Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về Dự án Luật Chăn nuôi. Sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến phát biểu của các vị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận ở Tổ và Hội trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật, đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan có liên quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH để chỉnh lý Dự thảo Luật.
Ngày 10/8/2018, tại phiên họp thứ 26, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật theo ý kiến ĐBQH tại kỳ họp 5. Dự thảo Luật cũng đã được gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH. Tính đến ngày 04/10/2018, đã có 61/63 Đoàn ĐBQH gửi báo cáo góp ý về Dự thảo Luật Chăn nuôi.
Về bố cục, nội dung của Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy các ý kiến nêu trên là xác đáng và đã chỉ đạo rà soát, chỉnh sửa Dự thảo Luật, bổ sung một số điều, khoản; kết cấu, chỉnh sửa lại các chương, mục cho rõ ràng và hợp lý hơn, phù hợp với nội hàm điều chỉnh. Dự thảo Luật đã được bổ sung 01 chương mới về chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; bổ sung một số điều quy định về quản lý thức ăn chăn nuôi cho rõ ràng và cụ thể hơn; chỉnh sửa, bổ sung một số quy định về đối xử nhân đạo với vật nuôi (Mục 2, Chương V), bổ sung Mục 1, Chương V về chăn nuôi động vật khác; bổ sung quy định nhằm khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn, kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường tại Chương IV.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định về chiến lược phát triển chăn nuôi (Điều 5), hoạt động khoa học và công nghệ trong chăn nuôi (Điều 6), ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi (Điều 7), xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh (Điều 8), hợp tác, liên kết sản xuất trong chăn nuôi (Điều 9), cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi (Điều 11); chỉnh sửa quy định hợp tác quốc tế về chăn nuôi (Điều 10). Sau khi chỉnh sửa, Dự thảo Luật mới gồm 08 chương 82 điều, tăng 17 điều so với Dự thảo Luật mà Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp 5.
Về chính sách của Nhà nước về chăn nuôi, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng cho biết, Tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh sửa lại quy định về chính sách của Nhà nước về chăn nuôi tại Điều 4. Theo đó, đã phân định các hoạt động mà Nhà nước đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích phù hợp với yêu cầu phát triển chăn nuôi của từng thời kỳ và cụ thể hóa các nội dung này trong các điều, khoản của Dự thảo Luật.
Đối với ý kiến đề nghị bổ sung chính sách về dự trữ quốc gia đối với một số sản phẩm chăn nuôi thiết yếu, theo Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng, UBTVQH nhận thấy việc bổ sung chính sách là cần thiết, tuy nhiên tùy từng thời kỳ, điều kiện thực tế Chính phủ sẽ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh Danh mục hàng dự trữ quốc gia theo quy định của Luật Dự trữ quốc gia. Do đó, không bổ sung nội dung này trong Dự thảo Luật.
Đồng thời, có ý kiến đề nghị bổ sung chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học và công nghệ để đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ vào chăn nuôi, phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm của sản phẩm chăn nuôi.
Về vấn đề này, UBTVQH xin được giải trình như sau: nội dung về nghiên cứu khoa học và công nghệ nói chung, trong đó có nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi đã được quy định trong Luật khoa học và công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ. Do đó, quy định về nội dung này như tại khoản 2 và khoản 3 Điều 4 chính sách của Nhà nước về chăn nuôi; Điều 6 về hoạt động khoa học và công nghệ trong chăn nuôi và Điều 7 về ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi là hợp lý.
Bên cạnh đó, đối với đề nghị bổ sung chính sách của Nhà nước hỗ trợ hoạt động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh lớn, nguy hiểm trong chăn nuôi, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy ý kiến góp ý của các đại biểu là xác đáng vì thực tế chăn nuôi luôn phải đối mặt với các dịch bệnh và cần được Nhà nước hỗ trợ để giảm chi phí cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, việc hỗ trợ hoạt động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh đã được quy định trong pháp luật về thú y.
Do đó, không cần thiết phải bổ sung nội dung này trong Dự thảo Luật Chăn nuôi. Bên cạnh đó, để hướng tới nền chăn nuôi an toàn, kiểm soát tốt dịch bệnh, Dự thảo Luật đã quy định Nhà nước có chính sách hỗ trợ xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, phát triển các mô hình thực hành chăn nuôi tốt (điểm b khoản 2 Điều 4) và hỗ trợ thiệt hại về chăn nuôi, phục hồi giống vật nuôi sau thiên tai, dịch bệnh (điểm đ khoản 2 Điều 4).
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu rõ, bên cạnh các vấn đề chính nêu trên, UBTVQH đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban, Ủy ban Pháp luật, Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát toàn bộ Dự thảo Luật, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý trong từng điều, khoản của Dự thảo Luật, cũng như hoàn thiện kỹ thuật lập pháp và văn phong của Dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau chỉnh sửa thì số lượng các điều, khoản giao Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định đã giảm 12 điều, khoản, so với Dự thảo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp 5.
(Theo quochoi.vn)