Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Chiến Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện: Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên và thành phố Yên Bái.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông và Trung tâm Tư vấn nghiệp vụ và Hỗ trợ đánh giá hiệu quả đầu tư công nghệ thông tin (CNTT) thuộc Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT (đơn vị tư vấn) báo cáo tiến độ triển khai xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử (CQĐT) tỉnh Yên Bái và trình bày dự thảo lần 3 Kiến trúc CQĐT tỉnh Yên Bái.
Theo đó, chính quyền điện tử là chính quyền cấp tỉnh ứng dụng CNTT nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Hiện tại, tỉnh Yên Bái có Cổng Thông tin điện tử tỉnh; 100% sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố có trang thông tin điện tử; dịch vụ công trực tuyến với 2.485 thủ tục hành chính (gồm 383 thủ tục mức độ 3, còn lại là mức độ 1 và 2).
Việc triển khai xây dựng Kiến trúc CQĐT tỉnh Yên Bái sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1 (từ năm 2018): Xây dựng các ứng dụng nghiệp vụ CQĐT tỉnh Yên Bái; nâng cấp Cổng thông tin điện tử của tỉnh; xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ cấp tỉnh (LGSP); tư vấn và đào tạo kiến trúc.
Giai đoạn 2 (từ năm 2020): Xây dựng Trung tâm Dữ liệu tỉnh; xây dựng hệ thống an toàn thông tin toàn tỉnh; xây dựng Hệ thống EAMS.
Giai đoạn 3 (từ năm 2022): Tư vấn và đào tạo kiến trúc (tiếp tục); nâng cấp hệ thống thư điện tử; trang bị cơ sở hạ tầng cho cơ quan nhà nước.
Ông Vũ Trọng Thưởng - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh tham gia ý kiến tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, đại diện các sở, ban, ngành các địa phương đã thẳng thắn trao đổi về thực trạng, việc tận dụng nguồn lực, hiện trạng CQĐT đã có của tỉnh chưa được làm rõ; đơn vị tư vấn cần khảo sát kỹ hơn cơ sở dữ liệu của Trung ương và thực trạng của Yên Bái hiện nay để làm cơ sở xây dựng lộ trình ưu tiên cụ thể; làm rõ các nội dung cần nâng cấp Cổng TTĐT tỉnh; làm rõ nhiệm vụ và tiến độ của các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện xây dựng CQĐT. Cùng với đó, dự thảo nguồn tài chính cho từng giai đoạn.
Nhiều đại biểu cũng băn khoăn có nên xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu hay thuê dịch vụ. Bên cạnh đó, hiện trạng CNTT cấp huyện, xã đã xuống cấp, trình độ cán bộ còn hạn chế nên việc triển khai xây dựng CQĐT chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn.
Các đại biểu thống nhất đề nghị đơn vị tư vấn làm rõ các khái niệm về Kiến trúc chính quyền điện tử; hiệu quả của việc triển khai thực hiện CQĐT; xây dựng giải pháp an toàn an ninh thông tin mạng, đào tạo nguồn nhân lực…
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy đánh giá cao chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đã nỗ lực triển khai theo kế hoạch; dự thảo Đề án được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, bám sát các văn bản của Chính phủ, các bộ, ngành, trung ương.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định xây dựng Kiến trúc CQĐT là việc làm mới và khó nên trong quá trình làm rất cần dành nhiều thời gian, công sức để đạt hiệu quả, chất lượng cao nhất.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu. Đồng thời điều chỉnh bổ sung một số nội dung: tên gọi đầy đủ của Đề án sẽ là "Đề án xây dựng Kiến trúc CQĐT tỉnh Yên Bái"; bổ sung khái niệm Kiến trúc CQĐT; đánh giá chi tiết hiện trạng CQĐT tỉnh Yên Bái; những thuận lợi và khó khăn trong xây dựng CQĐT; mục tiêu, nguyên tắc và hiệu quả xây dựng CQĐT; các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chủ yếu theo từng lộ trình cụ thể; trách nhiệm của các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành tiếp tục tham gia và gửi ý kiến cho Sở Thông tin & Truyền thông trước ngày 25/8. Chủ đầu tư và đơn vị tư vấn sớm hoàn thiện Đề án, trước 10/9.
Minh Huyền - Quyết Thắng