Ngăn ngừa hành vi lợi dụng internet, mạng xã hội để xuyên tạc về quyền con người
- Cập nhật: Thứ hai, 10/9/2018 | 2:21:00 PM
Chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong điều kiện internet, MXH là đầy đủ, thuận lợi. Tuy nhiên, khi sử dụng internet, mạng xã hội cần nhận thức đúng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Ảnh minh họa. Nguồn: http://vietnamnet.vn
|
Nhiều người cho rằng internet, MXH đã tạo ra một thế giới thứ hai-thế giới mạng-thế giới ảo. Các nhà khoa học thì cho rằng với internet, MXH, nhân loại có thêm một hệ sinh thái mới-hệ sinh thái số. Đó là một hệ thống thông tin trên tất cả lĩnh vực được lưu giữ có thể dễ dàng tìm kiếm (trên Wikipedia) và nhiều công cụ tìm kiếm, trao đổi thư từ (trên Google, Yahoo) và tương tác trực tuyến trên Facebook.
Ở Việt Nam, trên lĩnh vực chính trị, những phần tử cơ hội đã lợi dụng internet, MXH để nhằm vào việc chống phá, hòng lật đổ chính quyền nhân dân, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN), như: xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam; bôi nhọ chính quyền các cấp… kêu gọi người dân biểu tình, gây rối…
Vừa qua (16-8-2018), Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Lê Đình Lượng (sinh năm 1965) trú tại xóm 9, xã Hợp Thành (Yên Thành, Nghệ An), bị truy tố về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại Điều 79 Bộ luật Hình sự năm 1999. Theo cáo trạng, liên tục trong thời gian dài, Lượng lập tài khoản trên Facebook để tán phát hàng trăm thông tin, clip có nội dung chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, kích động tuần hành, biểu tình, gây rối an ninh trật tự. Trước đó, nhiều bị cáo, như: Trần Thị Nga (Hà Nam), Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Đà Nẵng) cũng có hành vi tương tự-lập tài khoản trên MXH, tán phát bài viết, các clip với nội dung thông tin bịa đặt nhằm chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Tất cả các đối tượng nêu trên đều bị cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Các thế lực thiếu thiện cảm với Việt Nam ở nước ngoài cũng sớm lợi dụng internet, MXH để đưa thông tin can thiệp, chống phá chế độ xã hội, Nhà nước Việt Nam. Điển hình là hằng năm Hoa Kỳ công bố hai bản Phúc trình thường niên về tình hình nhân quyền và tình hình tôn giáo trên thế giới đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao và sứ quán Hoa Kỳ, sau đó được các cơ quan báo chí, hãng thông tấn phương Tây, như: BBC, RFA, VOA, RFI đưa lại. Trong các bản "Phúc trình” nói trên, Hoa Kỳ thường xuyên tạc chính sách, pháp luật Việt Nam, đặc biệt là xuyên tạc quyền tự do ngôn luận, báo chí, tự do internet ở Việt Nam. Chứng cứ mà họ bao biện cho hành vi của mình thường là những vụ án về tội phạm lợi dụng tự do ngôn luận, báo chí, lợi dụng internet, MXH để tán phát các thông tin xấu độc chống phá chế độ xã hội và Nhà nước Việt Nam.
Gần đây, trong dịp Quốc hội khóa XIV thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (gọi tắt là dự án Luật Đặc khu) và Luật An ninh mạng, nhiều trang mạng phương Tây cho rằng cơ quan chức năng của Việt Nam đã sử dụng "hai điều luật cực kỳ mơ hồ trong Bộ Luật Hình sự là Điều 88 về tội "tuyên truyền chống nhà nước” và Điều 258 về "lợi dụng các quyền tự do dân chủ” để bắt bớ và bỏ tù nhiều người bất đồng chính kiến”. Những cuộc biểu tình, gây rối (ngày 10 và 11-6-2018) ở một số địa phương gần đây với cái cớ là phản đối dự án Luật Đặc khu, Luật An ninh mạng, thực tế là đã có bàn tay của các thế lực thù địch ở nước ngoài lợi dụng internet, MXH để kích động nhân dân chống lại chính quyền. Nối tiếp những hành động trên, ngày 12-7-2018, một số nghị sĩ cực hữu Hoa Kỳ (nhóm Vietnam Caucus) soạn thảo văn bản, "kêu gọi” lãnh đạo công ty Facebook và Google không chuyển văn phòng lưu trữ dữ liệu cá nhân người dùng ở nước ngoài về Việt Nam.
