90% và 70%.
Theo đánh giá của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Việt Nam là một trong những nước đạt được thành tích nổi bật trong việc giảm số người bị đói từ 46,9% (32,16 triệu người) giai đoạn 1990-1992 xuống còn 9% (8,01 triệu người) giai đoạn 2010-2012 và đã đạt được Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ 1 (MDG1).
Thực hiện chủ trương giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát toàn bộ hệ thống chính sách giảm nghèo hiện hành, trong đó tập trung vào 6 nhóm chính sách chủ yếu: Tín dụng ưu đãi; giáo dục-đào tạo; y tế; nhà ở; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; hỗ trợ sinh kế; trợ giúp pháp lý.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Trung ương còn thực hiện sửa đổi, bổ sung các chính sách và dự kiến ban hành các chính sách mới đồng thời tích hợp các chính sách giảm nghèo, như: Hỗ trợ học sinh bán trú nghèo dân tộc thiểu số, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hỗ trợ tiền điện, đào tạo nghề, hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế… Việc thực hiện các chính sách giảm nghèo chung và chính sách giảm nghèo đặc thù tiếp tục được triển khai.
Hằng năm, Nhà nước dành hàng chục nghìn tỷ đồng để mua, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng, trong đó tập trung ưu tiên người nghèo và cận nghèo được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế; hàng triệu lượt học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số được miễn giảm học phí, hỗ trợ học bán trú, hỗ trợ chi phí học tập.
Thông qua các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội, xã hội nghề nghiệp đã có hàng trăm nghìn lượt hội viên, người nghèo, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo… được vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất, học nghề, xuất khẩu lao động...
Nhiều tổ chức như: Đoàn thanh niên, phụ nữ, công đoàn, hội nông dân, hội cựu chiến binh… có những hình thức huy động vốn cho vay không tính lãi, đào tạo nghề miễn phí, đào tạo nghề gắn với phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất… tạo cơ hội thuận lợi để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững; nhiều hình thức hỗ trợ học sinh nghèo học tập miễn phí, như: Tổ chức các lớp học tình thương, dạy kèm các em nhỏ, tặng sách, tặng đồ dùng học tập, đưa đón học sinh… Các chính sách giảm nghèo đối với các xã trên địa bàn huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ tiếp tục được thực hiện hiệu quả, tạo nền tảng và sự phát triển bền vững.
Những thành tựu đó được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đặc biệt là trong lĩnh vực giảm nghèo bền vững, bảo đảm quyền cho các nhóm dễ bị tổn thương... Kết quả công tác nhân quyền thời gian qua góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đất nước và hội nhập quốc tế...
Tuy đã đạt được những thành tựu nổi bật, nhưng với tinh thần nhìn thẳng vào thực tế vẫn còn rất nhiều việc cần làm, nhiều vấn đề cần tập trung sức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thời gian tới nhằm phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện hiệu quả việc bảo vệ và phát triển quyền con người, xây dựng xã hội phát triển lành mạnh, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Theo đó, Ban Bí thư yêu cầu thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể nhân dân tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 44, tập trung thực hiện tốt các nội dung sau: Tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người theo Hiến pháp năm 2013, đưa các quy định về quyền con người vào cuộc sống một cách hiệu quả, thiết thực, phù hợp điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia.
Chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa cải cách tư pháp, cải cách hành chính; mở rộng, tăng cường dân chủ ở cơ sở. Phát huy mạnh mẽ những thành tựu của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, bảo đảm ngày càng tốt hơn và thúc đẩy quyền con người trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về giảm nghèo bền vững, bảo đảm quyền của những nhóm dễ bị tổn thương.
Để thực hiện hiệu quả những mục tiêu nêu trên, Ban Bí thư chỉ rõ: Ðổi mới tư duy, chủ động đẩy mạnh, mở rộng phạm vi, đa dạng hóa hình thức, nội dung, tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, nhất là thông tin, tuyên truyền đối ngoại về những thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam; chủ động, kịp thời đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch về tình hình nhân quyền ở nước ta.
Ðẩy mạnh hơn nữa hợp tác quốc tế về quyền con người nhằm thúc đẩy việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo đảm quyền con người gắn với nâng cao hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế. Ðẩy mạnh đối thoại để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, từng bước thu hẹp bất đồng, khác biệt giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế trên vấn đề dân chủ, nhân quyền; đồng thời kiên quyết bảo vệ quan điểm, lập trường, lợi ích quốc gia-dân tộc của Việt Nam, đấu tranh ngăn chặn hiệu quả các hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam…
Nắm vững nội dung Kết luận của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 20-7-2010 của Ban Bí thư khóa X về công tác nhân quyền trong tình hình mới là nhiệm vụ vừa mang tính cơ bản lâu dài, vừa mang tính cấp thiết của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực dự kiến còn có những diễn biến khó lường, nhất là những tác động tiêu cực của chủ nghĩa bảo hộ, cực đoan; tình hình thiên tai, dịch bệnh; xung đột sắc tộc, tôn giáo; tranh chấp lãnh thổ...
Thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 44 của Ban Bí thư khóa X còn tạo ra những điều kiện thuận lợi để phát triển bền vững đất nước, tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời đập tan những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền, dân tộc để chống phá Đảng, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
(Theo QĐND)