Phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”: Phát huy vai trò của chi bộ trong ngăn chặn, đẩy lùi mọi biểu hiện từ cơ sở

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/5/2018 | 8:01:28 AM

"Tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" là biểu hiện hết sức nguy hiểm đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. 

Đồng chí Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng ban chỉ đạo chống
Đồng chí Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng ban chỉ đạo chống "Diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa tỉnh phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Quang Tuấn)

 
Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chỉ rõ: sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. 

"Tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" đang diễn ra từng ngày, từng giờ ở mọi cấp, mọi ngành, nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ dẫn đến những biến động xã hội, đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, sự an nguy của chế độ. Một trong các biện pháp đấu tranh ngăn chặn những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đó là, phát huy vai trò của chi bộ cơ sở.
 
Chi bộ là tế bào của Đảng, là cơ quan lãnh đạo trực tiếp, gần gũi với nhân dân, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân. Mọi đảng viên đều tham gia sinh hoạt, chịu sự quản lý về mọi mặt của tập thể chi bộ. Điều đó cho thấy, chi bộ có vai trò, tầm quan trọng đặc biệt trong sự nghiệp cách mạng nói chung và công cuộc đấu tranh phòng, chống "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" nói riêng.
 
Tuy nhiên, trong thời gian qua, vai trò của chi bộ chưa được phát huy đầy đủ, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã chỉ rõ: "Sinh hoạt đảng, nhất là sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi còn hình thức, đơn điệu”. Phân tích tình trạng tham nhũng, những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" những năm qua cho chúng ta thấy: một trong những nguyên nhân dẫn đến hàng loạt cán bộ, đảng viên (CB, ĐV), trong đó nhiều đồng chí là cán bộ chủ trì vi phạm kỷ luật của Đảng, vi phạm pháp luật Nhà nước là do vai trò của chi bộ cơ sở chưa được phát huy.
 
Việc tổ chức quán triệt, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở nhiều chi bộ chưa tốt. Đặc biệt, nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi bị buông lỏng. Các vi phạm của những CB, ĐV bị xử lý thời gian vừa qua không phải tức thì, bột phát mà đều có quá trình, từ những biểu hiện manh nha vi phạm nhỏ, đến vi phạm lớn, sai phạm nghiêm trọng và chắc chắn cấp ủy, chi bộ đều biết.

Nếu như công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương của Đảng được tiến hành một cách thường xuyên, ráo riết ngay từ chi bộ; việc đấu tranh với những vi phạm không "dĩ hòa vi quý” nể nang, né tránh... thì chắc chắn sẽ ngăn chặn được những biểu hiện vi phạm và các vụ việc nghiêm trọng sẽ không xảy ra... Vì vậy, muốn ngăn chặn "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” hiệu quả cao, cần có những biện pháp cụ thể, hữu hiệu ngay từ cấp chi bộ.

Để phát huy vai trò của chi bộ trong phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi mọi biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" từ cơ sở cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, cần nhấn mạnh những giải pháp cơ bản sau đây:

Thứ nhất, cấp ủy chi bộ cần tích cực, chủ động tổ chức tốt hoạt động học tập, nghiên cứu nâng cao nhận thức của đảng viên về Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Cần coi đây là giải pháp hàng đầu, bởi lẽ, nhận thức của đảng viên về mục tiêu, lý tưởng cách mạng có sâu sắc triệt để hay không phụ thuộc vào sự hiểu biết của từng người về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
 
Trong giai đoạn hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, cùng với sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thông tin đa chiều đang tác động từng ngày, từng giờ đến mọi người, nên không tránh khỏi sự lệch lạc về nhận thức, tư tưởng. Bởi vậy, cuộc đấu tranh chống "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” của Đảng hiện nay, chỉ giành được thắng lợi, khi toàn Đảng thống nhất cả về nhận thức và hành động.

Theo đó, trước hết từng cấp ủy, chi bộ cần tổ chức tốt việc tự học tập, tự bồi dưỡng cho CB, ĐV để nâng cao trình độ lý luận, trình độ về mọi mặt, đáp ứng với nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng, trong thời kỳ mới.
 
