Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, những năm qua, tỉnh Yên Bái luôn chú trọng củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc. Trong đó, xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương vững mạnh toàn diện là nội dung trọng tâm được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện bằng nhiều biện pháp phù hợp.
Trên cơ sở nắm vững nguyên tắc tổ chức xây dựng LLVT của Đảng, đặc điểm địa bàn và nhận thức rõ vị trí, vai trò của LLVT địa phương trong xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị (khóa X), Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với nhiệm vụ quan trọng này.
Trước hết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung xây dựng, ban hành các nghị quyết chuyên đề về xây dựng LLVT địa phương vững mạnh, cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Từ chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chủ động ban hành các chương trình, kế hoạch về xây dựng LLVT cho từng lực lượng, trên từng địa bàn, nhất là trên các địa bàn trọng điểm về quốc phòng - an ninh. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các sở, ban, ngành, đoàn thể và toàn dân, phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan quân sự các cấp trong tham mưu, tổ chức thực hiện.
Đặc biệt, mặc dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh đã luôn quan tâm, bố trí nguồn ngân sách cho công tác quân sự, quốc phòng; trong đó, có ngân sách dành cho xây dựng LLVT địa phương, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của tỉnh trong từng giai đoạn như: Đề án "Tổ chức xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ (DQTV), giai đoạn 2011 - 2015”; Đề án "Tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh, giai đoạn 2016 - 2020”; Đề án "Tổ chức xây dựng lực lượng quân báo - trinh sát, giai đoạn 2016 - 2020”, bước đầu đạt kết quả tích cực, được Bộ Tư lệnh Quân khu 2 đánh giá cao.
Đối với lực lượng thường trực, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng theo hướng "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở; trong đó, ưu tiên kiện toàn tổ chức, biên chế, trang bị cho các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, trên các địa bàn trọng điểm, bảo đảm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Để đạt được mục tiêu trên, cùng với thường xuyên rà soát, kiện toàn tổ chức, biên chế các đơn vị, tỉnh đã chú trọng xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ các cấp; gắn việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này với quy hoạch, bố trí, sử dụng; xây dựng, kiện toàn cấp ủy với xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì và luôn coi đó là khâu then chốt trong xây dựng lực lượng thường trực.
Trong xây dựng lực lượng DQTV, tỉnh đã chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp bám sát Luật DQTV và kết quả của Đề án "Tổ chức xây dựng lực lượng DQTV, giai đoạn 2011 - 2015” để chủ động lập kế hoạch và tham mưu với cấp ủy, chính quyền các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp thực hiện nghiêm các bước trong quy trình tổ chức xây dựng lực lượng này.
Để nâng cao chất lượng xây dựng, hiệu quả hoạt động của lực lượng DQTV, tỉnh đã đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ quân sự cấp xã, phường, thị trấn gắn với củng cố, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở.
Từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tạo nguồn, quy hoạch, đưa đi đào tạo được gần 400 cán bộ ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn theo chương trình trung cấp, cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở; phấn đấu duy trì 100% xã, phường, thị trấn bố trí đủ các chức danh theo quy định, có trên 50% cán bộ quân sự cơ sở có trình độ cao đẳng, đại học.
Tính đến tháng 6/2018, toàn tỉnh đã củng cố, xây dựng xong 307/307 cơ sở DQTV, tổng quân số 15.403 đồng chí; tích cực tham mưu phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên mới trong lực lượng DQTV, giai đoạn 2016-2018 đã phát triển được 635 đảng viên mới, góp phần thực hiện có hiệu quả tiêu chí số 18, xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh...
Thiên Cầm