Kỷ niệm 42 năm Ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất (25/4/1976 – 25/4/2018)

Tự hào nhìn lại, phát huy trọng trách trước nhân dân

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/4/2018 | 8:40:44 AM

YênBái - YBĐT - 42 năm trước, đúng vào ngày 25/4/1976, trên 23 triệu cử tri của nước Việt Nam thống nhất đã nô nức làm nghĩa vụ công dân của mình, bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất, đánh dấu bước thắng lợi quyết định của nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước.

Đồng chí Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái gặp gỡ trao đổi với cử tri xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải.
Đồng chí Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái gặp gỡ trao đổi với cử tri xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải.


Trong tác phẩm "Mấy vấn đề về Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Trường Chinh viết: Cuộc bầu cử tiến hành nhanh, gọn, tốt. Ở miền Bắc đến 11 giờ, ở miền Nam đến 12-13 giờ, về cơ bản việc bỏ phiếu đã làm xong. Tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao. Tỷ lệ người đi bầu trong cả nước là 98,77%; miền Bắc là 99,36%, miền Nam là 98,59%. Có nhiều huyện, thị xã, ấp, đơn vị vũ trang và khu vực bỏ phiếu đạt 100% cử tri đi bỏ phiếu.
 
Ở miền Bắc, tỉnh đạt tỷ lệ cao nhất là 99,93%; tỉnh đạt tỷ lệ thấp nhất là 98,44%. Ở miền Nam, tỉnh đạt tỷ lệ cao nhất là 98,99%; tỉnh đạt tỷ lệ thấp nhất là 96,13%. Kết quả, cả nước đã bầu đủ 492 đại biểu ngay ở vòng đầu, không nơi nào phải bầu lại hoặc bầu thêm.
 
Trong số 492 đại biểu đó, 16,26% là công nhân, 20,33% là nông dân, 1,22% là thợ thủ công, 28,66% là cán bộ chính trị, 10,97% là quân nhân cách mạng, 18,50% là trí thức, 4,06% là nhân sĩ dân chủ và tôn giáo. Quốc hội mới có 26,21% là phụ nữ, 14,28% là người các dân tộc thiểu số. Với thành phần như vậy, Quốc hội ta thật sự là hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân dựa trên cơ sở liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo.

Kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội khóa I (6/1/1946), sau 30 năm, cuộc Tổng tuyển cử chung lại được tổ chức trên phạm vi cả nước. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất có ý nghĩa rất quan trọng, là một trong những mốc son trong lịch sử cách mạng nước nhà.
 
Theo Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, kết quả của cuộc Tổng tuyển cử là thắng lợi có ý nghĩa quyết định trên con đường tiến tới hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước. Nếu cuộc tổng tuyển cử đầu tiên để bầu ra Quốc hội khóa I năm 1946 đã chính thức hóa về mặt pháp lý Nhà nước và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì cuộc Tổng tuyển cử năm 1976 lại mang ý nghĩa chính thức hóa việc thống nhất nước nhà. Kết quả của cuộc bầu cử còn là thắng lợi của đường lối cách mạng sáng tạo của Đảng dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh mang tầm vóc một học thuyết cách mạng giải phóng và phát triển với ý chí không lay chuyển nổi về độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Đây còn là bằng chứng về sức mạnh đoàn kết của nhân dân ta, quyết tâm đánh và đánh thắng mọi thế lực phá hoại nền độc lập, tự do mà ông cha ta đã nhiều năm vun đắp.
 
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử không những đem lại niềm tự hào cho nhân dân cả nước, cho kiều bào ta ở nước ngoài, mà còn là tiếng vang lớn trên trường quốc tế. Thắng lợi này có ý nghĩa chính trị to lớn tiếp theo chiến thắng vĩ đại về quân sự vào mùa Xuân năm 1975, mở ra cơ hội cho quá trình hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế của Quốc hội Việt Nam, trong vị thế của một Nhà nước độc lập, thống nhất.

Tháng 1/1976, là thời điểm tỉnh Hoàng Liên Sơn được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ, Lao Cai. Trong số 492 đại biểu Quốc hội khóa VI, tỉnh Hoàng Liên Sơn có 4 đại biểu gồm các ông Nguyễn Ngọc Hồ, Bàn Văn Quan, Hoàng Quốc Thịnh và bà Hoàng Thị Khước. Kế thừa và phát huy truyền thống của các thế hệ đại biểu Quốc hội tiền nhiệm, 4 đại biểu của tỉnh Hoàng Liên Sơn được bầu trong cuộc Tổng tuyển cử bầu đại biểu Quốc hội chung cả nước đã thể hiện tinh thần trách nhiệm với cử tri và nhân dân.
 
Các đại biểu đã cùng Quốc hội khóa VI đã quyết định những vấn đề quan trọng trong thời kỳ phát triển đất nước; quyết định về đường lối, chính sách của Nhà nước Việt Nam thống nhất; cơ cấu lãnh đạo của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước khi chưa có hiến pháp mới, tiến hành bầu các chức danh lãnh đạo cao nhất của Chính phủ và Nhà nước, hình thành các cơ quan trong bộ máy Nhà nước để điều hành công việc chung của đất nước.
 
Ngay trong Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa VI đã thông qua Nghị quyết về đổi tên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thành nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thủ đô của nước Việt Nam thống nhất là Hà Nội...
 
