Thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã có những hoạt động cụ thể, thiết thực, từng bước thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần, tiềm năng, sức sáng tạo giúp hội viên phụ nữ khởi nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.
Nhân kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, phóng viên Báo Yên Bái đã trao đổi với đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh về nội dung này.
Phóng viên: Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” nhận được sự quan tâm của phụ nữ, nhất là các nữ doanh nhân và chị em có ý tưởng khởi nghiệp, xin đồng chí cho biết nội dung chính của Đề án?
Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh: Ngày 30/6/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 939/QĐ - TTg phê duyệt "Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”. Căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Hội LHPN tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 192/KH-UBND ngày 30/10/2017 thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” trên địa bàn tỉnh Yên Bái nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ.
Giải quyết các khó khăn trong việc giúp phụ nữ khởi nghiệp, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập; tham gia bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết mới thành lập của phụ nữ... Đề án được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2017 - 2020, giai đoạn 2 từ năm 2018 - 2025 với những nội dung chính sau:
Một là, tuyên truyền, vận động phụ nữ nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; vai trò của phụ nữ đối với phát triển kinh tế.
Hai là, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh doanh và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh, khởi nghiệp cho phụ nữ có ý tưởng kinh doanh; hỗ trợ pháp lý, xây dựng nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ cho phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận tín dụng...
Ba là, nghiên cứu, đề xuất chính sách, kiểm tra giám sát việc thực hiện chính sách luật pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp cho phụ nữ...
Phóng viên: Với những mục tiêu cụ thể giai đoạn 2017 - 2025, Hội LHPN tỉnh đã và sẽ triển khai thực hiện Đề án như thế nào để đạt kết quả cao nhất, thưa đồng chí?
Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh: Mục tiêu cụ thể của Đề án giai đoạn 2017 – 2025 là phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 90% cán bộ Hội chuyên trách các cấp tham gia triển khai Đề án được nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; 70% hội viên phụ nữ được tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp; 2.500 phụ nữ học nghề, giúp ít nhất 800 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; phấn đấu đến năm 2.025 tư vấn, hỗ trợ thành lập mới 20 Hợp tác xã (HTX)/Tổ hợp tác (THT) do phụ nữ quản lý. Để đạt được những mục tiêu đó, Hội LHPN tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Về công tác tuyên truyền, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đến cán bộ, hội viên phụ nữ nhằm cung cấp thông tin, vận động phụ nữ nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; vai trò của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế xã hội.
Khuyến khích phụ nữ tích cực tham gia xây dựng các ý tưởng, kế hoạch khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh; xây dựng tài liệu tuyên truyền về đề án; phóng sự, chuyên trang, chuyên mục bài viết tuyên truyền về phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự thành công về phát triển kinh doanh, các mô hình về phát triển kinh tế có thu nhập cao do phụ nữ làm chủ trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, Trung ương, mạng xã hội...
Đồng thời, tổ chức các hoạt động truyền thông tại cộng đồng về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; tổ chức phát động "Ngày Phụ nữ khởi nghiệp”; hỗ trợ hướng dẫn phụ nữ cách thức xây dựng ý tưởng kinh doanh để tham dự ngày phụ nữ khởi nghiệp của tỉnh và Trung ương Hội LHPN Việt Nam.
Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn nâng cao năng lực cho cán bộ Hội các cấp, doanh nghiệp, HTX, THT do nữ quản lý về các kiến thức, kỹ năng kinh doanh, quản lý điều hành doanh nghiệp, HTX, THT; hỗ trợ cho phụ nữ xây dựng ý tưởng khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh.
Cùng với đó là công tác hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, THT do nữ làm chủ mới thành lập tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, các quỹ tín dụng trong các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm...; quan tâm ưu tiên đối với hộ nghèo, khó khăn có nhu cầu tiếp cận và xây dựng ý tưởng, ưu tiên cho các mô hình kinh tế tập thể, hộ kinh doanh có ý tưởng sáng tạo hiệu quả.
Tiếp tục phối hợp với Hội Nữ doanh nhân của tỉnh tổ chức các hoạt động kết nối xúc tiến thương mại giới thiệu quảng bá các sản phẩm dịch vụ của tỉnh với các tỉnh bạn; phối hợp với các ngành chức năng tư vấn pháp lý, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác do nữ làm chủ đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ thương hiệu sản phẩm cho phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh có sự đổi mới sáng tạo, quan tâm các sản phẩm đặc sản của địa phương.
Có thể nói, Hội LHPN tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo, hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế với nhiều hình thức đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, toàn tỉnh có 5.561 mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi có thu nhập từ 200 triệu đồng/năm trở lên. Trong đó, trên 500 triệu đồng/năm có 74 mô hình.
Phóng viên: Những khó khăn và giải pháp khắc phục khi thực hiện Đề án là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh: Đây là một Đề án mới nên gặp không ít khó khăn. Khi phụ nữ bắt đầu khởi nghiệp và kinh doanh phần lớn đều thiếu kiến thức và kỹ năng kinh doanh, đa số phụ nữ khởi nghiệp với số vốn ban đầu ít, thiếu thông tin về thị trường, hạn chế khả năng tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp….
Bên cạnh đó, các vấn đề về tâm lý, sức khỏe và với thiên chức là người vợ, người mẹ trong gia đình cũng được xem là trở ngại của phụ nữ khi nuôi mong ước khởi nghiệp. Bởi vậy, muốn khởi nghiệp thành công đòi hỏi phụ nữ phải có động lực lớn cùng khả năng cân bằng cuộc sống, bản lĩnh trước những khó khăn, thách thức và đặc biệt là nhận được sự ủng hộ của người thân trong gia đình…
Hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế được Hội LHPN tỉnh Yên Bái xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài của Hội. Vì vậy, thời gian tới các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh sẽ nâng cao hơn nữa nhận thức của phụ nữ về khởi nghiệp, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh.
Chủ động đồng hành với các cấp chính quyền tận dụng tối đa lợi thế, khắc phục khó khăn giúp phụ nữ khởi nghiệp. Hội LHPN tỉnh cũng phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh để tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, giải đáp những vướng mắc, tháo gỡ những khó khăn để các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có điều kiện phát triển; tiếp tục duy trì có hiệu quả và nhân rộng mô hình hoạt động của Hội Nữ doanh nhân tỉnh và các câu lạc bộ nữ doanh nhân trên toàn tỉnh; tích cực vận động phụ nữ đẩy mạnh việc thực hiện các phong trào phụ nữ để các chị em phấn khởi tự tin, mạnh dạn khởi nghiệp, vươn lên trong cuộc sống, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!