Thực hiện Nghị quyết số 30c ngày 8/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và chỉ đạo của Tỉnh ủy, đặc biệt hiện nay là Nghị quyết số 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, CCHC đã được tỉnh đặc biệt quan tâm, nhất là việc sắp xếp bộ máy gắn với tinh giản biên chế.
Thực tế cho thấy, bên cạnh những mặt tích cực, bộ máy tổ chức quản lý của chúng ta vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu lực, hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức còn chồng chéo; số lượng cán bộ, công chức, viên chức tuy đông nhưng một số hoạt động không thực sự hiệu quả.
Để sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thời gian qua, UBND tỉnh đã giao các cơ quan chức năng tiến hành tổ chức xây dựng đề án sắp xếp lại tổ chức bộ máy, biên chế của cơ quan, đơn vị và các đơn vị trực thuộc; đánh giá thực trạng về tổ chức bộ máy, tình hình thực hiện biên chế, đề xuất việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy của cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối quản lý.Đến nay, cơ bản đã hoàn thành xong các nội dung, chương trình kế hoạch đã đề ra.
Sau khi tiến hành rà soát, sắp xếp tính đến thời điểm 31/3/2018, đã giảm được 238/1.197 cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp. Trong đó, cấp tỉnh giảm 90 đơn vị, gồm 36 phòng, cơ quan chuyên môn các sở, ban, ngành và 54 đơn vị sự nghiệp; cấp huyện, giảm 148/634 đơn vị, gồm: 20 đơn vị sự nghiệp, 128 trường học.
Thực hiện Nghị quyết số 18 và 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, tỉnh và các địa phương đang tiếp tục đẩy mạnh việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp. Theo đó, một số địa phương và các ngành đã thực hiện việc sáp nhập các văn phòng cấp ủy, HĐND, UBND; kiêm nhiệm chức danh Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; hợp nhất cơ quan Đảng với chính quyền; sáp nhập các chi cục... Như vậy, nhiều cơ quan Đảng, Nhà nước, các ngành ở tỉnh và địa phương sẽ được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn hơn.
Cùng với sắp xếp về bộ máy, tinh giản biên chế cũng được tỉnh hết sức quan tâm. Theo lộ trình trong 7 năm (2015 - 2021), toàn tỉnh sẽ tinh giản 4.392 biên chế, đạt tỷ lệ 15,6% so với biên chế được giao năm 2015. Cụ thể, với tổng cộng 28.126 biên chế, số dự kiến tinh giản 4.392 người; trong đó, số tinh giản 1.175, số nghỉ hưu đúng tuổi 3.217. Thực hiện mục tiêu trên, bằng nhiều giải pháp, từ năm 2015 đến tháng 6/2018, toàn tỉnh đã thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định số 108 của Chính phủ là 764 người.
Cụ thể năm 2015, tinh giản 133 người, trong đó, khối hành chính sự nghiệp 106 người (nghỉ hưu trước tuổi 98 người, thôi việc ngay 8 người); khối doanh nghiệp 2 người; cán bộ, công chức cấp xã 25 người (nghỉ hưu trước tuổi 23 người, thôi việc ngay 2 người). Năm 2016, giảm 195 người: khối hành chính, sự nghiệp 140 người, công chức cấp xã 55 người.
Năm 2017, giảm 302 người, gồm: khối hành chính sự nghiệp 217 người; cán bộ, công chức cấp xã 85 người. Và 6 tháng đầu năm 2018, đã tinh giản 109 người: khối hành chính, sự nghiệp 79 người; cán bộ, công chức cấp xã 30 người.
Những kết quả trong công tác CCHC nói chung và sắp xếp bộ máy là rất đáng mừng. Tuy nhiên, thực tế, do một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc triển khai thực hiện nội dung kế hoạch; chưa chủ động sắp xếp, kiện toàn lại chức năng, nhiệm vụ, đơn vị mình theo quy định của Chính phủ, hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương và chỉ đạo của tỉnh; bên cạnh đó, việc sắp xếp, kiện toàn về tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn mới ở mức độ hợp nhất về đầu mối; tổ chức bộ máy bên trong và biên chế vẫn chưa được rà soát, sắp xếp, định biên lại nên chưa có sự thay đổi, thậm chí còn tăng thêm tổ chức bên trong, tăng thêm biên chế.
Điển hình như việc thành lập các cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc sở (mô hình chi cục) với chức năng, nhiệm vụ, mô hình cơ cấu tổ chức bộ máy hoạt động như sở "thu nhỏ” (như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện có 9 chi cục; Sở Tài nguyên và Môi trường có 3 chi cục).
Vì vậy, mục tiêu giảm biên chế và bảo đảm bộ máy gọn nhẹ chưa đạt được. Bên cạnh đó, mô hình tổ chức một số cơ quan, đơn vị (theo kiến nghị của huyện, thị, thành phố) chưa phù hợp thực tiễn, gây khó khăn trong công tác phối hợp, thực hiện nhiệm vụ như: phòng y tế thuộc UBND cấp huyện, trung tâm y tế huyện lại trực thuộc Sở Y tế, trạm y tế xã trực thuộc trung tâm y tế huyện; trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình huyện trực thuộc Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình...
Sắp xếp bộ máy là vấn đề rất lớn, rất quan trọng, rất khó, rất phức tạp và nhạy cảm, vì liên quan đến những vấn đề lý luận cơ bản về phương thức lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân; về đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế; về quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; liên quan đến quyền lợi, tâm tư, tình cảm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động... do đó, phải đổi mới nhận thức việc thực hiện nhiệm vụ này.
Việc sắp xếp bộ máy phải có sự chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, vì đây thực sự là cuộc đấu tranh quyết liệt với sự bảo thủ trì trệ để đi đến một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh và từng bước hiện đại.
Để thực hiện được nhiệm vụ quan trọng nhưng khó khăn phức tạp này, mỗi cấp ủy, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần nghiên cứu, nghiêm túc quán triệt, nhận thức sâu sắc nội dung tinh thần Nghị quyết số 18 và 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy về thực hiện sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị và đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với nhiệm vụ CCHC nói chung theo đúng tư tưởng chỉ đạo: CCHC gắn với xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí; nhiệm vụ CCHC phải thực sự trở thành quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh.
Để thực hiện có kết quả công cuộc CCHC, yếu tố quyết định hàng đầu chính là tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức. Do đó, bộ máy chính quyền các cấp phải được tổ chức sắp xếp gọn nhẹ, hợp lý và thường xuyên được kiện toàn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
Do đó, phải tiếp tục tuyên truyền mục tiêu, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới cơ chế quản lý cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các đơn vị công lập nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận cao trong việc thực hiện; đề cao trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, tổ chức trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, bao gồm cả các tổ chức bên trong cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thời gian tới phải được đẩy mạnh.
Một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ; đẩy mạnh xã đội hóa, từng bước chuyển các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác đủ điều kiện thành lập công ty cổ phần, đồng thời cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị phù hợp theo vị trí việc làm, từng bước loại bỏ những công chức bản lĩnh chính trị không vững vàng, kém về trình độ chuyên môn và ý thức kỷ luật.
Xây dựng một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là một đòi hỏi khách quan, đồng thời có tính cấp bách vì mục tiêu đổi mới, đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, đưa tỉnh phát triển bền vững.
Nguyễn Đình