Việt Nam chủ động tham gia hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương
- Cập nhật: Thứ sáu, 23/3/2018 | 9:43:53 AM
Nhận lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới Gabriela Cuevas Barron, đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam, do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu, sẽ tham dự Đại hội đồng lần thứ 138 Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU-138) và các hội nghị liên quan từ ngày 24-25/3/2018 tại Geneva, Thụy Sĩ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 137.
|
IPU thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa các Nghị viện
Được thành lập năm 1889 tại Paris (Pháp), Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) là tổ chức quốc tế tập hợp Nghị viện các quốc gia có chủ quyền. Với 178 thành viên, 10 thành viên liên kết và đang tiếp tục mở rộng, IPU là trung tâm hoạt động ngoại giao Nghị viện khắp thế giới vì hòa bình, hợp tác giữa các dân tộc. Hoạt động trên cơ sở Điều lệ chung, IPU Quy định hoạt động của Hội đồng điều hành, Ban Chấp hành, Đại hội đồng, các Ủy ban thường trực và quy định về tài chính.
Mục tiêu chính của IPU gồm thúc đẩy giao lưu, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa các Nghị viện và nghị sỹ các nước; tham vấn, thể hiện quan điểm về các vấn đề liên quan tới lợi ích quốc tế nhằm đề xuất hành động cho các nghị viện và nghị sỹ.
IPU tích cực đóng góp vào việc bảo vệ, thúc đẩy nhân quyền trên toàn thế giới, yếu tố thiết yếu cho nền dân chủ nghị viện và sự phát triển, nâng cao nhận thức, tăng cường hiệu quả hoạt động của các thể chế đại nghị.
IPU hợp tác chặt chẽ với các cơ chế của Liên hợp quốc, liên minh nghị viện khu vực, tổ chức quốc tế, tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ, điển hình là hoạt động điều trần thường niên về các vấn đề của Liên hợp quốc thu hút sự tham dự của hầu hết các nghị viện thành viên.
IPU tập trung vào 6 lĩnh vực hoạt động chính gồm: tăng cường nền dân chủ đại diện; thúc đẩy hòa bình và an ninh toàn cầu; đẩy mạnh phát triển bền vững; thúc đẩy pháp luật về nhân đạo và bảo vệ nhân quyền; nâng cao vai trò phụ nữ trong chính trị; tăng cường đối thoại, giao lưu về giáo dục, khoa học và văn hóa.
Việt Nam thành viên tích cực, trách nhiệm tại IPU
Quốc hội Việt Nam chính thức trở thành thành viên của IPU vào tháng 4/1979. Từ đó tới nay, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm tại diễn đàn này, được bạn bè quốc tế, khu vực đánh giá cao.
Thông qua diễn đàn IPU, quan hệ song phương của Quốc hội Việt Nam với Nghị viện các nước được thiết lập, tăng cường. Quốc hội Việt Nam đã đảm nhiệm vị trí Chủ tịch nhóm địa chính trị châu Á-Thái Bình Dương và nhóm ASEAN+3.
Tại Kỳ họp Đại hội đồng IPU tháng 10/2007 (tại Geneva, Thụy Sĩ), lần đầu tiên đại diện của Quốc hội Việt Nam được Đại hội đồng tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành - cơ quan lãnh đạo cao nhất của IPU.
Năm 2009, đại diện của Quốc hội Việt Nam giữ vị trí Phó Chủ tịch IPU. Trên cương vị này, Quốc hội Việt Nam đã có điều kiện đóng góp trực tiếp, thiết thực hơn vào hoạt động của IPU, qua đó giới thiệu về Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước.
Đặc biệt, Quốc hội Việt Nam đã đảm nhiệm cương vị Chủ tịch và tổ chức thành công Đại hội đồng IPU-132 tháng 4/2015 với việc thông qua Tuyên bố Hà Nội là một đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Tháng 10/2016, tại Đại hội đồng IPU 135 tại Thụy Sĩ, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đã được Hội đồng Điều hành bầu làm thành viên Ban Chấp hành IPU đại diện cho Nhóm châu Á-Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2016-2019.
Quốc hội cũng đã tổ chức thành công Hội nghị chuyên đề khu vực châu Á-Thái Bình Dương về ứng phó với biến đổi khí hậu, hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh tháng 5/2017.
Việc tham dự các hoạt động của IPU là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Quốc hội nhằm thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích sát sườn của Việt Nam, tham khảo quan điểm quốc tế, thể hiện quan điểm quốc gia về các mối quan tâm chung trên toàn cầu, tiến hành các hoạt động song phương bên lề với các đối tác mà Việt Nam ít có điều kiện triển khai hoạt động song phương chính thức. Đây cũng là dịp để Việt Nam thông tin, quảng bá về đất nước tới đông đảo cộng đồng quốc tế, tăng cường hiện diện góp phần nâng cao vị thế của Quốc hội nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.
Các tin khác
Quyền tự do ngôn luận, báo chí và quyền tiếp cận thông tin là một quyền cơ bản, quan trọng của cá nhân được quy định trong nhiều công ước quốc tế về QCN. Ở Việt Nam, QCN được quy định trong các hiến pháp, đặc biệt là Hiến pháp năm 2013.
Sáng 22-3, Lễ truy điệu đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được cử hành trọng thể tại Hội trường Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh và tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong (Hà Nội). Đúng 11 giờ, Lễ an táng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được tổ chức tại quê nhà số 56, đường số 51, ấp Chánh, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh theo nghi thức cổ truyền của dân tộc.
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Mun Che In (Moon Jae-In) và Phu nhân tiến hành chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 22 - 24/3/2018.
Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải là một nhà lãnh đạo có tâm, có tầm, có tư tưởng đổi mới sâu sắc, toàn diện...