Kỷ niệm 64 năm chiến thắng điện biên phủ (7/5/1954 - 7/5/2018)

Cuộc hành quân sáng tạo và bí mật

  • Cập nhật: Thứ hai, 7/5/2018 | 7:59:26 AM

YBĐT - Nói đến pháo binh ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, rất nhiều người biết đến một chiến thuật đầy hy sinh, gian khổ "kéo pháo vào, kéo pháo ra” để nghi binh địch của Trung đoàn pháo binh Tất Thắng (Trung đoàn 45). 

Pháo binh ta trên chiến trường Điện Biên Phủ.
Pháo binh ta trên chiến trường Điện Biên Phủ.


Nhưng không phải ai cũng biết được, để những cỗ đại bác ấy lập chiến công vang dội ở chiến trường Điện Biên Phủ thì hơn một năm trước đó, người dân Yên Bái đã có một cuộc hành quân cùng Trung đoàn Tất Thắng không kém phần gian nan nhưng đầy sáng tạo, táo bạo và bí mật để vận chuyển những cỗ đại pháo ấy từ biên giới Việt Trung về nơi tập kết.  

Cuối năm 1952, sau khi đào tạo bộ đội pháo binh giúp Việt Nam, Trung Quốc đã viện trợ cho ta 24 khẩu pháo 105 ly, 3.600 viên đạn, hàng chục tấn thiết bị, 40 xe kéo pháo, xe vận tải, xe cần trục. Đoàn xe kéo pháo khởi hành từ huyện Mông Tự (tỉnh Vân Nam - Trung Quốc) tiến về biên giới Việt - Trung và bạn đã lột hết đường ray xe lửa Hà Nội - Vân Nam của Pháp rồi cử những lái xe kéo pháo giàu kinh nghiệm nhất kéo pháo giúp ta về biên giới.
 
Nhưng khi đặt chân lên đất Lào Cai thì được biết, Pháp đã đánh bom sập hơn 40 cây cầu đường sắt về Yên Bái và kế hoạch ban đầu là khi về đến Lào Cai sẽ dùng xe goòng để tăng bo chở xe, pháo về thị xã Yên Bái coi như không thực hiện được. Trước tình hình đó, tại Lào Cai, bộ chỉ huy hành quân họp tìm phương án hành quân mới để đưa pháo về xuôi. Có 3 phương án được đưa ra:

Một là, dùng ô tô kéo pháo theo đường bộ (có tài liệu viết rằng, kéo pháo tiếp từ Lào Cai về Lao Bảo). Từ đây, xây dựng một "đường quân sự làm gấp" đưa xe, pháo về bến Hiên, bến Ngọc rồi hành quân về căn cứ của Trung đoàn ở Bắc Mục, huyện Hàm Yên tỉnh Tuyên Quang.

Hai là, kéo pháo đường bộ kết hợp với đường sắt, tăng bo qua những cây cầu bị đánh hỏng từ Lào Cai về Bảo Hà, Lang Thíp rồi từ đây đưa xe, pháo lên toa xe lửa rồi dùng đầu máy ô tô ray chuyển xe, pháo về Yên Bái. Từ Yên Bái, xe kéo pháo tiếp tục đưa pháo về căn cứ.

Ba là, kéo pháo đường bộ kết hợp với vận chuyển đường sông. Ô tô kéo pháo đến Bảo Hà, Lang Thíp. Từ đây toàn bộ xe pháo được tháo ra thành từng bộ phận, chuyển xuống thuyền, bè xuôi sông Hồng về bến Âu Lâu, thị xã Yên Bái rồi lắp lại xe pháo, hành quân cơ giới tiếp về căn cứ ở Bắc Mục.

Sau khi đưa ra 3 phương án, bộ chỉ huy hành quân đã phân tích những hạn chế của từng phương án và phương án 1 cho thấy rất khó thực hiện vì phải huy động hàng vạn dân công làm trên 100 km đường mới, nên rất dễ bị địch theo dõi, phát hiện. Phương án 2 cũng có nhiều khó khăn khó khắc phục, vì trước đây ta đã dùng ô tô ray chuyển hàng mậu dịch từ Lào Cai về Yên Bái đã bị địch phát hiện, dùng máy bay bắn, phá hỏng hầu hết trên 40 chiếc cầu sắt trên tuyến chưa thể làm lại.
 