Quốc hội khóa VI đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng hệ thống chính quyền ở miền Nam, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, bảo vệ chính quyền trong điều kiện hòa bình, xây dựng CNXH trên phạm vi cả nước. Trong nhiệm kỳ 1976 - 1981, Quốc hội khóa VI đã thông qua Hiến pháp 1980, thông qua 6 luật và pháp lệnh, phê chuẩn mười hai Hiệp định, Hiệp ước và Công ước quốc tế.

Cùng trong giai đoạn này, tỉnh Hoàng Liên Sơn với 204 km biên giới giáp với Trung Quốc đã phát động phong trào thi đua "Quyết chiến, quyết thắng” trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, kiên quyết ngăn chặn âm mưu gây rối, phá hoại, loại trừ bạo loạn và chủ động đánh thắng kẻ địch ngay từ biên cương Tổ quốc. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã có những cố gắng rất lớn để vừa sản xuất, phát triển kinh tế, tiếp nhận lao động từ miền xuôi lên xây dựng các vùng kinh tế, mở rộng các nông, lâm trường, trạm trại vùng biên giới, xây dựng lực lượng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ phòng tuyến biên giới.
 
 

Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XII giám sát việc thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2 tại xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên.
 
Xác định nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện của một tỉnh còn nghèo nàn về cơ sở vật chất kỹ thuật, đời sống của đồng bào vùng cao còn khó khăn, một số chính sách chưa được nghiên cứu đồng bộ, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa VI, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoàng Liên Sơn đã đề nghị Chính phủ và các bộ ngành Trung ương một số nội dung quan trọng.
 
Cụ thể là đề nghị có chính sách để nhanh chóng hình thành các vùng thực phẩm, đáp ứng yêu cầu thực phẩm tại chỗ, giải quyết  tình trạng thiếu thực phẩm phục vụ đời sống bộ đội, công nhân. Rồi việc đề Nghị Trung ương quan tâm giúp địa phương xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của các HTX, vùng kinh tế mới, vùng thâm canh lương thực; tạo điều kiện để sớm hoàn thành các công trình giao thông kinh tế kết hợp với quốc phòng, cung cấp thêm phương tiện vận chuyển.
 
Với vùng cao, đoàn đại biểu Quốc hội khóa VI đã nêu tại nghị trường Quốc hội về vấn đề đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số; đào tạo nhiều hơn đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật là những người tại chỗ ở miền núi và vùng cao...
 
Những đóng góp của các đại biểu Quốc hội khóa VI tỉnh Hoàng Liên Sơn đã giúp Chính phủ và các bộ ngành Trung ương kịp thời đưa ra những quyết sách, tạo động lực cho cả nước, trong đó có tỉnh Hoàng Liên Sơn hoàn thành tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc, góp phần cùng cả nước trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
 
Tính từ ngày tiến hành cuộc Tổng tuyển cử bầu đại biểu Quốc hội chung cả nước đến nay đã có thêm 8 nhiệm kỳ Quốc hội được cử tri cả nước tin tưởng gửi gắm niềm tin vào các đại biểu. Không phụ lòng mong mỏi của cử tri và nhân dân, các đại biểu Quốc hội, trong đó có các đại biểu của tỉnh Hoàng Liên Sơn, sau này là Yên Bái đã hết lòng hết sức vì nhân dân, vì trọng trách mà cử tri và nhân dân giao phó.

Ngày 22/5/2016, cử tri tỉnh Yên Bái đã nô nức đến 1.284 khu vực bỏ phiếu trên địa bàn tỉnh Yên Bái để bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Cuộc bầu cử đã kết thúc an toàn, đúng luật định, tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 99,99%, tỉnh Yên Bái có các ông: Trần Quốc Vượng, Dương Văn Thống, Đinh Đăng Luận, Giàng A Chu; các bà: Nguyễn Thị Vân, Triệu Thị Huyền trở thành đại biểu Quốc hội khóa XIV.
 
Phát huy truyền thống, ý thức trách nhiệm lớn lao, 6 đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã tích cực nâng cao trình độ, sâu sắc trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, gần gũi gắn bó với nhân dân để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của người đại biểu.
 
Các đại biểu cũng đang tham gia tích cực các hoạt động của Quốc hội nói chung trong đó có hoạt động giám sát để thực hiện tốt các chính sách của Trung ương và địa phương trên địa bàn, góp phần thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước vào tỉnh đầu tư, đồng thời phát huy được nội lực của tỉnh Yên Bái, xây dựng tỉnh Yên Bái trở thành tỉnh phát triển của khu vực trung du và miền núi phía Bắc theo Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh Yên Bái đề ra.

Quang Tuấn

Các tin khác
Ông Đinh La Thăng đã bị tuyên phạt lần lượt 13 và 18 năm tù trong 2 vụ án về tội Cố ý làm trái.

Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật ở mức cao nhất đối với ông Đinh La Thăng.

YBĐT - Chiều 24/4, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Yên Bái tổ chức gặp mặt các cơ quan truyền thông trước thềm Đại hội Công đoàn tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2018 – 2023.

Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IX.

Ngày 13 tháng 4 năm 2018, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn số 61-HD/BTGTW về tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhiệt liệt chào mừng Ngài Chủ tịch và Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội nước CHXHCN Dân chủ Sri Lanka thăm chính thức Việt Nam.

Hai Chủ tịch Quốc hội đều cho rằng, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội hai nước cần tăng cường giám sát và thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận mà hai nước đã ký.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục