Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 6 với nhiều nội dung quan trọng.
Chủ tịch Quốc hội cho biết với sự tín nhiệm rất cao, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, được nhân dân và cử tri đánh giá cao.
Bên cạnh đó, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về nhân sự thành viên Chính phủ bảo đảm đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua chín luật và cho ý kiến về sáu dự án luật khác. Đặc biệt, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan với sự đồng thuận rất cao.
Việt Nam là quốc gia thứ 7 phê chuẩn Hiệp định này, điều đó có ý nghĩa quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong việc chủ động hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp cuối năm 2018, cũng là kỳ họp có ý nghĩa sơ kết, đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kinh tế-xã hội, về ngân sách nhà nước. Qua việc đánh giá cho thấy, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh tế-xã hội năm 2018 và ba năm qua vẫn phát triển khá toàn diện.
Việc cơ cấu lại nền kinh tế đã đạt được những kết quả tích cực, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt mục tiêu, tiến độ đề ra. GDP tăng trưởng tích cực, an sinh xã hội và đời sống nhân dân từng bước được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, hoạt động tư pháp, công tác xây dựng chính quyền có nhiều đổi mới, vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới không ngừng được nâng cao.
"Quốc hội đánh giá cao sự điều hành quyết liệt và sát sao của Chính phủ, sự chủ động, nỗ lực, phối hợp hiệu quả của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân về những thành tích nổi bật của năm 2018 và ba năm qua; đồng thời, Quốc hội đã phân tích, chỉ ra những hạn chế, khó khăn, thách thức của nền kinh tế, đề xuất giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm tiếp tục phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã quyết định và thông qua 4 nghị quyết về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước,” Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tại kỳ họp này, Quốc hội đã giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4. Qua đó cho thấy các nghị quyết đã được triển khai nghiêm túc, nhiều cam kết, lời hứa đã được thực hiện và mang lại những kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, được cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao.
Đề nghị không áp dụng chính sách nội trú, bán trú theo tiêu chí ba khu vực
Phát biểu trong phiên thảo luận tại hội tại hội trường về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Giàng A Chu - đại biểu tỉnh Yên Bái đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét và không áp dụng chính sách nội trú, bán trú theo tiêu chí ba khu vực.
Đại biểu bày tỏ nhất trí với quan điểm sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục và cho rằng, trường phổ thông dân tộc nội trú, dân tộc bán trú và các chính sách hỗ trợ cho người học là những chính sách "cứu cánh” cho giáo dục miền núi, dân tộc.
Nhiều năm qua, có thể nói các chính sách này vận hành rất có hiệu quả và tạo điều kiện cho giáo dục vùng này phát triển. Đại biểu khẳng định, đây là chính sách rất chiến lược, chính sách quốc gia để phát triển các vùng kinh tế - xã hội chậm phát triển.
Theo đại biểu, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông có bán trú là yêu cầu thực tế vì cự ly của các cháu đến trường quá xa. Bình thường 7 đến 10 km, cá biệt đi 15 km - 20 km, có nơi còn xa hơn.
"Đường đi lại thì rất xấu, khó đi, phải huy động các cháu đến trường tập trung ở nội trú thì việc các cháu đi học mới đạt tỷ lệ cao, đồng thời mới nâng cao được chất lượng học tập. Cho nên dự thảo luật ở điều 60: "Việc thành lập trường phổ thông dân tộc bán trú chỉ có thể thành lập ở xã đặc biệt khó khăn” là không đúng” - ông Chu nói.
Đại biểu Chu đề nghị, việc thành lập trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có bán trú là không phụ thuộc vào 3 khu vực theo trình độ phát triển. Xã 135, thôn bản 135 mà ra khỏi Chương trình 135 thì cự ly của các cháu không thay đổi; việc các cháu từ thôn, từ bản đến điểm trường đó không hề thay đổi. Nếu như ra khỏi 135 mà hết chính sách hỗ trợ bán trú là không đúng.
"Hiện nay chúng ta đang làm như vậy ở một số xã vùng sâu vùng xa, khi mà hết chương trình 135, cơ sở vật chất được đầu tư rất khang trang, thì hiện nay lại lãng phí và đồng thời các cháu lại đi ăn nhờ, ở trọ tất cả các nơi. Chuyện đó, tôi cho là chúng ta phải sửa” - đại biểu Chu cho biết.
Cho rằng, việc phân định xã loại I, loại II, loại III ở vùng núi là định mức để hỗ trợ cho vùng đặc biệt khó khăn, đại biểu Chu nói: "Chúng ta quá nghèo nên chia ra xã đặc biệt khó khăn, xã loại I, loại II để chúng ta hỗ trợ phù hợp. Còn việc chúng ta áp dụng cho giáo dục là không phù hợp. Cho nên tôi đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét và không áp dụng chính sách nội trú, bán trú theo tiêu chí ba khu vực”.
Minh Quang (lược ghi) |
Quốc hội ghi nhận những nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ, của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ, ngành trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và đánh giá cao trách nhiệm của các vị đại biểu, các cơ quan của Quốc hội trong việc giám sát, theo dõi việc thực hiện các yêu cầu của Quốc hội.
"Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện mức độ tín nhiệm và sự ghi nhận, đánh giá công tâm, khách quan về những nỗ lực, kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.
Quốc hội đề nghị những người được lấy phiếu tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó,” Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 6 tiếp tục có những đổi mới nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Quốc hội; việc thảo luận, tranh luận và trách nhiệm giải trình đã tạo không khí làm việc sôi nổi, dân chủ, trách nhiệm, thu hút sự quan tâm, theo dõi của nhân dân và cử tri cả nước. Kết quả kỳ họp đã tạo niềm tin về sự đoàn kết, nhất trí để phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ của những năm tiếp theo và cả nhiệm kỳ 2016-2020.
Quốc hội ghi nhận sự tham gia tích cực, trí tuệ, tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội; sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc, tinh thần làm việc tận tụy, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong suốt quá trình chuẩn bị và tiến hành kỳ họp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy và kịp thời báo cáo kết quả kỳ họp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân; nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để kịp thời phản ánh, kiến nghị với Quốc hội, với Chính phủ, các cơ quan hữu quan và tích cực chủ động hơn nữa trong công tác lập pháp và giám sát.
"Quốc hội yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chính quyền địa phương các cấp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục đánh giá, rút kinh nghiệm những việc đã làm được, những việc chưa làm được; đổi mới phương pháp quản lý, chỉ đạo điều hành, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động để tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới,” Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bế mạc Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đúng vào ngày kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thân ái gửi tới các cô giáo, thầy giáo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã và đang công tác trong ngành giáo dục niềm tin yêu và lời chúc mừng chân thành, tốt đẹp nhất.
Chủ tịch Quốc hội mong rằng toàn ngành giáo dục sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, quyết tâm khắc phục hạn chế, khó khăn, thực hiện có hiệu quả chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện sự nghiệp giáo dục-đào tạo của nước nhà.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trân trọng cảm ơn các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, các vị khách quý đã dành thời gian tham dự, theo dõi kỳ họp và luôn quan tâm, góp ý kiến cho hoạt động của Quốc hội; cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành, các cấp, các địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí, các đơn vị phục vụ đã hoạt động trách nhiệm, hiệu quả; cảm ơn sự quan tâm, chia sẻ, đóng góp ý kiến quý báu của cử tri và nhân dân đã góp phần vào thành công của kỳ họp.
Trước đó, sáng cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và Luật Công an nhân dân (sửa đổi).
Tại Phiên bế mạc, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
(Theo TTXVN)