Đây là biện pháp quan trọng hàng đầu, bởi lẽ, khi Đảng ta đang hoạt động bí mật, tự học tập, tự bồi dưỡng là biện pháp quan trọng nhất, được thực hiện rất nghiêm túc, công phu. Chính lao tù của thực dân, đế quốc đã trở thành trường học lớn để những chiến sỹ cộng sản bồi dưỡng cho nhau các nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối cách mạng của Đảng.
 
Ngày nay, chúng ta có điều kiện tốt hơn rất nhiều, nhưng chưa được các cấp ủy, tổ chức Đảng chú trọng, chủ yếu vẫn trông chờ, ỷ lại sự tổ chức bồi dưỡng của cấp trên. Cùng với đó, cần tổ chức tốt các buổi học tập nghị quyết, chỉ thị của Đảng, luật pháp của Nhà nước cho CB, ĐV. Biện pháp này hết sức quan trọng, bởi vì, nghị quyết, chị thị của Đảng sẽ được thể chế hóa, luật pháp hóa, tùy theo từng thời kỳ khác nhau, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nắm vững nghị quyết, chỉ thị của Đảng là tiền đề để từng đảng viên hiểu rõ và tự giác thực hiện luật pháp của Nhà nước đề ra.
 
Làm tốt điều này, lẽ đương nhiên sẽ ngăn chặn có hiệu quả mầm mống của "tự chuyển biến”, "tự chuyển hóa”. Mặt khác, duy trì và thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nội dung này cần được cấp ủy, chi bộ duy trì một cách thường xuyên, tránh tình trạng, khi có chỉ thị, nghị quyết của cấp trên thì triển khai rầm rộ, sau đó rơi vào trầm lắng. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phải được tổ chức chặt chẽ, đi vào hoạt động thực tiễn một cách cụ thể, thiết thực.

Thứ hai, cấp ủy, chi bộ cần thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt, phát huy mạnh mẽ tự phê bình và phê bình của mọi CB, ĐV ngăn chặn mọi biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa”. Giải pháp này rất có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay, bởi lẽ, một tổ chức đảng muốn vững mạnh phải có sự gắn kết của các thành viên.
 
Nội dung, hình thức sinh hoạt đơn điệu, thiếu tính chiến đấu sẽ làm cho mọi thành viên không còn mặn mà hăng hái tham gia sinh hoạt chi bộ, chưa nói là tham gia các hoạt động lãnh đạo với tư cách là một đảng viên của Đảng. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cũng đã chỉ ra, đây là một trong những nguyên nhân mang tính chủ quan dẫn đến "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong Đảng.
 
Bởi vậy, cần đổi mới nội dung ra nghị quyết hằng tháng, hằng quý của chi bộ cơ sở, tránh tình trạng lặp đi, lặp lại các vấn đề đã được đưa ra mang tính rập khuôn, đơn điệu. Điều này, đòi hỏi cấp ủy phải bám sát chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, tình hình nhiệm vụ của địa phương, đơn vị. Trong mỗi lần ra nghị quyết, nên cập nhật thông tin mới về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và quốc phòng, an ninh... của từng địa phương, đơn vị thuộc phạm vi lãnh đạo của chi bộ.
 
Làm tốt điều này, vừa phong phú hóa nội dung sinh hoạt, vừa nâng cao nhận thức về mọi mặt và làm tăng sự gắn bó của CB, ĐV đối với chi bộ. Cùng với sinh hoạt thường kỳ, nên tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt, như: sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt học tập, đúc rút kinh nghiệm về những điển hình tiên tiến, mô hình hoạt động kinh tế, quốc phòng, an ninh hiệu quả... Tổ chức tham quan thực tế các mô hình kinh tế tốt, nông thôn mới, khu vực có môi trương sinh thái đẹp... để mở rộng tầm nhìn cho CB, ĐV.
 
Phát huy cao độ tinh thần dân chủ, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, đấu tranh không khoan nhượng với những tư tưởng lệch lạc, thoái hóa, biến chất của đảng viên trong chi bộ. Tránh tình trạng dĩ hòa vi quý, nhất là những chi bộ có sự tham gia sinh hoạt của đảng viên là cán bộ chủ trì về Đảng, chính quyền cấp trên.