Cuối cùng, phương án 3 được quyết định là phương án hành quân tiếp theo cho Đoàn pháo binh Tất Thắng. Bởi lẽ, quá trình thực hiện cuộc hành quân trên sông chủ yếu được thực hiện vào ban đêm. Đồng thời, địch cũng không thể ngờ được rằng ta có thể vận chuyển được những khí tài có trọng lượng lớn như thế chỉ bằng phương tiện thuyền bè.
 
Để thực hiện phương án này, bộ phận kỹ thuật pháo, xe của Tiểu đoàn Kỹ thuật 361, Đại đoàn 351 đã cử những cán bộ và thợ xe, pháo giỏi đến tháo và lắp xe, pháo, đạn dược và quân dụng bảo đảm vũ khí, khí tài về căn cứ. Sau đó, Đại đoàn 351 đã cử một trung đoàn công binh mở đường ray cho xe goòng đưa pháo từ Phố Lu xuống Bãi Trưng sát mép sông và làm hệ thống tời đưa nòng pháo xuống thuyền ván.
 
Một nhánh đường khác từ Phố Lu vòng qua đường núi xuống Thái Văn, Bảo Hà, Lang Thíp ra Khe Cạn chui qua gầm cầu đường sắt ra bãi sông xuống bè.

Những con đường đã hoạch định xong, nhưng khó khăn nhất là kỹ thuật đóng bè có tải trọng lớn từ 4 đến 5 tấn mà Trung đoàn pháo binh sau nhiều ngày chưa thể nghĩ ra.
 
Đúng lúc ấy, vào một buổi sáng, tin vui bất ngờ đã đến khiến cả Trung đoàn lựu pháo 105 ly reo mừng. Tỉnh Yên Bái huy động Đoàn Vận tải Sông Thao đưa 30 thuyền gỗ, mỗi thuyền chở được 2 - 3 tấn đến giúp vận chuyển xe, pháo, đạn dược. Các tay chèo đều là người có kinh nghiệm vận tải đường thủy, nhất là Chỉ huy đoàn Trần Văn Lai - Thường vụ Công đoàn Đoàn Vận tải Sông Thao là người rất dũng cảm, can trường, có nhiều kinh nghiệm sông nước nên được mọi người trong đoàn vận tải mệnh danh là "kình ngư”.

Đoàn thuyền của ông Trần Văn Lai đã làm cho không khí chuẩn bị vận tải đường thủy của Trung đoàn pháo binh nhộn nhịp hẳn lên. Công binh mở đường làm bến, lính pháo binh học cách chèo, lái, chống sào, kéo thuyền. Người biết nghề mộc thì xẻ gỗ đục đẽo dầm, cọc chèo, còn bộ phận lớn phải đi 4 - 5 cây số chặt nứa dại, vầu, gỗ, song, mây xếp những đống chất ngất để đóng bè. Nhưng kết được chiếc bè lớn thế nào thì bộ đội không hề biết, nên tất cả đều trông chờ vào ông Trần Văn Lai cùng những chủ thuyền Yên Bái.

Sau đó, việc đóng bè đã diễn ra cả ngày lẫn đêm vì mỗi bè phải kết từ 900 - 1.000 cây nứa dại, chưa kể gỗ. Bộ đội cốn nứa thành từng bó đưa xuống nước rồi thợ thuyền hướng dẫn cách đậy (kết) bè. Tùy theo tải trọng từng loại bè mà đậy mấy lớp nứa rồi đặt gỗ cả gầm và mặt bè rồi dùng dây song néo cố định thân bè. Mỗi chiếc bè có 2 khoang và khoang trước, khoang sau cách nhau 50 cm gọi là "khớp nới lỏng” để bè uốn lượn được đường cua hoặc tránh được vật cản ngăn dòng khi qua ghềnh thác. Mỗi bè có 4 mái chèo, một xeo (bánh lái) đặt ở cuối khoang sau.

Đóng xong chiếc bè đầu tiên, ông Trần Văn Lai cho đong cát đổ lên bè đo tải trọng theo kiểu Lương Thế Vinh cân voi. Những chiếc bè tiếp theo được làm nguyên mẫu chiếc đầu tiên. Trung đoàn pháo binh đưa ra phương án tháo nòng pháo và càng pháo tách rời nhau để nòng pháo cùng khí tài, thiết bị đưa xuống chở bằng thuyền, còn càng pháo, ô tô, xăng dầu, quân dụng hậu cần thì xếp lên bè nứa. 



