Suy thoái cũng từ chữ “Đức” mà ra
- Cập nhật: Thứ bảy, 19/5/2018 | 9:44:23 AM
"Đạo đức là cái gốc của người cách mạng” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, soi vào thực tiễn vẫn luôn luôn mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn "Đạo đức là cái gốc của người cách mạng"
|
Đức và tài, "hồng” và "chuyên” trong bối cảnh xã hội đang có nhiều thay đổi, nhiều tác động, trong đó, ảnh hưởng lớn nhất là mặt trái của cơ chế thị trường thì có lẽ, chữ "đức” phải được đặt đúng vị trí như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: "Đạo đức là cái gốc của người cách mạng”. Điều gì đang thách thức vai trò lãnh đạo của Đảng, thách thức sự tồn vong của chế độ? Đó chính là niềm tin của nhân dân khi một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Trịnh Xuân Thanh, trong vai trò lãnh đạo một doanh nghiệp đã để thất thoát hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước, nhưng ông ta thay vì phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và trước pháp luật, lại vi vu trên con đường thăng tiến. Lần lượt vượt qua các cửa ải bằng cách chạy thành tích, chạy thi đua, chạy danh hiệu, chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển… Để cuối cùng, ngồi vào vị trí Phó Chủ tịch ở một địa phương, ông ta cho mình cái quyền được hưởng thụ hơn người bằng việc xài một chiếc xe sang trị giá hơn 5 tỷ đồng. Trường hợp của Trịnh Xuân Thanh được coi là "tổng hợp” của các biểu hiện suy thoái. Nhiều người đặt câu hỏi, đạo đức của người cán bộ ở đâu? liêm sỉ của người đảng viên cất ở chỗ nào?
Trong 27 biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên mà Nghị quyết TW4, khóa XII chỉ ra, hơn một nửa trong số đó thuộc về phạm trù đạo đức như: không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân; Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng; tham vọng chức quyền, tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen; kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, "đánh bóng" tên tuổi...
Hơn 70 năm trước, trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc” (viết năm 1947), Bác đã chỉ rõ hàng loạt căn bệnh trong cán bộ, đảng viên. Nay, chúng ta cũng chỉ đích danh những biểu hiện suy thoái. Tất cả đều bắt nguồn từ một nguyên nhân, đó là chủ nghĩa cá nhân- kẻ thù của cách mạng, nguồn gốc của những "căn bệnh” làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm tha hoá Đảng. Thực tiễn cho thấy, mục tiêu làm giàu và coi trọng lợi ích vật chất đã và đang trở thành cái đích hướng tới của không ít người. Với nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, nếu thiếu tu dưỡng đạo đức, họ rất dễ bị cám dỗ và sa ngã bởi lợi ích vật chất "che mắt”. Việc lợi dụng chức quyền, thu vén cá nhân, tham nhũng, làm giàu bất chính, tất yếu sẽ dẫn đến suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống.
Công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng ta phát động đang lấy lại niềm tin trong nhân dân. Trước hết, nhân dân tin tưởng vào phẩm chất, đạo đức của những người lãnh đạo, tin vào "cái tâm trong sáng” của người phất cờ. Giống như trong chiến tranh, nhân dân đã từng tin tưởng những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ chính là hình ảnh phản chiếu "tấm gương đạo đức” Hồ Chí Minh, nói đi đôi với làm. Nói về đạo đức đi đôi với thực hành đạo đức.
Trở đi, trở lại, vấn đề "Đạo đức là cái gốc của người cách mạng” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, soi vào thực tiễn vẫn luôn luôn mới. Hồ Chí Minh từng viết: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Các tin khác
YBĐT - Chiều 18/5, Ban Tổ chức Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tỉnh Yên Bái đã tổ chức trao giải Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016- 2020 (đợt 1).
Khi nói về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng – một học trò xuất sắc, một cộng sự thân thiết, gần gũi của Người đã viết, đó là "cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ”[1].
Việc sớm ký và phê chuẩn Hiệp ước đã thể hiện rõ chính sách nhất quán của Việt Nam vì hòa bình, ủng hộ việc giải trừ vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới.
Sáng 18/5, Ban Tuyên giáo Trung ương (T.Ư) đã tổ chức Hội nghị báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc T. Ư tháng 5/2018. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết nối từ đầu cầu T.Ư tại Hà Nội đến gần 300 điểm cầu cấp tỉnh và cấp huyện trên cả nước.