Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã tăng cường lực lượng chiếm đóng, đẩy mạnh xây dựng bộ máy cai trị tay sai của chúng ở vùng đất này. Đầu năm 1952, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn mới. Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc. Đợt 1, sẽ tập trung binh lực tiêu diệt địch ở phân khu Nghĩa Lộ, giải phóng Nghĩa Lộ.
Đợt 2, sẽ nhanh chóng tiến sang Sơn La, cô lập làm rối loạn hậu phương của địch. Ngay từ tháng 5/1952, quân và dân Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Yên Bái đã tập trung chuẩn bị mọi mặt để phối hợp chuẩn bị chiến dịch; dân quân, du kích cùng bộ đội địa phương đã dẫn đường đưa quân báo của Đại đoàn 308 vào vùng địch khảo sát nắm bắt tình hình; bảo vệ an toàn các con đường từ vùng tự do vào Nghĩa Lộ.
Ngày 14/10/1952, chiến dịch Tây Bắc bắt đầu. Đến 17 giờ 5 phút ngày 17/10, bộ đội ta bắt đầu tiến công vào cứ điểm Nghĩa Lộ. Trung đoàn 102 - Đại đoàn 308 tiến công cứ điểm Pú Chạng (tức Nghĩa Lộ đồi) - nơi đặt sở chỉ huy phân khu của địch.
Sau hơn 3 giờ chiến đấu ác liệt, quân ta đã hoàn toàn làm chủ cứ điểm này, tiêu diệt và bắt sống 400 tên địch, trong đó có tên quan tư Ti-ri-ông - Chỉ huy trưởng Phân khu, thu toàn bộ vũ khí quân trang, quân dụng. 3 giờ 5 phút sáng ngày 18/10, Trung đoàn 88 - Đại đoàn 308 nổ súng tiến công cứ điểm Nghĩa Lộ phố. Địch dựa vào hầm ngầm, lô cốt kiên cố điên cuồng chống cự nhưng với sức tiến công mạnh mẽ, áp đảo chỉ sau 2 giờ 20 phút chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ 280 tên địch, thu nhiều vũ khí chiến lợi phẩm. 5 giờ 30 phút ngày 18/10, sau 12 giờ chiến đấu ác liệt hai cứ điểm kiên cố nhất của Phân khu Nghĩa Lộ đã bị xóa sổ.
Đêm 18/10/1952, quân ta tiếp tục tiến công vị trí Cửa Nhì, tiêu diệt và bắt sống gần 250 tên địch. Bọn địch ở Gia Hội vội rút lên Tú Lệ và tháo chạy sang Sơn La, bộ đội Sư đoàn 312 bám sát truy kích địch, tiêu diệt và bắt giữ gần 400 tên. Nghĩa Lộ và các xã trong huyện Văn Chấn được hoàn toàn giải phóng.
Chiến dịch Tây Bắc mở màn thắng lợi, Nghĩa Lộ, Văn Chấn và tỉnh Yên Bái được giải phóng hoàn toàn khỏi ách thống trị của thực dân Pháp.
Chiến thắng Nghĩa Lộ đã đập tan mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ sông Đà của địch, mở thông đường vào Tây Bắc, nối liền với căn cứ địa Việt Bắc; làm tiền đề thuận lợi cho các chiến dịch tiếp theo; tạo thế và lực cho trận quyết chiến, quyết thắng ở Điện Biên Phủ sau này.
Chiến thắng Nghĩa Lộ là sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, là sức mạnh cả về ý chí, tinh thần và vật chất của một dân tộc khát khao độc lập, tự do, không cam chịu nô lệ…
Sau ngày quê hương được giải phóng, nhân dân các dân tộc Nghĩa Lộ đã khẩn trương bắt tay vào khôi phục, xây dựng, ổn định cuộc sống. Phát huy truyền thống cách mạng, trong thời kỳ đổi mới hiện nay, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc thị xã đã ra sức thi đua lao động sản xuất, xây dựng thị xã Nghĩa Lộ ngày càng giàu đẹp.
Đến nay, sau hai năm rưỡi triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XIII, với sự chủ động, tích cực và quyết tâm chính trị cao của hệ thống chính trị thị xã, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh đã giành được những thắng lợi cơ bản và toàn diện.
Kinh tế duy trì tăng trưởng khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng; thương mại - dịch vụ và du lịch phát triển mạnh tạo nền tảng vững chắc cho cả nền kinh tế. Hiện, thị xã có 135 nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, dịch vụ ăn uống, trong đó có 27 khách sạn, nhà nghỉ với 314 phòng, có 15 hộ kinh doanh du lịch cộng đồng hiệu quả. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 184/165 tỷ đồng; đón và phục vụ 75.000/60.000 lượt khách du lịch.
Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển ổn định; sản xuất nông nghiệp có bước phát triển, giá trị thu nhập/1 ha canh tác đạt 135,5 triệu đồng; xây dựng cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ tạo điều kiện cho các ngành kinh tế, dịch vụ phát triển. Thị xã đã mở mới và nâng cấp các tuyến giao thông; đầu tư xây dựng, kiên cố hóa 97,8% tuyến đường trục chính các xã, bê tông hóa 70% tuyến đường nội bộ thôn, bản, tổ dân phố.
Xác định thương mại - dịch vụ và du lịch phát triển mạnh tạo nền tảng vững chắc cho cả nền kinh tế, thị xã đang tập trung xây dựng tuyến phố văn hóa thương mại.
Lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ và tiếp tục thu được nhiều kết quả quan trọng; sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế tiếp tục khẳng định được chất lượng, dịch vụ; công tác xóa đói giảm nghèo, công tác dân số, gia đình, trẻ em được quan tâm chăm lo. Trong những năm gần đây, thị xã đã có 1.200 lao động được tạo việc làm hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 6%. Quốc phòng an ninh được củng cố và giữ vững, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường đẩy mạnh theo hướng tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy và tổ chức cơ sở Đảng, gắn với đẩy mạnh công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Năng lực lãnh đạo, hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền được nâng lên; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng có những đổi mới tích cực. Tư tưởng cán bộ, đảng viên, nhân dân và xã hội đồng thuận, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước.
Kỷ niệm 66 năm Ngày giải phóng Nghĩa Lộ, Đảng bộ và nhân dân thị xã ra sức thi đua lao động, sản xuất, quyết tâm hoàn thành xuất sắc các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã khóa XIII đã đề ra, phấn đấu đến năm 2020, Nghĩa Lộ cơ bản hoàn thành các tiêu chí của đô thị loại III và đạt các tiêu chí của đô thị văn hóa miền núi phía Bắc.
Thành Trung