Trên lĩnh vực quyền con người (QCN), sự ra đời của thế giới ảo, hệ sinh thái số dựa trên internet, MXH là cơ sở KHCN quan trọng hàng đầu trong nâng cao khả năng bảo đảm của nhà nước, sự hưởng thụ các quyền và tự do của người dân trên tất cả lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực báo chí và tiếp cận thông tin. Chính sách, pháp luật nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tăng cường phát triển KHCN và hội nhập quốc tế, trong đó có kết nối internet, đồng thời tôn trọng và bảo đảm QCN trên tất cả lĩnh vực, trong đó có tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin.
Hiến pháp 2013 dành cả Chương II quy định về "QCN, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Thể chế hóa Hiến pháp 2013, Quốc hội Việt Nam đã chỉnh sửa và xây dựng nhiều văn bản luật nhằm bảo đảm những quyền trên. Trước Hiến pháp 2013, Chính phủ đã ban hành nghị định về "Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng” (15-7-2013). Trong nghị định này, Chính phủ xác định chính sách phát triển, quản lý internet của Nhà nước Việt Nam là: "Thúc đẩy việc sử dụng internet…; khuyến khích phát triển ứng dụng tiếng Việt…; phát triển hạ tầng internet băng rộng… chú trọng việc phổ cập dịch vụ internet ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; ngăn chặn những hành vi lợi dụng internet gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục...”.
Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 quy định nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin: "Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ; việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật...”.
Theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin thì quyền tiếp cận thông tin là một quyền có thể bị hạn chế hoặc là quyền có điều kiện. Các hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm: "Cố ý cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, trì hoãn việc cung cấp thông tin; hủy hoại thông tin; làm giả thông tin… Cung cấp hoặc sử dụng thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, gây kỳ thị về giới, gây thiệt hại về tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức...” (Điều 11). Như vậy có thể nói, khuôn khổ chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo đảm QCN trong bối cảnh internet, MXH là đầy đủ, đồng thời những quy định của pháp luật Việt Nam hoàn toàn tương thích với luật quốc tế về QCN.
Trên thực tế, việc bảo đảm QCN trong lĩnh vực tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin được Đảng và Nhà nước Việt Nam thực hiện khá sớm. Việt Nam hòa mạng internet toàn cầu từ ngày 1-12-1997. Theo tổ chức nghiên cứu về MXH quốc tế-Next Web, hiện nay Việt Nam nằm trong "Top 10 quốc gia có nhiều người dùng Facebook nhất thế giới" với 64 triệu người, chiếm 3% tổng số tài khoản Facebook toàn cầu. Người dân có thể đăng lên mạng và tải về các video/clip hoàn toàn không bị cấm đoán nếu không vi phạm pháp luật.
Ngoài các đài phát thanh, truyền hình quốc gia và các tỉnh, thành phố, hiện nay Việt Nam có tới 74 báo và tạp chí điện tử, 336 MXH, 1.174 trang thông tin điện tử được cấp phép hoạt động. Giá dịch vụ internet ở Việt Nam vào loại rẻ nhất khu vực. Người nước ngoài và người dân Việt Nam có thể tiếp cận tin tức của các cơ quan thông tấn, báo chí trên thế giới, như: AFP, AP, BBC, VOA, Reuters, Kyodo, Economist, Financial Times… mà không có bất kỳ hạn chế nào.
Các tin khác
Bộ Chính trị quyết định chuẩn y đồng chí Giàng Páo Mỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lai Châu nhiệm kỳ 2015-2020.
YBĐT - Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam là thành viên trong hệ thống chính trị, có vai trò quan trọng tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, vận động, giáo dục quần chúng và thu hút các lực lượng xã hội vào các phong trào cách mạng thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng.
YBĐT - Ngày 10/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào hai dự thảo Luật Chăn nuôi và Luật Trồng trọt trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Đồng chí Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì Hội nghị.
YBĐT - Ngày 9/9, đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đến kiểm tra công tác di dân đến khu vực an toàn của huyện Mù Cang Chải. Cùng đi có lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh; các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp.