Toàn thể kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa I nước Việt Nam DCCH, ngày 6/1/1946.
Bản Hiến pháp gồm: Lời nói đầu, 7 chương và 70 điều. Trong đó, Chương I quy định về Chính thể; Chương II quy định về Nghĩa vụ và Quyền lợi của công dân; Chương III quy định về Nghị viện nhân dân; Chương IV quy định về Chính phủ; Chương V quy định về Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính; Chương VI quy định về Cơ quan Tư pháp; Chương VII quy định về sửa đổi Hiến pháp.
Đặc điểm cơ bản của Hiến pháp năm 1946 được thể hiện trong 3 nguyên tắc cơ bản đó là: Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi; gái, trai; giai cấp; tôn giáo; Đảm bảo các quyền lợi dân chủ; Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân.
Nguyên tắc đoàn kết được đặt lên hàng đầu, thể hiện tại điều 1 và 2 của Hiến pháp: "Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giầu nghèo, giai cấp, tôn giáo (Điều 1). "Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất: Trung, Nam, Bắc không thể phân chia” (Điều 2).
Các tầng lớp nhân dân bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa I, 1/1946.
Trước khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nước ta không có hiến pháp, do vậy nhân dân ta không được hưởng những quyền tự do cơ bản. Chính vì vậy Hiến pháp năm 1946 đã đề ra nghĩa vụ cũng như quyền lợi của công dân như: "Mọi công dân Việt Nam phải: Bảo vệ tổ quốc, tôn trọng Hiến pháp, tuân theo pháp luật (Điều 4) và có nghĩa vụ đi lính” (Điều 5).
"Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa” (Điều 6), "đều được bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình” (Điều 7); những dân tộc thiểu số "được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp với trình độ chung” (Điều 8); "Đàn bà được ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện " (Điều 9).
"Công dân Việt Nam có quyền: tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, tự do đi lại trong nước và ngoài nước” (Điều 10).
Đây cũng là lần đầu tiên vai trò, vị trí và quyền lợi của người phụ nữ được đặt ngang hàng với nam giới.
Về Nghị viện nhân dân, Hiến pháp quy định "Nghị viện nhân dân là cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” (Điều 22), "Nghị viện nhân dân giải quyết mọi vấn đề chung cho toàn quốc, đặt ra các pháp luật, biểu quyết ngân sách, chuẩn y các hiệp ước, và Chính phủ với nước ngoài” (Điều 23…
Hiến pháp năm 1946 cũng quy định "Cơ quan Hành chính cao nhất của toàn quốc là Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” (Điều 43), "Chính phủ gồm có Chủ tịch nước…, Phó chủ tịch và nội các. Nội các có Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thủ trưởng. Có thể có Phó thủ tướng (Điều 44)…
Chính phủ nước Việt Nam DCCH do Quốc hội thành lập sau Tổng tuyển cử, ngày 6/1/1946.
Tính đến nay, nước ta đã ban hành 4 bản Hiến pháp (Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992). Tuy nhiên bản hiến pháp đầu tiên vẫn được đánh giá cao được xem là "…một vết tích lịch sử Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông… Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập… dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do,… phụ nữ Việt Nam đã đươc đứng ngang hàng với đàn ông… Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết công bình của các giai cấp”.
Có thể nói, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một Hiếp pháp mang đậm dấu ấn dân tộc dân chủ, khẳng định nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Thể hiện quyết tâm bảo vệ tổ quốc của toàn dân, xậy dựng thể chế dân chủ cộng hòa, một chế độ bảo đảm quyền tự do dân chủ của mọi công dân Việt Nam.
(Theo baotanglichsu.vn)