Là địa phương thực hiện thí điểm công tác quy hoạch, sáp nhập, sắp xếp lại hệ thống thôn, tổ dân phố của huyện Văn Yên, xã Lâm Giang đã hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm đúng yêu cầu, tiến độ. Đặc biệt, việc đặt tên thôn sau sáp nhập cũng được địa phương triển khai khoa học, hài hòa, người dân đồng tình ủng hộ. Hiện tại có 18 thôn, Lâm Giang sẽ còn 12 thôn theo phương án sắp xếp lại các thôn trên địa bàn xã. Theo phương án này, có 5 thôn không dồn ghép, có 13 thôn sắp xếp lại thành 7 thôn.
Việc đặt tên các thôn sau sáp nhập cũng là một vấn đề được lãnh đạo địa phương quan tâm. Đồng chí Vũ Văn Hải - Chủ tịch UBND xã Lâm Giang cho biết: "Thực tế khi họp dân để thống nhất phương án sáp nhập thôn, đặt tên thôn sau sáp nhập cũng có nhiều ý kiến. Nếu theo sở thích và mong muốn của mỗi cá nhân thì sẽ có nhiều cách đặt tên thôn. Chủ trương, quan điểm của xã về việc đặt tên thôn là phải bảo đảm tính khoa học, phù hợp, hài hòa của các yếu tố văn hóa, lịch sử, truyền thống hiện tại. Đặc biệt, đặt tên thôn phải trên tinh thần vì cái chung, toàn diện, không cục bộ, không cá nhân và số ít phải theo số đông”.
Tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến nhân dân đồng thời xã chủ động xây dựng phương án đặt tên thôn để người dân dân chủ thảo luận. Đối với 3 thôn: 7, 8, 9 sẽ ghép thành 2 thôn, lấy tên là thôn Trục Ngoài, thôn Trục Trong do có suối Trục chảy qua. Thôn 15 và thôn 17 dồn thành 1 thôn có 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống nên chọn tên thôn Khay Dạo vì có suối Khay chảy qua, Dạo là cách gọi dân tộc Dao của bà con địa phương.
Theo phương án thì không dồn ghép, thôn 16 sẽ mang tên Ngòi Cài bởi dòng suối Cài chảy qua đây. Có đền Phúc Linh trên địa bàn nên sau sáp nhập, thôn 4 và thôn 18 sẽ gọi là thôn Phúc Linh. Thôn 6 không dồn ghép và lấy theo tên lịch sử là thôn Bãi Khay. Tương tự thôn 10 không dồn ghép sẽ lấy tên Khe Bút theo lịch sử.
Như vậy, tên của một số thôn coi như quay trở lại với tên cũ khi cách đây 25 năm đã từng gọi làng Bút, làng Cài, làng Khay. Đối với các thôn có đông người dân miền xuôi lên khai hoang sinh sống đã lâu mà chủ yếu ở các xã của huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, lãnh đạo địa phương đã xây dựng phương án tên thôn sau sáp nhập sẽ ghép từ đầu của tên xã ở quê dưới xuôi với từ đầu của tên xã Lâm Giang.
Cụ thể như thôn 1 có đông người dân xã Thọ Vinh nên lấy từ "Thọ” ghép với từ "Lâm” thành tên thôn mới là Thọ Lâm. Ghép thôn 2, thôn 3 thành thôn Phú Lâm do người dân chủ yếu ở xã Phú Thịnh. Thôn 5 giữ nguyên và có tên gọi Vĩnh Lâm; thôn 11, 12 sau sáp nhập được gọi là thôn Ngũ Lâm; thôn 13, 14 sáp nhập thành thôn mới có tên Hợp Lâm. Nhân dân các thôn đã nhiệt tình đóng góp ý kiến, trao đổi, thảo luận để đi tới thống nhất với cách đặt tên thôn sau sáp nhập mà xã đưa ra.
Ông Đào Văn Đặng, người dân thôn 5 cho biết: "Bản thân tôi đồng tình với cách đặt tên các thôn sau sáp nhập vì mang nhiều ý nghĩa, trọn vẹn lý tình, phù hợp với đặc thù của các thôn đặc biệt khó khăn cũng như các thôn có đông người dân ở miền xuôi lên sinh sống”.
Có được sự đồng thuận cao từ phía người dân, đồng chí Vũ Văn Hải - Chủ tịch UBND xã Lâm Giang chia sẻ: "Tên gọi đặt cho các thôn sau sáp nhập tự thân đã mang nét đẹp văn hóa, nhắc mỗi người không quên lịch sử, tự hào và yêu quý quê hương, nguồn cội của mình. Không chỉ thế, tên gọi các thôn mới còn là sự kết hợp giữa truyền thống với hiện tại, sự gắn bó khăng khít giữa người dân miền xuôi với đồng bào miền ngược, khơi gợi ý thức và trách nhiệm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”.
Nguyễn Thơm