Niềm tin và khát vọng

  • Cập nhật: Thứ hai, 14/5/2018 | 5:25:43 PM

YênBái - Ngay sau khi Hội nghị Trung ương (HNTƯ) 7, khóa XII bế mạc tại Hà Nội, đông đảo cán bộ, đảng viên, lão thành cách mạng, cựu chiến binh và người dân bày tỏ phấn khởi và niềm tin tưởng trước thành công của hội nghị.


Đồng thời, người dân cũng trao gửi nhiều khát vọng, mong muốn về những bước triển khai tiếp theo của Trung ương ngay sau hội nghị, nhằm tạo xung lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng trong thời gian tới. Sau đây là một số ý kiến tâm huyết gửi tới Hội nghị, xin giới thiệu đến độc giả nội dung các ý kiến:

Thượng tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng): Chủ trương một, quyết tâm phải mười



Quang cảnh Hội nghị Trung ương lần thứ 7. 

 

Tôi đánh giá rất cao việc HNTƯ 7, khóa XII nhìn nhận, đánh giá thẳng thắn, khách quan về chất lượng đội ngũ cán bộ hiện nay. Đó là, chất lượng đội ngũ cán bộ không đồng đều, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi. Không ít cán bộ, kể cả cán bộ cấp chiến lược chưa ngang tầm với nhiệm vụ được giao. Trình độ tư duy và khả năng thích ứng với nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế của một bộ phận cán bộ còn chậm; năng lực tham mưu và tổ chức thực hiện còn hạn chế. Vẫn còn cán bộ nói không đi đôi với làm, thiếu tinh thần trách nhiệm, ngại việc khó, thích làm việc dễ... Những khuyết điểm, yếu kém đó thực sự là rào cản vô hình đối với việc thực hiện các mục tiêu, giải pháp xây dựng Đảng, phát triển đất nước; xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Theo tôi, để đội ngũ cán bộ nói chung, đội ngũ cán bộ cấp chiến lược nói riêng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới, chúng ta phải hoàn thiện bộ tiêu chí và vận hành nghiêm túc để chọn bằng được những cán bộ có đức, có tài. Cán bộ giỏi phải được bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng đúng lĩnh vực, sở trường, phát huy được tư duy chiến lược, năng lực thực tiễn, khả năng bao quát; ưu tiên những cán bộ trưởng thành từ cơ sở, có năng lực thực tiễn tốt, được quần chúng nhân dân tín nhiệm, quý mến. Cùng với đó, để tạo động lực cho cán bộ cống hiến, trưởng thành các cấp, các ngành cần phải quan tâm tới chế độ, chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho từng đối tượng.

Cùng với việc đánh giá, nhận xét cán bộ một cách khách quan, chính xác, Đảng cần có cơ chế để dân biết, dân bàn, dân giám sát công tác cán bộ; mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị một cách phù hợp. Đồng thời phát huy vai trò của nhân dân tham gia kiểm soát quyền lực, chống "chạy chức, chạy quyền”, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, bổ nhiệm người thân và gia đình trong công tác cán bộ. Tôi cho rằng, đây là những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng hàng đầu để đấu tranh ngăn chặn sự tha hóa quyền lực trong bộ máy công quyền; góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Thời gian tới, Đảng phải kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, có hành vi trục lợi, tham nhũng trong công tác cán bộ... Chủ trương đã quyết tâm một, hành động phải quyết tâm mười thì mới mong đạt hiệu quả trên thực tế.

Đồng chí Bùi Đức Thắng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Tuyên Quang: Giải quyết thỏa đáng những vấn về nóng

Sau khi bế mạc HNTƯ 7, khóa XII, cán bộ, hội viên cựu chiến binh tỉnh Tuyên Quang rất khấn khởi, bày tỏ tin tưởng khi Nghị quyết Trung ương được ban hành sẽ sớm đi vào cuộc sống.

Chúng ta thấy rằng, HNTƯ 7, khóa XII đã chọn và giải quyết thỏa đáng những nội dung đang là vấn về nóng, là đòi hỏi khách quan của cách mạng và thực tiễn đất nước; nhất là yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ cấp chiến lược nói riêng. Đó là những việc không thể chậm trễ hơn vì nó ảnh hưởng rất lớn và trực tiếp tới sự tồn vong của chế độ ta.

Chúng tôi lấy làm thỏa mãn và ấn tượng khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng mạnh dạn chỉ ra những hạn chế trong công tác lãnh đạo của Đảng, đó là việc lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với công tác dự báo từ xa mang tầm chiến lược để chủ động tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện, cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng có trường hợp còn chưa thật sâu sát, kịp thời, chưa đồng bộ, quyết liệt. Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế chưa có chuyển biến rõ nét. Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn còn thấp. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp.

