Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành với sự cần thiết, tên gọi và phạm vi sửa đổi của luật với tinh thần để tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, cụ thể hóa Hiến pháp 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, khắc phục những hạn chế bất cập của luật hiện hành và trong thực tiễn tổ chức triển khai thi hành án hình sự và bảo đảm sự đồng bộ thống nhất các văn bản pháp luật đã được Quốc hội thông qua gồm Bộ Luật hình sự, Bộ Luật tố tụng hình sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam…cũng như phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, nội dung của dự án luật còn nhiều điểm cần phải giải trình thêm, còn chưa rõ về trình tự, thủ tục, cách thực hiện một số quyền và nghĩa vụ của phạm nhân. Một số vấn đề mới như thi hành án với pháp nhân thương mại, thực hiện các biện pháp tư pháp, tha tù trước thời hạn có điều kiện, quyền và nghĩa vụ của pháp nhân, người chấp hành án với một số quyền mới như quyền kết hôn, quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, vấn đề lao động của phạm nhân trong hay ngoài khu vực trại giam, thi hành án đối với người chưa thành niên, người nước ngoài, vấn đề con dưới 36 tháng tuổi theo cha mẹ vào trại giam chấp hành án… là những vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm và đề nghị cần phải quy định cụ thể để bảo đảm tính khả thi khi tổ chức thực hiện.
Liên quan đến thời gian thông qua luật, đa số ý kiến tán thành với ý kiến của Ủy ban Tư pháp đề nghị thông qua luật theo quy trình 03 kỳ họp. Do tính chất phức tạp của dự án Luật, nhiều vấn đề mới chưa có thực tiễn tại Việt Nam, cơ quan chủ trì soạn thảo cần có thêm thời gian hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, bảo đảm chất lượng và các điều kiện khác theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, tạo điều kiện để đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến và cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện, bảo đảm chất lượng của dự án Luật.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn – Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, cho rằng dự án luật còn nhiều vấn đề phải tiếp tục nghiên cứu để có tính khả thi hơn và kiến nghị thông qua dự án luật theo trình tự 3 kỳ họp. Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, cũng đề nghị Quốc hội thông qua dự luật theo quy trình 3 kỳ họp.
Mặc dù tán thành với đề xuất xem xét thông qua dự án Luật theo quy trình tại 3 kỳ họp song đại biểu Hoàng Thị Thu Trang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cũng chỉ ra rằng nếu dự án luật được thông qua theo quy trình 3 kỳ họp thì đến năm 2019 dự án luật mới được thông qua và sớm nhất là đến tháng 12/2019 mới có hiệu lực. Trong khi đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, tức là trong vòng 2 năm chúng ta không có cơ sở pháp lý để tổ chức thi hành các nội dung mới của Bộ luật Hình sự như thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại…Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm để có giải pháp xử lý phù hợp, tránh tình trạng thiếu cơ sở pháp lý để thi hành các quy định của bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi.
Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Phạm Hồng Phong – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, nêu rõ Luật Thi hành án hình sự năm 2010 không quy định việc thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại. Bộ luật Hình sự (sửa đổi) năm 2015 đã có hiệu lực pháp luật vào ngày 01/01/2018 quy định xử lý về hình sự đối với pháp nhân thương mại. Dự thảo Luật Thi hành án hình sự như dự kiến là thông qua 3 kỳ họp thì có hiệu lực ít nhất phải cuối năm 2019. Đặt câu hỏi, trong thời gian chờ đợi Luật Thi hành án hình sự có hiệu lực, cơ quan thi hành án nào thi hành đối với bản án hình sự đối với các pháp nhân thương mại. Vì vậy đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau kỳ họp sẽ có nghị quyết hướng dẫn quy định cơ quan thi hành án đối với các bản án hình sự có hiệu lực đối với pháp nhân thương mại.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị thông qua dự án Luật tại 02 kỳ họp, đáp ứng yêu cầu triển khai các quy định tương ứng của Bộ luật Hình sự về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Mặc dù đây là vấn đề mới nhưng có thể tham khảo kinh nghiệm về xử lý vi phạm hành chính đối với pháp nhân thương mại.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc lùi thời gian thông qua dự án Luật này vì Bộ luật Hình sự đã có hiệu lực thi hành, trường hợp có pháp nhân thương mại bị xét xử, sẽ khó bảo đảm hiệu lực của bản án và việc thi hành quy định tha tù trước thời hạn sẽ thực hiện như thế nào.
Giải trình làm rõ về thời gian thông qua dự án Luật Thi hành án hình, Bộ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Tô Lâm, cho biết, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018, nếu dự án luật này không được thông qua sớm thì một số quy định đã có hiệu lực trong các đạo luật này không được thực hiện cụ thể như việc thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại, việc tha tù trước thời hạn có điều kiện, việc thi hành việc cải tạo không giam giữ, thực hiện án treo v.v... Vì vậy, để đảm bảo việc thực hiện quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thể hiện tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, Ban soạn thảo đề nghị Quốc hội sớm thông qua luật này trong 2 kỳ họp theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 tại Nghị quyết số 34 ngày 08/06/2017 của Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Công an lưu ý rằng, chính vì việc sửa đổi, bổ sung phạm vi của luật mà Ban soạn thảo vẫn đề nghị 2 nhiệm kỳ vì luật này rất quan trọng. Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự có giá trị thực tiễn thì khâu cuối là thi hành án hình sự là khâu quan trọng, có giá trị thực tiễn. Quan trọng hơn, đây là điểm tiến bộ thực hiện quyền công dân trong Hiến pháp đã quy định, những quyền công dân càng được thi hành nguyên tắc càng được áp dụng sớm, càng được thực hiện tốt thì càng thuận lợi, đúng các quy định.
Bộ trưởng Bộ Công an chia sẻ, việc thông qua hai kỳ họp, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm định sẽ rất vất vả, nhưng những cái vất vả đó có thể khắc phục được, sớm khắc phục được; còn nếu trong 3 kỳ họp thì mất khoảng 2 năm thì cuối năm 2020, thậm chí năm 2021 luật này có hiệu lực thì thời gian bị kéo dài.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết về thời gian thông qua luật còn nhiều ý kiến khác nhau. Vì vậy, Đoàn Chủ tịch Quốc hội kỳ họp quyết định lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội ngay trong chiều nay để tổng hợp và sẽ báo cáo Quốc hội vào phiên họp sáng mai - ngày 20/11.
(Theo quochoi.vn)