Ông Trần Văn Lai - Chỉ huy Đoàn Vận tải Sông Thao đưa đại pháo theo sông Hồng từ Lào Cai về thị xã Yên Bái năm 1953.
Chuyên gia quân sự của nước bạn chưa đồng ý với phương án tháo rời pháo. Chúng ta phải thuyết phục bạn cho thử tháo và lắp lại không thấy có gì ảnh hưởng kỹ thuật nên chuyên gia nước bạn đã đồng ý cho tháo rời. 

Toàn bộ lượng bè cho nhu cầu vận tải đã đủ và cuộc hành trình cơ động xe, pháo có một không hai trên đường sông hàng trăm cây số được bắt đầu. Đêm đêm, đoàn thuyền đơn sơ cùng bè nứa lặng lẽ chở vũ khí xuôi sông Hồng đầy ghềnh thác hiểm nguy.
 
Trong đó, chiếc bè chở Trung đoàn phó Nguyễn Văn Thước cùng một số cán bộ và chiếc xe Đốt đi đầu khảo sát dòng chảy đã bị đập vào đá ở thác Hòn Hồng khiến bè vỡ và chiếc xe bị chìm. Vậy mà, mỗi con thuyền, chiếc bè phải vượt qua nhiều dải đá ngầm rình rập cùng 25 thác ghềnh mùa cạn với những cái tên nghe thấy đã phát khiếp như: thác Rãnh Cày, thác Cướp Gạo, thác Hổ Vồ, thác Cánh Quét…

Thế nhưng, chẳng ai thấy lo sợ vì tất cả đều hiểu đây là một nhiệm vụ rất vinh quang. Cảm kích nhất là hình ảnh gia đình ông Ất trong đêm 30 tết Quý Tỵ 1953. Gia đình ông cũng như nhiều nhà khác trong Đoàn vận tải Sông Thao là cả nhà đều ở trên thuyền. Thế nên, đêm 30 tết năm ấy, chiếc thuyền của ông Ất chở 200 viên đạn 105 ly cùng vợ và 3 con nhỏ, trong đó con gái nhỏ nhất mới 3 tuổi đã gặp nạn ở thác Hổ Vồ.
 
Không ai chết đuối, nhưng nể nhất vợ ông Ất là người rất giỏi bơi đã kịp lao theo dòng nước chảy xiết để cứu được đứa con gái nhỏ. Các thuyền cùng bộ đội xúm lại lặn ngụp giữa đêm đông buốt giá thấu xương để vớt thuyền và mò đủ 200 viên đạn rồi lại tiếp tục cuộc hành quân.

Trải qua gần 100 ngày đóng bè, chở pháo, vượt qua mọi khó khăn nguy hiểm, tháng 4 năm 1953, Đoàn Vận tải Sông Thao của tỉnh Yên Bái đã cùng bộ đội dũng cảm quên mình đưa được toàn bộ 24 khẩu pháo, mấy chục xe ô tô, hàng chục tấn thiết bị quân dụng về đến bến Âu Lâu an toàn rồi tiếp về căn cứ ở Bắc Mục, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.
 
Sau đó, những chiếc xe lại kéo pháo vượt qua bến Âu Lâu lên tham gia chiến đấu tại chiến trường Điện Biên. Trong chiến dịch, Trung đoàn pháo 105 ly ra quân trận đầu đã lập công xuất sắc, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954. Chiến thắng ấy của Trung đoàn 45 pháo binh, có sự góp công rất lớn của người dân Yên Bái đã thực hiện một cuộc hành sáng tạo và bí mật được đánh giá cao trong nghệ thuật quân sự Việt Nam hiện đại.

Hoàng Nhâm

Các tin khác

Hôm nay (7/5), Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 khóa XII sẽ khai mạc, tập trung bàn, cho ý kiến đối với ba đề án quan trọng về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp; cải cách chính sách tiền lương và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

 YBĐT - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri các địa phương/ Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ XIX thành công tốt đẹp/ Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy dự Lễ cất nóc Trung tâm Thương mại, khách sạn Hoa Sen Yên Bái... là những tin tức đáng chú ý trong tuần qua. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự buổi lễ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Nghệ thuật Bài chòi chính là thương hiệu quốc gia được thế giới ghi nhận.

YBĐT - Tại phiên làm việc sáng 5/5, Đại hội Công đoàn tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2018 - 2023, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã có bài phát biểu chỉ đạo Đại hội. Báo Yên Bái trân trọng giới thiệu với bạn đọc phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục