Thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp học, huyện Trấn Yên đã sáp nhập các trường mầm non, tiểu học, THCS tại 5 xã thành trường tiểu học và THCS có 3 cấp học; sáp nhập 16 trường tiểu học với trường THCS ở các xã thành trường tiểu học và THCS, sáp nhập 2 trường tiểu học thành 1 trường tiểu học, giảm 16 điểm trường.
Có 4 điểm trường tiến hành sáp nhập trước lộ trình; có 6 điểm trường phải lùi thời gian sáp nhập do cơ sở vật chất ở điểm trường chính chưa đảm bảo. Đến hết năm học 2017 - 2018, toàn huyện có 44 trường, 46 điểm trường và 4 phân hiệu tiểu học, 579 lớp với 16.459 học sinh.
Tuy nhiên, đoàn giám sát của Thường trực HĐND huyện cũng nhận thấy những khó khăn, hạn chế trong thực hiện Đề án tại địa phương. Cụ thể, một số trường sau sáp nhập đã được công nhận là trường chuẩn quốc gia, song việc đầu tư trang thiết bị các phòng học chức năng còn thiếu; có trường chưa đủ diện tích so với quy định; một số phòng học của học sinh tiểu học được chuyển đổi cho trường mầm non sử dụng chưa phù hợp; có nơi việc nấu ăn cho học sinh bán trú phải thuê ở nhà dân.
Theo lộ trình thực hiện Đề án, có 6 điểm trường phải lùi thời gian sáp nhập do điểm trường chính chưa đảm bảo về cơ sở vật chất. Đội ngũ cán bộ quản lý nhà trường, nhất là hiệu trưởng gặp khó khăn nhất định trong quản lý vì việc chuyển đổi từ quản lý một cấp học sang quản lý từ 2 đến 3 cấp học; từng cấp học có quy định, yêu cầu riêng trong việc dạy và học, đánh giá, phân xếp loại học sinh. Đối với trường có học sinh bán trú, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên phải kiêm thêm nhiệm vụ chăm sóc, quản lý học sinh bán trú nhưng chưa có chế độ chính sách hỗ trợ.
Trường có 2 cấp tiểu học và THCS cùng địa điểm khó khăn trong việc bố trí thời gian học và thời gian ra chơi của học sinh từng cấp, vì học sinh tiểu học có tiết học 35 phút, nhưng học sinh THCS có tiết học là 45 phút.
Các nhà trường có 2 cấp học, có học sinh bán trú, học sinh cấp THCS phải học 2 ca sáng và chiều, thời gian học sinh THCS đi học ca chiều sẽ ảnh hưởng đến thời gian nghỉ trưa của học sinh cấp tiểu học học bán trú ở trường. UBND một số xã chưa thường xuyên quan tâm, chỉ đạo nhà trường trong việc triển khai thực hiện Đề án và cách thức thực hiện hoạt động xã hội hóa giáo dục của trường…
Qua giám sát, Thường trực HĐND huyện đề nghị UBND huyện quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các nhà trường theo lộ trình; rà soát các trường đã được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia song còn thiếu trang thiết bị có ý kiến để tỉnh bổ sung theo quy định; dành nguồn kinh phí đầu tư sửa chữa, nâng cấp đối với các phòng học xuống cấp; chỉ đạo các xã quan tâm triển khai thực hiện Đề án của xã theo lộ trình.
Nghiên cứu việc phân bổ, hướng dẫn thanh quyết toán nguồn ngân sách Nhà nước cấp đối với các trường có nhiều cấp học cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường trong quá trình quản lý, sử dụng, quyết toán...
Thường trực HĐND huyện cũng đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) thường xuyên phối hợp với UBND các xã rà soát các điểm trường phải sáp nhập theo Đề án; chủ động tham mưu sáp nhập trước lộ trình đối với các trường đủ điều kiện.
Kiểm tra, đánh giá cụ thể đối với các điểm trường phải lùi thời gian sáp nhập để phối hợp với UBND các xã tuyên truyền nhân dân, phụ huynh học sinh biết. Đề nghị Phòng chỉ đạo các trường trong thực hiện các hoạt động xã hội hóa giáo dục; bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ quản lý cho hiệu trưởng các trường có nhiều cấp học; hướng dẫn thành lập và quản lý các nhóm trẻ đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.
Đối với các nhà trường, Thường trực HĐND huyện yêu cầu chủ động tham mưu với Phòng GDĐT, UBND các xã tiếp tục thực hiện Đề án theo lộ trình; tham mưu và thực hiện việc huy động xã hội hóa xây dựng các công trình phụ trợ đảm bảo đồng bộ, theo đúng quy định và đảm bảo tính lâu dài.
Quan tâm đến công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường học, nhất là đối với nhà trường có học sinh bán trú chưa có bếp ăn.
UBND các xã tăng cường quản lý Nhà nước về giáo dục tại địa phương, phối hợp triển khai thực hiện Đề án; quan tâm đến công tác xã hội hóa giáo dục tại các nhà trường trên địa bàn. Đồng thời, tạo điều kiện giải quyết các vướng mắc về đất đai trong việc mở rộng diện tích các trường đảm bảo theo quy định, đáp ứng yêu cầu dạy và học của các trường khi tiến hành sáp nhập điểm trường lẻ về điểm trường chính…
Minh Quang