Thay mặt các cựu chiến binh tỉnh Tuyên Quang, tôi mong muốn Trung ương sớm đổi mới phương thức đưa Nghị quyết HNTƯ 7, khóa XII vào cuộc sống, từ việc làm tốt công tác cán bộ cấp chiến lược, quan tâm tới vấn đề an sinh xã hội thông qua chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội toàn dân; góp phần đẩy lùi nguy cơ "tụt hậu xa hơn nữa về kinh tế"; làm thất bại âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Quá trình thực hiện nghị quyết phải bảo đảm tính toàn diện, đồng bộ, có bước đi phù hợp, tôn trọng quy luật khách quan, xuất phát từ thực tiễn và đời sống của nhân dân. Cùng với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, có đức, có tài, có tâm, có tầm, đằm mình trong thực tiễn, am hiểu tường tận những khó khăn, bức xúc của người dân, từ Trung ương tới địa phương phải có những bước cụ thể hóa phù hợp, nhằm từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước, mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và của cả hệ thống chính trị... nhằm hướng tới mục tiêu chung Trung ương đã xác định.

* Đồng chí Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái: Củng cố niềm tin của nhân dân
 

Trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn đặc biệt coi trọng và kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm khuyết điểm. Mới đây nhất, sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra hàng loạt vi phạm, Ban Bí thư quyết định cách chức tất cả chức vụ trong Đảng của Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh. Trước đó, hàng loạt cán bộ cấp cao vi phạm khuyết điểm, vi phạm pháp luật cũng bị kỷ luật. Tại HNTƯ 7, khóa XII, Trung ương đã xem xét, quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.

Theo tôi, nguyên nhân của tình trạng trên là do việc kiểm soát quyền lực của chúng ta có mặt còn rất hạn chế, dẫn đến một số người đứng đầu lạm quyền, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng. Qua đây, cũng cho thấy còn có lỗ hổng trong công tác kiểm soát quyền lực, buông lỏng việc kiểm tra, giám sát, giáo dục cán bộ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Các vụ án liên quan đến cán bộ, những khuyết điểm về bổ nhiệm cán bộ ở một số tỉnh, huyện vừa bị phát hiện cho thấy tính bức thiết của quản lý cán bộ và kiểm soát quyền lực.

Do đó, để xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp có chất lượng, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, chống được tình trạng "chạy chức, chạy quyền", thì phải công khai minh bạch mọi vấn đề. Bên cạnh đó, chế tài đã có nhưng còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe trước những cám dỗ của tiền tài, vật chất và quyền lực. Việc cần làm ngay là khẩn trương rà soát, loại bỏ các cơ chế, chính sách không còn phù hợp; xây dựng, ban hành đồng bộ các chính sách để đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ. Cần sớm ban hành quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu; xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền; quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc. Cùng với đó, có cơ chế lựa chọn những cán bộ thực sự có tâm, có tầm; thực hiện chế độ kiêm nhiệm và nhất thể hóa một số chức danh cán bộ phù hợp; đẩy nhanh cơ cấu lại và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục cải cách chế độ công vụ, công chức, góp phần ngăn chặn sự tha hóa quyền lực trong bộ máy công quyền, sự suy thoái biến chất của một bộ phận cán bộ đảng viên để củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân.

* Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương (nguyên Cục trưởng Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị): Có kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương mang tính dài hơi

Qua theo dõi HNTƯ 7, khóa XII, chúng tôi nhận rõ quyết tâm của Đảng, của Trung ương nhằm đưa đất nước đổi mới, phát triển trong sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập quốc tế; củng cố và tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng. Hội nghị đã nhận được sự quan tâm ủng hộ rất lớn của các tầng lớp nhân dân.

HNTƯ lần này tập trung giải quyết những vấn đề then chốt, với nhiều nội dung quan trọng, có tính đột phá và sát thực tế đất nước. Công tác cán bộ các cấp và công tác cán bộ cấp chiến lược ngày càng vươn tới sự công bằng trong chính sách lựa chọn, sử dụng, đãi ngộ, biểu dương những cán bộ tốt, hết sức hết lòng cống hiến vì dân, vì nước, vì sự tiến bộ của xã hội; đồng thời kiên quyết phê bình, nhắc nhở, xử lý nghiêm khắc những cán bộ tha hóa, tham nhũng, hạch sách, làm hại đất nước, ảnh hưởng tới uy tín của Đảng và nhân dân. HNTƯ 7, khóa XII cũng thể hiện rõ tinh thần của Đảng ta là luôn nhất quán chủ trương chống lại sự mất cân bằng trong đãi ngộ, vươn tới công bằng, bình đẳng trong thực hiện chính sách tiền lương. Ai có đóng góp, cống hiến nhiều sẽ được hưởng xứng đáng và ngược lại. Đồng thời tạo sự công bằng, hưởng lợi trong chính sách bảo hiểm xã hội toàn dân, mang tính an sinh xã hội sâu sắc, tạo sự phấn khởi, tin tưởng cho người lao động.

Để những chủ trương đúng đắn, sát thực tế của HNTƯ 7 sớm đi nhanh, đi mạnh, lan tỏa sâu vào cuộc sống của người dân, góp phần tạo ra khí thế mới, động lực mới cho sự nghiệp đổi mới đồng bộ và toàn diện, xây dựng Đảng, phát triển đất nước, xây dựng quê hương, theo tôi từ Trung ương tới cấp ủy các địa phương, cấp ủy các ngành phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền nghị quyết, đồng thời giáo dục, xây dựng quyết tâm cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân phấn đấu hoàn thành các nội dung, chỉ tiêu nghị quyết bằng nhiều hình thức sinh động. Các cấp, ngành phải xây dựng chương trình kế hoạch thực hiện Nghị quyết HNTƯ 7 mang tính dài hơi, làm từng bước, thận trọng, đạt hiệu quả cao. Quá trình thực hiện nghị quyết chú trọng nhân rộng những mô hình hay, cách làm tiêu biểu ở các địa phương, đơn vị.

* Thiếu tướng Ngô Kim Đồng (Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Binh chủng Thông tin liên lạc): Sự phát triển cả về tư duy và quyết tâm hành động

Hội nghị Trung ương (HNTƯ) 7, khóa XII vừa qua đã tập trung thảo luận, quyết nghị 3 đề án quan trọng. Đây là những vấn đề được thảo luận, quyết định trên cơ sở kế thừa, kế tục những thành quả lãnh đạo trước đó của Đảng; thể hiện bước phát triển về tư duy lẫn ý chí, quyết tâm của Đảng qua các kỳ hội nghị, nhằm không ngừng hoàn thiện phương thức lãnh đạo, xây dựng Đảng ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ và khẳng định vai trò lãnh đạo toàn xã hội của Đảng ta.

Có thể nhận ra bước phát triển cụ thể là: Nếu như Nghị quyết Trung ương (NQTƯ) 4, khóa XI định ra chủ trương lớn về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, thì NQTƯ 4, khóa XII tập trung cụ thể vào việc ngăn ngừa, đẩy lùi 27 biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Trên nền tảng đó, NQTƯ 6, khóa XII hướng mạnh vào tinh giản bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, làm cho bộ máy thật sự trong sạch, lành mạnh để không có đất cho những hạn chế, yếu kém nảy sinh; tạo cơ chế tự sàng lọc cán bộ yếu kém...
 
Và đến HNTƯ 7 lần này, Trung ương chọc thẳng vào giải pháp trọng yếu, tập trung giải quyết triệt để yếu kém lâu nay (nạn chạy chức, chạy quyền)-nguyên nhân sinh ra "bệnh tật" của công tác cán bộ. Đó là minh chứng cho thấy sự lãnh đạo của Đảng có tiến trình, lộ trình khoa học, với những bước đi phù hợp, bảo đảm tính kế tục, kế tiếp, liên tục xâu chuỗi theo hệ thống. Cùng với đó, tính chất và thái độ lãnh đạo của Trung ương cũng ngày càng quyết liệt hơn; mức độ ngày càng sâu sắc, cụ thể; đi vào giải quyết từ toàn diện đến cụ thể, từ hiện tượng đến bản chất, từ hình thức đến nội dung cốt lõi của vấn đề. Đó là cách Đảng ta xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; làm cho Đảng ta ngày càng TSVM, xứng đáng với vai trò lãnh đạo toàn xã hội.

Cùng với đó, trong công tác chăm lo nhân dân, Trung ương cũng có những tư duy, giải pháp mới, liên tục được bổ sung, hoàn thiện, phát triển: NQTƯ 5, khóa XII xác định những chủ trương phát triển kinh tế để nâng cao đời sống xã hội; HNTƯ 6 chủ trương ưu tiên ngân sách cho công tác dân số và phát triển, nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống nhân dân. Trên đà thành quả đó, HNTƯ 7, khóa XII cụ thể hóa bằng các chủ trương nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cán bộ, đảng viên, nhất là việc giải phóng sức lao động và bảo đảm an sinh xã hội thông qua việc xây dựng chính sách bảo hiểm xã hội toàn dân...

Như vậy, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng thể hiện tính phát triển, thể hiện sâu sắc trong từng vấn đề có tính kế thừa, phát triển rất rõ ràng, cụ thể. Và tự nó mang đến niềm tin cho nhân dân và toàn xã hội. Chúng ta tin tưởng rằng, với quyết tâm mạnh mẽ và liên tục như vậy, Trung ương sẽ lãnh đạo toàn xã hội thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng trong thời gian tới.

(Theo QĐND)

Các tin khác
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai ở các địa phương, nhất là các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, công tác quản lý và sử dụng đất công của doanh nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội…

Quang cảnh Hội nghị Trung ương 6 (khoá XII)

YBĐT - Hiện nay, các nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã và đang được tiếp thu, triển khai thực hiện một cách nghiêm túc ở các cấp ủy Đảng, cơ quan, ban, ngành và cán bộ, đảng viên.

Hôm nay (14-5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 24. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018.

Trao giải thưởng đối với tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm đạt giải A.

Lễ trao Giải thưởng là một trong những hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục