Từ lúc được tin nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải qua đời tại quê nhà (huyện Củ Chi, TPHCM ), nhiều người dân huyện Củ Chi nói riêng, người dân TPHCM nói chung đã tìm đến nhà ông để bày tỏ lòng tiếc thương sâu sắc.
Mọi người ngồi với nhau ôn lại những kỷ niệm về ông, một người con ưu tú được yêu mến của quê hương đất thép Củ Chi. Trong số họ, có những người quen biết ông không nhiều, có khi chỉ một vài lần, nhưng ấn tượng về ông không kém phần sâu đậm.
Sáng 17/3, khi biết tin nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải qua đời, nhiều lãnh đạo thành phố, người thân, người dân địa phương đến tư gia viếng.
Trong khi chuẩn bị lễ tang, linh cữu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được quàn tại tư gia, ở khu vực lưu trữ các tư liệu liên quan đến cuộc đời ông. Những người bạn thuở thiếu thời của nguyên Thủ tướng đều đã ở tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe có hạn nhưng vẫn đến và ngồi bên ông rất lâu.
Ông Lương Văn Ron, 86 tuổi, một người bạn học của nguyên thủ tướng ở cách 5km nhưng tuần nào hai ông cũng gặp nhau hàn huyên tâm sự chuyện nước, chuyện nhà, chuyện quê hương.
Giờ nguyên Thủ tướng đi xa, ông Ron rất buồn bã vì sự mất mát lớn: "Ông Khải là người rất tốt. Ông ấy cùng tuổi với tôi. Chúng tôi thường gặp nhau lắm, tuần lễ nào cũng lên. Bạn bè thân cũng hay giúp đỡ nhau. Ông ấy hiền hòa, thân mật".
Ông Phan Văn Phùng ở ngay cạnh nhà nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi kể: "Ông ấy sống hòa đồng lắm. Người dân ai cũng mến thương ông. Ông Sáu rất mê cây cối, mỗi sáng ông lên đình đốt nhang. Khi ông mất đi bà con rất thương, rất tiếc".
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải lúc sinh thời thường được anh em, bạn bè đồng chí gọi với cái tên thân mật là "anh Sáu, chú Sáu”, nhưng với người thân và những người đồng hương thân thiết, hàng xóm láng giềng thì ông là "anh Hai, chú Hai”. Bởi trong gia đình Nam bộ với nhiều anh chị em này, ông là anh Hai, một người anh mẫu mực, kính hiếu với cha mẹ, thương yêu anh chị em và chan hòa với láng giềng.
Bà Huỳnh Thị Dự, em gái thứ 7 của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (trong chiến tranh, Mẹ của bà phải lấy họ Huỳnh đặt cho bà để che mắt địch) bồi hồi nhớ lại: Bà sinh năm 1948 nhưng đến năm 1975 đất nước giải phóng, thống nhất thì bà mới lần đầu tiên được gặp anh Hai mình - anh Phan Văn Khải. Hôm anh Hai về, cả nhà mừng vô cùng, làm cơm, làm gà, bà con hàng xóm đến thăm rất đông. Suốt những năm sau này, ông luôn gắn bó, gần gũi, thương yêu anh em, gia đình, làng xóm.
Bà Dự nói: "Anh Khải là một người anh gương mẫu, một người con hiếu thảo. Anh quý mẹ, kính mẹ và thương em, cháu. Anh Hai có lòng, có tâm, bà con chung quanh được anh giúp đỡ nhiều và rất chu đáo. Anh mất đi tôi rất tiếc thương".
Cả tuổi trẻ của mình ông Phan Văn Khải đi chiến đấu xa nhà, hòa bình lập lại thì ông lo việc thành phố, rồi việc nước. Cho nên, đến khi về hưu, ông đặc biệt chăm lo cho những việc ở quê nhà, trong ấp, trong xã mình. Ông quan tâm từ đường làng ngõ xóm đến nuôi dạy con em trong xã.
Bà Nguyễn Thị Bước, nguyên là hiệu trưởng trường Mẫu giáo Bông Sen 2 (nay là trường Mẫu giáo Tân Thông Hội 2), đơn vị Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới kể rằng: Bà và những người trong trường mẫu giáo sống ở đây đã được bác Khải giúp đỡ rất nhiều. Trường mẫu giáo Bông Sen 2 là trường đầu tiên ở Củ Chi được bác Khải giúp đỡ xây dựng mô hình bán trú. Rồi ông động viên, khuyến khích các thầy cô giáo nỗ lực làm việc hết mình.
Ông thường nói: Trong chiến tranh, Củ Chi là nơi đầu sóng ngọn gió, nhân dân đã đồng lòng đánh đuổi giặc, giờ chúng ta phải làm sao để xứng đáng với điều đó. Chúng ta phải nỗ lực giữ gìn và xây dựng đất nước, quê hương này, phải chăm lo cho con em trưởng thành, tiếp bước cha ông.
Bà Bước không khỏi xúc động khi nhắc về ông: "Tình cảm thân thương đó không bao giờ phai nhạt trong chúng tôi. Ông ra đi là một tổn thất lớn. không chỉ ngành giáo dục huyện Củ Chi mà cả xã Tân Thông Hội, tất cả con em Củ Chi mến thương ông rất nhiều. Chúng tôi nguyện luôn làm tốt những gì mà anh Hai đã nhắc nhở".
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đi xa nhưng trong tâm khảm những người dân xã Tân Thông Hội, người dân huyện Củ Chi, người dân TPHCM mãi không thể quên hình ảnh, tấm lòng và trí tuệ của một người con "Đất thép thành đồng”./.
(Theo VOV.VN)