PV: Sau 5 năm triển khai Ngày pháp luật Việt Nam, xin Bộ trưởng cho biết một số kết quả nổi bật đã đạt được?
Bộ trưởng Lê Thành Long: Ngày Pháp luật đã được quy định tại Luật phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) 2012, có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Trong đó, nêu rõ: Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Đây là một quy định rất quan trọng trong Luật PBGDPL được các là Bộ, ngành, địa phương và các chủ thể liên quan tiến hành thực hiện rất tốt.
Qua 5 năm thực hiện, Ngày Pháp luật Việt Nam đã có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của cán bộ, công chức và các tầng lớp Nhân dân. Đời sống chính trị, pháp lý, kinh tế, xã hội của đất nước có nhiều chuyển biến tích cực.
Người dân đã và đang tham gia tích cực vào đời sống chính trị - pháp lý của đất nước, qua đó phát huy dân chủ, nâng cao tính hợp lý, khả thi của văn bản và đổi mới hoạt động lập pháp. Thông qua tổ chức Ngày Pháp luật, các Bộ, ngành, đoàn thể và địa phương đã tập trung đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, mà trọng tâm là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế; gắn với triển khai thi hành Hiến pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN mà trọng tâm là các luật về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân. Các quy định pháp luật ngày càng công khai, minh bạch, sát thực tiễn, dễ tiếp cận hơn.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.
Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đã gắn kết chặt chẽ hơn với công tác thi hành và bảo vệ pháp luật; những vấn đề của thực tiễn cuộc sống, với quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, phục vụ hiệu quả cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, góp phần phát triển đất nước.
Công tác PBGDPL đã góp phần quan trọng trong nâng cao văn hóa pháp lý cho mỗi cá nhân, làm chuyển biến ý thức tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật. Nhiệm vụ phản ứng chính sách được thực hiện kịp thời và sát hơn với thực tiễn hơn. Công tác bảo vệ pháp luật được đẩy mạnh, nhiều vụ án lớn đã được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Cùng với đó, mỗi năm trên cơ sở "sườn” chung hướng dẫn triển khai Ngày pháp luật của Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành, địa phương dựa trên đặc thù công việc của mình tổ chức các chủ đề thực hiện nội dung cụ thể, sát với tình hình Bộ, ngành, địa phương.
Cần phải khẳng định kết quả đạt được lớn nhất chính là sức lan tỏa trong xã hội từ Ngày pháp luật!
PV: Như Bộ trưởng vừa chia sẻ, sức lan tỏa từ Ngày Pháp luật là lớn, song thực tế cho thấy việc thực thi pháp luật trong chính Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt cơ quan tư pháp chưa nghiêm?. Bộ trưởng nghĩ sao về vấn đề này?
Bộ trưởng Lê Thành Long: PBGDPL là một khâu rất quan trọng nhưng không phải nói lên tất cả các hiệu quả của thi hành pháp luật, còn phụ thuộc vào những yếu tố khác nữa. Việc PBGDPL, ít nhất giới thiệu các thông tin về pháp luật cho các Bộ, ngành, những chủ thể đứng ra tổ chức thi hành pháp luật và những đối tượng thi hành pháp luật trực tiếp chỉ là một trong số các khâu. Còn các yếu tố khác như: Tính chủ động, nguồn lực thực hiện đối với từng quy định pháp luật cụ thể; ý thức pháp luật của người trực tiếp thi hành pháp luật... Tôi cho rằng lượng hóa vấn đề này thì rất khó, tuy nhiên đánh giá chung thì đã có sự chuyển biến rất rõ nét, đặc biệt từ khi chúng ta tổ chức Ngày pháp luật.
PV: Việc tổ chức Ngày pháp luật đã thực sự lan tỏa hay còn mang tính hình thức, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Lê Thành Long: Tôi cho rằng việc triển khai Ngày pháp luật thực sự đã có tác động đến các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân. Việc lượng hóa thì rất khó, đặc biệt tổ chức Ngày pháp luật là "muôn hình vạn trạng”, nhưng thông qua Ngày pháp luật đã thông tin cho Bộ, ngành, địa phương, nhân dân biết có một "Ngày pháp luật”; quan điểm của Nhà nước về tổ chức thi hành pháp luật, tầm quan trọng và sức lan tỏa của việc tổ chức Hiến pháp. Đây là bước tiến rất quan trọng trong công tác PBGDPL.
PV: Tại phiên chất vấn Quốc hội mới đây, Bộ trưởng nhiều lần nhắc tới trách nhiệm của người đứng đầu Bộ, ngành, địa phương trong ban hành và thực thi văn bản pháp luật là rất quan trọng. Xin Bộ trưởng nói rõ thêm về vấn đề này?
Bộ trưởng Lê Thành Long: Trước hết, thể chế là vấn đề quan trọng, điều chỉnh các lĩnh vực Bộ, ngành quản lý cũng bắt đầu từ thể chế; xử lý những vấn đề phát sinh cũng do thể chế và làm sao bảo đảm kết quả phát triển bền vững của Bộ, ngành cũng phải thông qua công cụ thể chế.
Chính vì vậy, ý thức để tập trung xây dựng thể chế của những người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương là rất quan trọng. Điều này cũng là quan điểm thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
PV: Chủ đề Ngày Pháp luật năm 2018 là: "Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thực thi, bảo vệ pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật, góp phần xây dựng nhà nước liêm chính, hành động, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Theo Bộ trưởng, cần làm gì trong thời gian tới để triển khai chủ đề này hiệu quả?
Bộ trưởng Lê Thành Long: Tôi cho rằng cần 3 yếu tố cơ bản:
Thứ nhất, pháp luật phải khả thi có nghĩa là những quy định của pháp luật về nội dung phải khả thi, không có vướng mắc, chồng chéo giữa các luật hay các quy định pháp luật với nhau.
Thứ hai, sự chủ động và vào cuộc của những người tổ chức thi hành pháp luật. Ở đây, tôi muốn nói đến những người cán bộ công chức, những người trực tiếp cầm cân, nảy mực và có trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật ở các Bộ, ngành, địa phương.
Thứ ba, là ý thức tuân thủ pháp luật của người dân, thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trong thời giứn tới còn khá nhiều việc phải làm, bám sát vào ba yếu tố tôi đã đề cập ở trên.
PV: Nhân ngày Pháp luật Việt Nam, Bộ trưởng muốn gửi gắm điều gì đến bộ, ngành, địa phương?
Bộ trưởng Lê Thành Long: Tôi rất muốn các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các chủ thể được quy định có trách nhiệm PBGDPL trong Luật PBGDPL ý thức rất sâu sắc tầm quan trọng của Ngày pháp luật và chỉ đạo tổ chức thực hiện ngày càng tốt hơn.
Đồng thời, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức thiết thực, tiến hành thường xuyên, liên tục, là công việc hàng ngày để việc học tập, tìm hiểu pháp luật và chấp hành pháp luật trở thành công việc tự thân của mỗi người để ngày 09 tháng 11 thực sự là ngày cao điểm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị - pháp lý của đất nước, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!.
(Theo dangcongsan.vn)