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảng viên, kịp thời phát hiện những biểu hiện lệch lạc, xa rời mục tiêu, lý tưởng cách mạng và những sai trái, tiêu cực trong hoạt động kinh tế - xã hội của từng đảng viên trong chi bộ để sớm uốn nắn, xử lý. Giải pháp này có ý nghĩa rất thiết thực đối với quá trình chống "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” của Đảng hiện nay. Bởi, thông qua công tác kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ, nghiêm túc, mọi biểu hiện lệch lạc về tư tưởng, đạo đức và lối sống của CB, ĐV sẽ sớm được phát hiện để uốn nắn kịp thời, nhất là ở cấp chi bộ.
 
Trong thời gian qua, công tác này vẫn được các cấp ủy đảng tiến hành một cách thường xuyên, nhưng nặng về hình thức, chưa đi vào thực chất, nên vẫn còn một bộ phận CB, ĐV có các biểu hiện nhận thức lệch lạc, thoái hóa, biến chất về đạo đức, lối sống. Theo đó, trong từng nhiệm kỳ, từng năm, quý và tháng, chi bộ cần xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát đảng viên theo định kỳ và đột xuất một cách cụ thể, thiết thực.
 
Căn cứ vào tình hình nhiệm vụ của từng đảng viên để xác định nội dung kiểm tra, giám sát, không nên xây dựng kế hoạch mang tính hình thức. Đối với những CB, ĐV giữ vị trí chủ trì các cơ quan, đơn vị, nếu thấy có những biểu hiện sai phạm, thì phải tìm mọi cách để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát một cách nghiêm túc, không vị nể, né tránh. Làm tốt điều này, vừa ngăn chặn từ xa, vừa bảo vệ được đội ngũ CB, ĐV dù người đó nắm bất kỳ cương vị nào của Đảng, Nhà nước.
 
Quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát đảng viên, cấp ủy, chi bộ cần nhắc nhở, kiểm tra chi tiết, cụ thể việc chuẩn bị của đảng viên; tránh tình trạng chuẩn bị không chu đáo, tỉ mỉ, còn kiểm tra, giám sát, thì tiến hành một cách qua loa, đại khái để báo cáo lên trên. Chi bộ cần kết luận rõ ràng, chính xác những nội dung được kiểm tra, giám sát, nhất là những đảng viên có biểu hiện vi phạm kỷ luật, lệch lạc về nhận thức tư tưởng, suy đồi về đạo đức, lối sống. 

Rút kinh nghiệm nghiêm túc trong chi bộ, báo cáo kịp thời với cấp ủy cấp trên để uốn nắn, xử lý thích đáng và rút ra bài học chung cho đảng bộ... Nếu từng chi bộ làm tốt công tác kiểm tra, giám sát đảng viên, thì mọi biểu hiện của "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” sẽ không có đất để phát sinh và phát triển.

Các giải pháp trên có mối quan hệ nhân quả, nếu được thực hiện đồng bộ thống nhất trong toàn Đảng, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả phòng, chống "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” một cách thiết thực.

(Theo QĐND)

Các tin khác
Đồng chí Trần Quốc Vượng tiếp thu và trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Văn Chấn.

YBĐT - Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, ngày 2/5, đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái đã có cuộc tiếp xúc cử tri huyện Văn Chấn.

Nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh C.Mác (05/5/1818 - 05/5/2018), GS. TS. Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam có bài viết "Tư tưởng vĩ đại của C.Mác với cách mạng Việt Nam". Xin trân trọng đăng toàn văn bài viết tới độc giả.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy phát biểu kết luận Hội nghị.

YBĐT – Sáng 2/5, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức cuộc họp thành viên UBND tỉnh tháng 5/2018 nhằm đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ tháng 4 và triển khai nhiệm vụ tháng 5. Đồng chí Đỗ Đức Duy – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

YBĐT - Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào ngày 21/5 tới đây, ngày 2/5, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái do đồng chí Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái làm trưởng đoàn cùng đại biểu Nguyễn Thị Vân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Văn Yên đã có cuộc tiếp xúc cử tri xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục