Từ việc tòa tuyên phạt các vụ đại án quan trọng thời gian qua, trong đó có phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án ông Phan Văn Vĩnh và ông Nguyễn Thanh Hóa cùng 90 đồng phạm trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ cho thấy: Bài học cho tất cả đảng viên là dẫu ở cương vị, trọng trách nào, không bao giờ được buông lỏng sự tự ý thức, rèn luyện của bản thân.
Bài học đắt giá về "mất" cán bộ có liên quan đến các vụ án lớn vừa qua có nguyên nhân chủ yếu là do các cán bộ, đảng viên đó không giữ được mình, trở thành kẻ có tội, đánh mất danh dự, tổn thương uy tín của Đảng.
Qua đây cũng cho thấy, nếu cán bộ "tu thân” kém thì dù Đảng và tập thể có ưu ái, lựa chọn, cuối cùng cũng không trở thành cán bộ tốt, cán bộ giỏi. Do đó, để trở thành người thực sự có đức, có tài thì việc thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức sẽ giúp bản thân mỗi cán bộ tự đề cao trách nhiệm nêu gương của mình trước Đảng, trước đất nước và trước nhân dân.
Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Bảo
Dư luận những ngày qua chứng kiến tòa tuyên phạt bị cáo Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa cùng 90 đồng phạm trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ. Đối với hành vi phạm tội của hai bị cáo Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa, Hội đồng xét xử cho rằng, hành vi phạm tội của 2 bị cáo gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng uy tín của ngành công an, gây bức xúc trong dư luận, làm giảm lòng tin của người dân đối với cơ quan bảo vệ pháp luật.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa 2 bị cáo ra xét xử thể hiện sự kiên quyết trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, thể hiện sự bình đẳng của pháp luật kể cả đối với những người có chức vụ cao, có nhiều thành tích trong công tác phòng, chống tội phạm.
Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Bảo, nguyên Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: từ các bản án tòa đã tuyên, trong đó có cán bộ có nhiều thành tích trong công tác phòng chống tội phạm thì Đảng cần trở lại lời dạy của Bác Hồ.
Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc”, Bác Hồ đề cập đến 12 điều về "Tư cách của Ðảng chân chính cách mạng”. Bác Hồ dạy cán bộ, đảng viên phải luôn tự mình rèn luyện mình, tự mình tu dưỡng đạo đức, lối sống. Do đó, bài học đắt giá cho tất cả đảng viên là dẫu ở cương vị, trọng trách nào, không bao giờ được buông lỏng sự tự ý thức, rèn luyện của bản thân:
"Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của mỗi cán bộ đảng viên hết sức quan trọng. Bởi không phải lúc nào tổ chức cũng ở bên mình, không phải lúc nào tự thân mỗi người có thể nhận ra được khuyết điểm của mình. Một khi đã ý thức, tự tu dưỡng thì chúng ta có bản lĩnh, không chỉ có bản lĩnh và luôn luôn ý thức công việc của mình, mình làm được đã đúng chưa? Có vì dân chưa? Việc làm của mình có tổn hại đến lợi ích chung của tập thể không? có tổn hại đến lợi ích của người dân không? Tổn hại danh dự của Đảng và trong đó của bản thân không. Theo tôi, việc tu dưỡng rèn luyện là hết sức quan trọng” - Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Bảo nói.
Bài học đắt giá về "mất" cán bộ có liên quan đến các vụ án lớn vừa qua có nguyên nhân chủ yếu là do các cán bộ, đảng viên đó không giữ được mình, trở thành kẻ có tội, đánh mất danh dự, tổn thương uy tín của Đảng.
Phát biểu tại Hội nghị Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất, còn vật chất không là gì. Cái còn mãi với thời gian là danh dự, trọng liêm, trọng chính, trọng đức”. Còn vật chất chỉ là phù vân, nó quý thì quý thật nhưng ông cha ta đã chỉ rõ "Danh thơm thì còn mãi- đừng ham chức tước, địa vị, vật chất, tiền tài lôi kéo đủ thứ”.
