- Thủ tướng đã có nhiều hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức tới Áo, Bỉ và Đan Mạch, EU và dự Hội nghị ASEM 12, P4G. Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa và kết quả nổi bật của các chuyến thăm song phương EU và 3 nước thành viên.
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Trong chưa đầy một tuần, từ 14-20/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có một chương trình hoạt động dày đặc với 3 điểm đến là Cộng hòa Áo, Vương quốc Bỉ và Vương quốc Đan Mạch, 6 mục tiêu quan trọng là thăm chính thức 3 nước trên và Liên minh châu Âu, dự Hội nghị Cấp cao Á – Âu lần thứ 12 (ASEM 12) và dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu đến 2030 (P4G).
Trong chuyến công tác này, Thủ tướng Chính phủ đã có 70 bài phát biểu tại gần 50 hoạt động như hội đàm với Thủ tướng các nước, tiếp kiến Tổng thống Áo, Nhà vua Bỉ, Nữ hoàng Đan Mạch, hội kiến và gặp lãnh đạo Quốc hội các nước, lãnh đạo EU, lãnh đạo địa phương, dự Diễn đàn và Bàn tròn doanh nghiệp, tiếp Lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu EU, gặp gỡ kiều bào và nói chuyện với sinh viên đại học.
EU là các đối tác rất quan trọng của ta, là đối tác thương mại thứ ba sau Trung Quốc, Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai sau Mỹ, nhà đầu tư lớn thứ năm vào Việt Nam. Áo hiện là Chủ tịch luân phiên của EU trong sáu tháng cuối năm 2018, đang rất tích cực ủng hộ Việt Nam trong quan hệ với EU. Bỉ có hợp tác đa dạng với Việt Nam từ cấp trung ương đến cấp vùng, cộng đồng. Đan Mạch là đối tác toàn diện của Việt Nam.
Các nước và EU đã đón tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn rất trọng thị và trao đổi thẳng thắn, thực chất; bày tỏ hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam, nhấn mạnh quan hệ song phương đang trên đà phát triển tốt, đồng thời cần nỗ lực để đưa hợp tác phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn, gia tăng tính đối tác và đáp ứng tốt hơn các yêu cầu phát triển của mỗi bên; đánh giá cao vai trò, vị thế khu vực và quốc tế của Việt Nam, mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong ASEM, hợp tác ASEAN-EU, Liên Hợp Quốc. Lãnh đạo các nước và EU cũng bày tỏ ủng hộ việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đã trao đổi với với các đối tác nhiều định hướng tăng cường và mở rộng quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển đến hợp tác quốc phòng, năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như hợp tác tại các diễn đàn đa phương. Với EU, ta cũng trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong khai thác thủy sản bền vững, trong đó EU ủng hộ các nỗ lực của Việt Nam trong khắc phục các vấn đề liên quan tới khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU fishing), tiến tới việc gỡ bỏ thẻ vàng cho khai thác hải sản Việt Nam.
Một nội dung nổi bật xuyên suốt là việc hai bên cùng nỗ lực thúc đẩy sớm ký kết, phê chuẩn và thực thi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA), hiện thực hóa những cơ hội to lớn mà hiệp định này mang lại cho cả hai bên. Việc ngay trong chuyến thăm, Uỷ ban châu Âu đã thông qua quyết định trình EVFTA lên Hội đồng châu Âu xem xét chấp thuận ký chính thức là một quyết định kịp thời, đáp ứng yêu cầu hiện nay và lợi ích của hai bên.
Dư luận đánh giá đây là một thông điệp quan trọng, nhiều ý nghĩa, khẳng định cam kết của cả Việt Nam và EU đối với hệ thống thương mại đa phương mở. Tiếng nói của các doanh nghiệp EU đều thể hiện sự mong đợi sớm triển khai hiệp định này. Kết quả này cùng với việc ta thông báo Quốc hội chuẩn bị xem xét phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong tháng 11 tới đã đề cao hình ảnh Việt Nam đi đầu tham gia các liên kết kinh tế tiêu chuẩn cao, đóng góp thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu, tạo niềm tin đối với các nhà đầu tư.
Các cuộc hội đàm, trao đổi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo và với đại diện doanh nghiệp các nước thể hiện sự tìm tòi những hướng đi mới cho hợp tác. Áo cam kết tiếp tục duy trì hợp tác phát triển với Việt Nam, muốn Áo trở thành một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam ở khu vực, triển khai sâu hơn hợp tác hai nước trên các lĩnh vực hạ tầng đường sắt, y tế, du lịch, đào tạo, thương mại điện tử, khoa học công nghệ, du lịch. Bỉ muốn đưa hợp tác về nông nghiệp trở thành một lĩnh vực ưu tiên giữa hai nước và đã cùng ta thống nhất những định hướng xây dựng một mối quan hệ có tính chiến lược trong lĩnh vực này, phục vụ cho tăng trưởng xanh cũng như phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đan Mạch đề nghị hợp tác hướng mạnh hơn cho việc phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững, phát triển năng lượng sạch.
Các diễn đàn và tọa đàm doanh nghiệp thu hút sự tham dự của đông đảo lãnh đạo, đại diện các tập đoàn, công ty, đông nhất là tại Bỉ với 250 doanh nghiệp EU, Bỉ và Việt Nam. Ngay trong chuyến đi, đã có 3 Tuyên bố chung và 30 thỏa thuận hợp tác cấp Chính phủ, địa phương và giữa các doanh nghiệp được thông qua hoặc ký kết.
Chuyến thăm chính thức Áo, Bỉ, Đan Mạch và EU lần này của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thành công tốt đẹp, tạo ra nhiều đột phá, là động lực quan trọng đưa quan hệ hợp tác Việt Nam với các đối tác tiếp tục đi vào chiều sâu, theo hướng toàn diện hơn, hiệu quả hơn, thiết thực hơn, mang lại lợi ích nhiều hơn cho cả hai bên, đồng thời, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề chung của quốc tế.
- Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 12 (ASEM 12) với chủ đề "Châu Á và châu Âu: Quan hệ đối tác toàn cầu nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu" vừa diễn ra ngày 18-19/10 tại Brussels, Bỉ, được đánh giá có ý nghĩa quan trọng đối với hợp tác Á – Âu. Xin Thứ trưởng cho biết những kết quả nổi bật và ý nghĩa của Hội nghị?
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 12 diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và hai châu lục chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc. Hội nghị đã thông qua "Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEM 12" với những thỏa thuận quan trọng, chuyển đi thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm của các thành viên ASEM tăng cường quan hệ đối tác Á - Âu nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu, đồng thời đề ra những định hướng nâng tầm hợp tác ASEM trong thời gian tới.
Một là, cần phát huy vai trò đi đầu thúc đẩy hợp tác đa phương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, bao trùm, củng cố và cải cách Tổ chức thương mại thế giới (WTO), chống lại mọi hình thức bảo hộ và các biện pháp bảo hộ đơn phương. Các thành viên cũng nhất trí hơn lúc nào hết ASEM cần tiên phong trong triển khai Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó chú trọng phát triển bao trùm về kinh tế - xã hội và vì người dân, giảm nghèo, giáo dục chất lượng, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, ứng phó thiên tai và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên, an ninh lương thực, quản trị đại dương, đẩy mạnh hợp tác liên khu vực về bảo vệ nguồn nước, điển hình là hợp tác hai tiểu vùng Mê Công và Đa-nuýp.
Hai là, thúc đẩy kết nối thành một định hướng hợp tác của ASEM. Lần đầu tiên ASEM thông qua chương trình hành động về kết nối với các lĩnh vực ưu tiên như kết nối chính sách, kết nối bền vững, kết nối thương mại và đầu tư, kết nối số, kết nối con người và kết nối nhằm ứng phó với các thách thức an ninh. Bên cạnh đó, các thành viên nhất trí tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư, hệ thống giao thông và hạ tầng bền vững, liên kết Á – Âu, ứng phó hiệu quả với các thách thức từ nền kinh tế số, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Nhằm thúc đẩy giao lưu nhân dân, các thành viên cam kết thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố Á-Âu, tổ chức lễ hội văn hóa ASEM thường kỳ và đối thoại liên tín ngưỡng
Ba là khẳng định cam kết duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Các thành viên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), kiềm chế không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không có các hành động đơn phương trái với UNCLOS, triển khai các biện pháp xây dựng lòng tin và tự kiềm chế. Trên tinh thần đó, Hội nghị ủng hộ đóng góp quan trọng của ASEAN vào hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở châu Á - Thái Bình Dương và thế giới cũng như vai trò của ASEAN trong cấu trúc khu vực.
Thành công của Hội nghị Cấp cao ASEM 12 tiếp tục khẳng định tính thiết thực, sự phát triển năng động và vị thế của Diễn đàn ASEM, tạo những động lực mới cho quan hệ đối tác ngày càng năng động và gắn kết giữa châu Á và châu Âu.
- Xin Thứ trưởng cho biết, là thành viên sáng lập ASEM và P4G, và luôn tham gia tích cực, Việt Nam đã có những đóng góp gì cho thành công chung của các Hội nghị lần này?
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Đoàn ta do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã tham gia tích cực và có nhiều đóng góp nổi bật tại Hội nghị ASEM 12 và P4G lần đầu tiên, góp phần vào thành công chung của các Hội nghị này.
Tại ASEM 12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một trong 8 nhà Lãnh đạo của 53 thành viên ASEM được mời phát biểu dẫn đề và có phát biểu quan trọng tại Diễn đàn Doanh nghiệp Á - Âu lần thứ 16.
Tại Hội nghị, các thành viên đánh giá cao nhiều đề xuất thiết thực của ta nhằm nâng tầm quan hệ đối tác Á – Âu trong thập kỷ thứ ba, nhất là đề cao vai trò tiên phong của ASEM trong thúc đẩy hợp tác đa phương và ứng phó với các thách thức toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm kinh tế - xã hội, kết nối các trung tâm đổi mới, sáng tạo, các trung tâm phát triển nguồn nhân lực ASEM, gắn kết mạng lưới doanh nhân nữ.
Để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, chúng ta đề nghị các nước phát triển cần hỗ trợ các nước đang phát triển trong tiếp cận tài chính, chuyển giao công nghệ, đầu tư năng lượng sạch, đồng thời, ASEM cần đóng góp vào những nỗ lực chung về giảm chất thải nhựa ra đại dương, quản lý bền vững nguồn nước xuyên biên giới, thúc đẩy hợp tác giữa tiểu vùng Mê Công và Đa-nuýp. Chúng ta cũng nhận được sự ủng hộ rộng rãi và tham gia đồng tác giả của nhiều thành viên đối với hai đề xuất mới thúc đẩy hợp tác ASEM trong các lĩnh vực phát triển bao trùm về kinh tế và xã hội và kinh tế số trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0.
Các thành viên cũng chia sẻ và hoan nghênh đề xuất của ta về thúc đẩy đối thoại, hợp tác nhằm duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Đông Nam Á, trong đó có Biển Đông, góp phần quan trọng thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết và thịnh vượng ở hai châu lục và trên thế giới. Đề nghị của ta tổ chức đối thoại thường kỳ về thúc đẩy kênh Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEM và đối thoại giữa các Bộ trưởng kinh tế với cộng đồng doanh nghiệp đã được các doanh nghiệp tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Á – Âu lần thứ 16 ủng hộ mạnh mẽ.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu đến 2030 lần đầu tiên được tổ chức theo sáng kiến và dưới sự chủ trì của Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen, sự tham gia của Việt Nam với vai trò là đồng sáng lập viên có ý nghĩa rất quan trọng, được chủ nhà Đan Mạch đánh giá rất cao, các chia sẻ và kiến nghị của ta đưa ra tại Hội nghị được các thành viên ủng hộ, tán đồng.
Thông điệp của Thủ tướng đưa ra tại Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường hợp tác quốc tế trong ứng phó biến đổi khí hậu; khẳng định Việt Nam sẽ chung tay hành động cùng với các chính phủ thành viên của Diễn đàn hiện thực hóa mục tiêu xanh toàn cầu 2030, sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác thực hiện các sáng kiến của Diễn đàn về thúc đẩy các các dự án công tư (PPP) trong tăng trưởng xanh, đặc biệt là về tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo, nông nghiệp và tài nguyên nước, phát triển đô thị thông minh, kinh tế tuần hoàn…
Thủ tướng cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam trong triển khai thực hiện mục tiêu chung của Diễn đàn, trong đó có việc thành lập Diễn đàn quốc gia P4G Việt Nam huy động các bộ, ngành, chính quyền địa phương và doanh nghiệp tích cực tham gia thực hiện các sáng kiến trong quản lý rác thải nhựa và thúc đẩy phân loại rác tại nguồn, cũng như xây dựng mô hình tài chính hỗn hợp trong đầu tư lĩnh vực cấp thoát nước ở Việt Nam.
Trong dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có gần 20 cuộc gặp chính thức và tiếp xúc bên lề với các nhà Lãnh đạo Á – Âu như Thủ tướng Trung Quốc, Nga, Anh, Na Uy, Tây Ban Nha, Phần Lan, Ba Lan, Hà Lan, Italy, Solovenia; Tổng thống Pháp, Hàn Quốc, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu…
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã hội kiến Tổng thống Síp, gặp Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Bồ Đào Nha. Các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương đã góp phần quan trọng, vận động được sự ủng hộ và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa ta với các đối tác, trong đó có nhiều đối tác chiến lược, đối tác toàn diện cũng như các đối tác thương mại, đầu tư hàng đầu của nước ta.
Việc ta tham gia tích cực, chủ động, có nhiều đề xuất, sáng kiến được ủng hộ tại các diễn đàn đa phương như ASEM 12 và P4G vừa qua góp phần quan trọng nhằm thúc đẩy các lợi ích, quan tâm về phát triển và an ninh cũng như nâng cao vị thế đất nước. Theo đó, để tiếp tục triển khai chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương vừa được ban hành, chúng ta cần tiếp tục tham gia chủ động, tích cực, vươn lên đóng vai trò nòng cốt hơn tại các cơ chế hợp tác đa phương quan trọng khác, qua đó nâng cao vai trò vị thế của đất nước, tận dụng các cơ hội của hợp tác đa phương để phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển đất nước.
(Theo VTV)