Trong tháng 10 này, UBND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản 4750/UBND-KGVX yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Đây là một trong những nỗ lực của TP Hà Nội nhằm nâng cao quản lý, đưa ngành dịch vụ này vào khuôn khổ. Tuy nhiên, đây vẫn là một vấn đề khá nan giải đối với các nhà quản lý khi vẫn còn rất nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện.
Cục An toàn thực phẩm cho biết, việc xử phạt hành chính các vi phạm về an toàn thực phẩm từ trước đến nay được áp dụng theo Nghị định 178/2013/ NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, có thể phạt hành chính tối đa tới 100 triệu đồng với cá nhân, 200 triệu đồng với doanh nghiệp, nhưng mức xử phạt vẫn được cho là chưa đủ sức răn đe. Từ ngày 20/10/2018, Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 4/9/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (thay thế Nghị định 178/2013/NĐ-CP) sẽ chính thức có hiệu lực. Nghị định này chỉ quy định hình thức xử phạt hành chính là phạt tiền, bỏ hình thức cảnh cáo và tăng mức phạt tiền ở các hành vi tối đa lên gấp 5 - 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm…
Theo thống kê, toàn TP Hà Nội có đến gần 14.000 cơ sở dịch vụ ăn uống và gần 6.000 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội đã triển khai thí điểm mô hình quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại một số địa phương từ năm 1998. Đến nay, mô hình này đã được nhân rộng ở 30 tuyến phố văn minh thương mại, 198 phường - thị trấn và sắp tới sẽ được thực hiện trên toàn bộ địa bàn Hà Nội.
Lãnh đạo Sở Y tế cho hay, mô hình này mang hiệu quả tốt, giúp cải thiện điều kiện vệ sinh cơ sở, ý thức chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm... Tuy nhiên, do số lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đông đảo, lại luôn biến động nên việc quản lý rất khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều quán ăn bình dân, giá rẻ không đủ điều kiện vệ sinh, nguyên liệu và dụng cụ không đảm bảo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn đang hoạt động. Lý do là bởi chính quyền địa phương xử phạt còn nhẹ tay, chủ yếu là nhắc nhở nên không đủ tính răn đe. Nhưng thời gian tới, khi Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực sẽ tăng tính cảnh cáo các cơ sở vi phạm.
Được biết, TP Hà Nội cũng đã cấp kinh phí cho các quận, huyện tham gia thí điểm tổ chức tập huấn, cấp phát và hỗ trợ các hộ kinh doanh những vật dụng cần thiết và đạt tiêu chuẩn để buôn bán. Tuy nhiên, nhiều hộ vẫn không chú trọng đến nguồn gốc thực phẩm, rất khó kiểm soát. Đa số các cơ sở chưa niêm yết giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm; chưa có biển hiệu phân khu riêng biệt giữa thực phẩm chín và sống.
Công việc quản lý, kiểm soát, đảm bảo an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố vẫn đang được các ban ngành thực hiện và đẩy mạnh trong thời gian qua. Theo Sở Y tế Hà Nội, qua kết quả kiểm tra, giám sát gần 900 lượt tại 386 cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống của 8 tuyến phố thí điểm an toàn thực phẩm có kiểm soát trong 8 tháng năm 2018 cho thấy, tỷ lệ các tiêu chí an toàn thực phẩm đạt từ hơn 53% đến 93%. Lực lượng chức năng của các quận, huyện đã nhắc nhở tại chỗ với 58 cơ sở, phê bình 18 cơ sở trên loa truyền thanh, phạt tiền gần 15 triệu đồng các cơ sở vi phạm.
(Theo VTV)