Để luôn giữ được "danh dự” thì việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên cần phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục, không ngừng. Còn làm việc thì còn học tập, phải tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức và luôn phải giữ mình. Thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhu cầu lịch sử khách quan của sự hoàn thiện nhân cách.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng: việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức lối sống cần được biểu hiện trong thực hành chức danh lãnh đạo: "Kết quả hành vi của anh về đạo đức lối sống, không phải xem trong quá trình anh tu dưỡng như thế nào? Mà quá trình biểu hiện hành vi trong quá trình thực hiện chức năng là lãnh đạo, cán bộ chủ chốt là có thể được. Biểu hiện hành vi, kết quả tu dưỡng trong quá trình lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ chính trị”.
Để Đảng trong sạch, vững mạnh, Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương vừa được Trung ương ban hành đã quy định rõ: "Đảng viên không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng. Mẫu mực về đạo đức, lối sống. Thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành”.
Nêu gương là tất cả mọi người, trước hết là cán bộ có trách nhiệm. Quy định là tạo sự khích lệ hoàn thiện, tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh thái độ và hành vi, răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo, phòng ngừa nguy cơ sai phạm của từng đồng chí lãnh đạo cấp cao. Trung ương nêu gương thì dưới sẽ nêu gương theo. Trên nghiêm thì dưới chắc chắn sẽ nghiêm.
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở, Ban Tổ chức Trung ương khẳng định: muốn nêu gương thì từng bản thân đảng viên phải rèn luyện, phấn đấu tu dưỡng, phải trau dồi đạo đức cách mạng.
|
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở, Ban Tổ chức Trung ương |
"Muốn làm gương về đạo đức thì phải tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức cách mạng. Muốn có hành động tốt, phát ngôn đúng, phát ngôn tốt. Muốn có hành động nêu gương thì trước hết bản thân phải tu dưỡng, rèn luyện. Bác Hồ nói việc tu dưỡng, rèn luyện phải thường xuyên, hàng ngày, như việc đánh răng, rửa mặt. Quan trọng nhất là các đồng chí lãnh đạo cấp cao mà nêu gương thì sức tác động rất mạnh mẽ, rất to lớn trong toàn Đảng, trong xã hội để cho cấp dưới noi theo. Cấp trên nghiêm túc thì cấp dưới phải nghiêm túc, cấp trên mà nề nếp thì cấp dươí "cho kẹo cũng không dám làm bậy”- ông Nguyễn Đức Hà chia sẻ thêm.
Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên cũng phân công cụ thể trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong đó, giao MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Quy định này.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Viết Chức, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thì: tu dưỡng và rèn luyện là 2 việc khó giám sát. Muốn giám sát tốt, người dân phải xác định được quyền và nghĩa vụ của mình. Quan trọng nhất vẫn phải xây dựng được mối quan hệ nề nếp giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân và nhân dân với cán bộ, đảng viên. Đặc biệt mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác ngộ, tự giác tu dưỡng, rèn luyện bản thân.
Ông Nguyễn Viết Chức, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
"Việc tu dưỡng và rèn luyện 2 việc khó giám sát, nếu không khéo thành hình thức. Việc tu dưỡng, rèn luyện trong tổ chức Đảng là "tự phê bình” và " phê bình” còn giám sát là điều cực kỳ khó. Nếu quyết tâm làm, kết quả tu dưỡng rèn luyện phải có kết quả. Đây là điều rất nội tâm bên trong, mỗi cán bộ, đảng viên phải giác ngộ, tự giác”- ông Nguyễn Viết Chức nói.
Tiền nhân nói "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Nếu không "tu thân” thì sao có thể "tề gia trị quốc bình thiên hạ”. Nếu "tu thân” kém thì dù Đảng và tập thể có ưu ái, lựa chọn thì cuối cùng cũng không trở thành cán bộ tốt, cán bộ giỏi. Khi vào được vị trí cũng luôn cần tu dưỡng, nâng cao trình độ; tránh tự huyễn, coi chức vụ là vị trí cơ hội làm ăn, mang lại lợi ích riêng. Nêu gương cần bắt đầu từ "tu dưỡng”. Việc thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức sẽ giúp bản thân mỗi cán bộ tự đề cao trách nhiệm nêu gương của mình trước Đảng, trước đất nước và trước nhân dân.
(Theo VOV)